Top 10 từ khoá trên Google: Nỗi nhục dân trí thấp hay niềm vui của người dân ưa hiền hoà?

Bạn đọcThứ Hai, 28/12/2015 07:03:00 +07:00

Google thể hiện dân trí của người Việt Nam thấp liệu có công bằng?

(VTC News) - Bên cạnh ý kiến cho rằng những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất năm 2015 cho thấy trình độ dân trí người Việt thấp, thì một số quan điểm lại nói đây là tín hiệu từ một đất nước luôn lạc quan và sống đơn giản yêu đời.

Trong thời gian gần đây, dư luận như sôi sục vì danh sách những từ khóa người Việt tìm kiếm nhiều nhất trên Google năm 2015.


Những từ khóa này hầu hết liên quan tới vấn đề về ca nhạc, giải trí hay các chương trình gameshow, truyền hình.
Vợ người ta là từ khóa người Việt Google tìm kiếm nhiều nhất năm 2015
"Vợ người ta" là từ khóa người Việt Google tìm kiếm nhiều nhất năm 2015 
Bất ngờ hơn cả là từ khóa "Vợ người ta" - một bài hát mới nổi trong năm 2015 của ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh lại chính là từ khóa "hot" nhất, hay như cái tên "Sơn Tùng - MTP" của chàng ca sĩ sinh năm 1994 chiếm đến gần một nửa bảng danh sách.

Câu chuyện về những từ khóa liên quan tới giải trí của người Việt Nam sẽ không có gì to tát, nếu như không có sự so sánh với những top từ khóa được quan tâm nhất ở các nước láng giềng trong khu vực châu Á.

Đặc biệt là sau khi trên Bloomberg xuất hiện một bài phân tích có tựa đề: "Top từ khóa Google tìm kiếm thể hiện thị hiếu sử dụng mạng của người châu Á" (Google's Top Search Terms of 2015 Reveal Asia's Differing Web Tastes), trong đó có sự so sánh về top những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất năm 2015 giữa các nước như Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

Trong bài viết cũng nêu rõ: “Mặc dù sự khác biệt giữa thói quen tìm kiếm của các quốc gia trong khu vực châu Á có thể hiểu được một phần do những sự hạn chế về truy cập web, mức độ khác biệt về tự do báo chí ở mỗi quốc gia, nhưng danh sách dưới đây cũng đã thể hiện được một góc nhìn về tư duy tập thể của người dân châu Á”.

"Hội chứng Apple đã đưa điện thoại iPhone 6 lên vị trí số 1 trong danh sách tìm kiếm tại Hong Kong, và phần còn lại tập trung vào các chương trình truyền hình phổ biến..."

“Người Singapore thì có nhiều mối quan tâm nặng nề hơn. Khói bụi từ những đám cháy tại Indonesia, cái chết của Thủ tướng Lý Quang Diệu là những từ khóa đứng đầu trong danh sách”.

"Tại Nhật, tổ chức Hồi giáo IS là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất bởi hai con tin người Nhật đã bị giết và bộ công an Nhật đã cảnh báo nước này có nguy cơ bị tấn công mạng. Trong khi đó người Hàn Quốc săn tìm thông tin về dịch MERS sau khi Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên được ghi nhận về các ca nhiễm bệnh”.

Còn khi nói về Việt Nam, Bloomberg viết: Người Việt đa sầu đa cảm đã đẩy tên của ba bài hát tình yêu lên đầu danh sách từ khóa tìm kiếm của họ".
Bloomberg giải thích một cách chi tiết về những từ khóa được người Việt tìm kiếm nhiều nhất trên Google 
Để làm rõ hơn, Bloomberg còn giải thích một cách chi tiết về những từ khóa người Việt tìm kiếm nhiều nhất trên Googlenăm 2015 như sau:

1. Vợ Người Ta – Một bài hát về một chàng thanh niên khóc thương sau khi bạn gái cũ đi lấy chồng

2. Âm Thầm Bên Em – Một bài hát về một tên găng-tơ đã cố gắng thay đổi mình để giành lại tình yêu của bạn gái

3. Không Phải Dạng Vừa Đâu – Một bài hát của một ca sỹ nổi tiếng Sơn Tùng - MTP nhằm thể hiện cảm xúc

4. How-Old.net

5. Fast Furious 7

6. Khuôn Mặt Đáng Thương – Một bài hát về một chàng thanh niên thể hiện nỗi buồn về tình yêu danh cho người bạn gái cũ

7. Em Của Quá Khứ - Một bản ballad về một người đàn ông chờ đợi sự trở về của cô bạn gái hồi trung học

8. Cười Xuyên Việt – Một chương trình truyền hình tìm kiếm các nghệ sỹ hài mới

9. Cô Dâu 8 Tuổi – Một seri phim truyền hình Ấn Độ về một cô bé bị ép lấy chồng từ năm 8 tuổi

10. Chàng Trai Năm Ấy – Một bộ phim hài kịch lãng mạn dựa trên tiêu sử của ca sỹ quá cố Wanbi Tuấn Anh

Với cách giải thích này của trang Bloomberg đã cho thấy được phần nào cách hiểu của họ về những từ khóa mà người Việt Nam chúng ta tìm kiếm nhiều nhất, hay cũng được xem là những điều chúng ta quan tâm tới nhất trong năm qua.

Đặc biệt là phần giải thích cho từ khóa "Vợ người ta" và từ khóa "Không phải dạng vừa đâu" đã khiến cho không ít người Việt còn phải bật cười.

Cư dân mạng Việt Nam ngay sau đó đã đồng loạt đăng tải thông tin về top từ khóa Google của người Việt Nam và cả bài viết này của Bloomberg, với muôn vàn trạng thái, cảm xúc và bình luận khác nhau.

Có rất nhiều ý kiến cho rằng, những từ khóa này đã phản ánh nền dân trí còn quá thấp của con người Việt Nam, và nó cũng thể hiện sự khác biệt giữa sự phát triển và không phát triển.

Lý do là bởi trong khi các nước láng giềng phát triển hơn ta như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc quan tâm tới các vấn đề thời sự về chính trị, quốc phòng, môi trường, y học... thì ở Việt Nam lại chỉ quan tâm đến "vợ người ta" hay "khuôn mặt đáng thương".

Có người thì nói vui rằng, Việt Nam "đúng là thiên đường giải trí, xứ sở hạnh phúc", "quả không hổ danh là quốc gia lúc nào cũng đươc xếp hạng là hạnh phúc nhất nhì thế giới", tuy nhiên, ẩn sau cái "vui" đó lại xen lẫn với cả chút tủi thẹn.
Một chia sẻ của người dùng Facebook về bài viết của Bloomberg
Thế nhưng xét ở một phương diện khác, có nhiều người lại cho rằng, con người Việt Nam vốn được sống trong hòa bình, lúc nào cũng hiền hòa, vui vẻ nên mới có xu hướng tìm tới những vấn đề mang "tính chất" "vô tư", "yêu đời" đến như vậy.

Mặt khác, vì hàng ngày đã phải đối mặt với cuộc sống lo toan "cơm áo gạo tiền" đầy mệt mỏi, nên khi lên mạng để tìm kiếm những thứ để giải trí, những thứ người ta tò mò vì đã được nghe đến nhiều nhưng chưa biết là gì, thì đó cũng đâu phải điều đáng trách?

Hơn nữa, số liệu thống kê về đối tượng sử dụng internet tại Việt Nam cũng chỉ ra: Lứa tuổi sử dụng Internet nhiều nhất ở Việt Nam luôn nằm trong khoảng từ 15 - 24, sau đó là đến 25 - 34 rồi mới đến lứa tuổi cao hơn thì những vấn đề liên quan tới chính sự ít được quan tâm hơn so với những vấn đề liên quan tới ca nhạc, gameshow, phim truyền hình cũng không phải là điều khó hiểu.

Các quan điểm này cho rằng, muốn phản ánh một cách chính xác về trình độ dân trí còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chứ không thể chỉ đánh giá qua một bảng danh sách từ khóa người Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất trên Google được.

Quay trở lại với bài phân tích của Bloomberg, có lẽ ta chỉ nên đánh giá về "thị hiếu sử dụng mạng", như từ "Web Taste" mà Bloomberg đã dùng, bởi theo từ điển Tiếng Việt thì "thị hiếu" chỉ là xu hướng yêu thích, ưa chuộng về một cái gì đó trong những thứ sử dụng hoặc thưởng thức hằng ngày, và chỉ là của một số đông và trong một khoảng thời gian nhất định kéo dài không lâu mà thôi.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn