TP HCM: Ô nhiễm nguy hiểm trong khu dân cư

Thời sựThứ Sáu, 30/03/2012 02:44:00 +07:00

(VTC News) - Ô nhiễm môi trường do sản xuất trong khu dân cư ở TP.HCM đang ở mức báo động, khiến người dân sống trong “vùng nguy hiểm”.

(VTC News) –  Ô nhiễm môi trường do sản xuất trong khu dân cư ở TP HCM đang diễn biến phức tạp, mức độ của nó đang ở mức báo động, khiến người dân sống trong “vùng nguy hiểm” đang hoang mang lo sợ.

Hôm qua 29/3, Tin nhanh môi trường – Tin nhanh về môi trường Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm “Ô nhiễm do sản xuất trong khu dân cư ở TP HCM để nhằm đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất trong khu dân cư ở TP HCM hiện nay. Đồng thời cũng thông qua buổi tọa đàm để người dân, những nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý mạnh dạn nói lên những suy nghĩ của mình.

PSG.TS Nguyễn Lê Minh đang phát biểu, ngày 29/3 
TP HCM là một thành phố đông dân và có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh ngay trong khu dân cư nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây thực sự đang ở mức báo động nhưng thực trạng ấy vẫn đang còn bỏ ngỏ khiến người dân trở nên bức xúc.

Tiêu biểu như tình trạng ô nhiễm tại khu vực khu phố 4, 5, P. Đông Hưng Thuận, Q.12. Trong hai năm 2010 và năm 2011 Sở Tài Nguyên - Môi trường thành phố và UBND TP.HCM đã quyết định xử phạt gần 30 công ty, đơn vị sản xuất trên địa bàn với số tiền lên đến 2,5 tỷ đồng, nhiều đơn vị bị phạt đến 2,3 lần nhưng tình trạng vẫn không được khắc phục.

Người dân ở khu vực này thì đối diện với nguy cơ bệnh tật rất cao, đặc biệt là trẻ em. Những người dân ở đây cho biết, trẻ em ở khu vực này hầu như đều bị các bệnh về đường hô hấp.

Gần đây ở khu vực này có hai người chết vì ung thư phổi, dù cái chết đó có liên quan trực tiếp đến ô nhiễm môi trường hay không nhưng nó đã gióng lên hồi chuông báo động về hiện trạng ô nhiễm này. Những cuộc họp khu phố, chủ đề quan trọng nhất là vấn đề ô nhiễm, chính quyền hứa sắp tới sẽ di dời nhưng đó là chuyện của tương lai.

Anh Huỳnh Kim Long ở khu phố 4, Q.12 cho biết: "mỗi ngày tôi phải quét nhà hàng chục lần, cứ sau 1 – 2 tiếng là bụi than đen ngòm đã phủ đầy nền nhà, bàn ghế…Người dân nơi đây đã chịu đựng hơn 10 năm nay rồi. Ai cũng chỉ có một ao ước duy nhất, đó là khu phố mình có một vị quan chức nào đó đến sống. Chỉ có như vậy mới hy vọng những cơ sở này được dẹp đi, dân chúng tôi bớt khổ!"

Cũng bức xúc về trình trạng ô nhiễm, bà Trần Anh ở số nhà 28, Phong Phú, P.12, Q.8 cho biết, từ khi cơ sở sản xuất bánh mỳ Tiến Phát mở bên cạnh vào tháng 3/2009 thì gia đình bà bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Bởi hằng ngày, không chỉ gia đình bà mà còn người dân xung quanh phải chịu biết bao nhiêu khói bụi, mùi bánh mỳ, dầu mỡ và những chất độc hại… khiến sức khỏe mọi người ảnh hưởng rất nghiêm trọng, thường xuyên bị những bệnh như hô hấp, viêm họng, ho kéo dài nên phải thường xuyên uống thuốc điều trị. Mặc dù, đã bao nhiêu năm bà đi khiếu nại nhưng đến nay bà vẫn chỉ nhận được con số 0 mà thôi.

Trả lời những thắc mắc trong buổi tọa đàm, luật sư Nguyễn Văn Hậu (đoàn luật sư TP HCM) cho biết, theo quy định của Luật bảo vệ môi trường, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu các đối tượng vi phạm bồi thường thiệt hại. Do đó khi có thiệt hại phát sinh về tài sản, sức khỏe, tính mạng…thì người thiệt hại phải nắm rõ  các quy định để yêu cầu đối tượng vi phạm bồi thường thông qua con đường khởi kiện hoặc tự động thương lượng đối đối tượng vi phạm.

Phát biểu ý kiến của mình, Bác sĩ Phan Xuân Trung cho biết, số ca bệnh nhân mắc bệnh do môi trường ngày càng tăng. Mức độ ô nhiễm môi trường ở Việt Nam cao so với các nước trong khu vực nhưng lại có mức độ xử phạt chưa đủ mạnh. Nên để khắc phục trình trạng trên thì hơn ai hết Việt Nam cần phải có những biện pháp mạnh hơn nữa để đủ sức răn de.

Trong buổi tham luật, PGS. TS Nguyễn Lê Minh ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp các hội KHKT TP HCM cho rằng cần phải đưa những kiến thức về an toàn lao động và bảo vệ môi trường đến từng cơ sở sản xuất, từ chủ cơ sở đến người làm, kể cả những người có trách nhiệm quản lý liên quan và hãy coi đó là kiến thức nghiệp vụ phổ thông.

Ngọc Thân

Bình luận
vtcnews.vn