TP.HCM đề xuất cho bệnh viện tư nhân thu phí điều trị COVID-19

Tin tứcThứ Tư, 08/09/2021 19:26:02 +07:00

Theo UBND TP.HCM, việc này giúp đảm bảo nguồn lực tài chính để y tế tư nhân tiếp tục công tác điều trị, cứu chữa người bệnh, giảm áp lực cho hệ thống công lập.

Ngày 8/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký văn bản gửi Thủ tướng về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị COVID-19.

Theo văn bản này, trong quá trình huy động các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị COVID-19, có phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, người mắc bệnh thuộc nhóm A (có COVID-19) được khám và điều trị miễn phí.

Ngoài ra, thông tư của Bộ Tài chính cũng quy định người bị áp áp dụng biện pháp cách ly y tế được miễn chi phí khám, chữa bệnh khi phát hiện, điều trị bệnh truyền nhiễm.

Tuy nhiên, qua khảo sát và trao đổi ý kiến của các cơ sở y tế tư nhân, việc mua sắm thuốc, vật tự y tế... cũng như định mức sử dụng, cho thấy chi phí trong công tác điều trị COVID-19 giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân rất khác biệt.

Do đó, việc ngân sách nhà nước chi trả theo chi phí thực tế phát sinh cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân gặp vướng mắc. Trường hợp chi trả theo mức chi phí phát sinh như tại cơ sở y tế công lập thì cơ sở y tế tư nhân không duy trì được.

Trường hợp chi trả theo mức chi phí thực tế phát sinh tại cơ sở y tế tư nhân sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực. Đồng thời, việc này cũng không có cơ sở để thực hiện khi cùng sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả cho công tác điều trị nhưng chi phí giữa cơ sở y tế công lập và tư nhân là khác nhau.

Văn bản của UBND TP.HCM cho biết theo báo cáo của các cơ sở y tế tư nhân, hiện rất nhiều bệnh nhân sẵn sàng trả phí điều trị COVID-19. Các cơ sở y tế tư nhân đã đề nghị cho phép được thu giá dịch vụ khám và điều trị bệnh nhân COVID-19.

TP.HCM đề xuất cho bệnh viện tư nhân thu phí điều trị COVID-19 - 1

Phòng điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức. (Ảnh: Duy Hiệu).

Trước đó, ngày 23/8, UBND TP.HCM đã có Công văn số 2828 gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19.

Ngày 1/9, Bộ Tài chính phản hồi và đề nghị Bộ Y tế khẩn trương chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền.

Trong đó, cơ quan này cần xây dựng quy định các điều kiện, tổ chức thực hiện điều trị bệnh COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 ngoài công lập và quy định việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh COVID-19 tại các cơ sở điều trị COVID-19 ngoài công lập.

Do yêu cầu cấp bách cần huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia công tác điều trị, giảm áp lực cho hệ thống công lập, kịp thời cứu chữa cho người dân bị mắc COVID-19, UBND TP.HCM kính đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính, tổng hợp, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét, quyết định.

Ngày 23/7, Bộ Y tế có Công văn số 5929/BYT-KCB về việc quản lý với người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó đề nghị UBND TP.HCM: “Huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia vào công tác phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là công tác điều trị để giảm bớt áp lực cho các cơ sở y tế công lập”.

Ngày 6/8, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7 của Quốc hội khóa XV, trong đó:

- Tại điểm d khoản 2 Điều 1 nêu: “Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương huy động hệ thống y tế công lập, tư nhân và các nguồn lực xã hội để kịp thời phối hợp triển khai trong công tác dự phòng, điều trị, tiêm vaccine, đầu tư cơ sở vật chất và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả và theo đúng quy định”.

- Tại khoản 5 Điều 2 nêu: “Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phi thực tế; chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh”.

- Tại khoản 2 Điều 3 nêu: “Trường hợp cần thiết phải ban hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh khác với quy định của luật hiện hành và ngoài phạm vi quy định tại mục 3.1, mục 3.2 Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp, các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương đề xuất gửi Bộ Y tế để tổng hợp, trình Chính phủ bảo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện theo quy định tại điểm 2.2 Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội”.  

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp