Tổng thư ký Quốc hội: 'Ông Võ Kim Cự tham gia vào Ủy ban Kinh tế là bình thường'

Thời sựThứ Sáu, 29/07/2016 20:06:00 +07:00

"Ông Cự có bằng cử nhân Tài chính, thạc sĩ Quản trị kinh doanh… đương nhiên với học vấn như vậy ông tham gia vào Uỷ ban Kinh tế là bình thường" - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Chiều nay 29/7, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi họp báo, các vấn đề liên quan đến vụ ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung mà Formosa gây ra và trách nhiệm của ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh được đặt câu hỏi nhiều nhất.

ong-hanh-pphuc

 Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

- Tại kỳ họp này, các ĐBQH góp ý về giám sát về môi trường và Formosa, công tác giám sát chưa có phối hợp tốt, qua sự việc đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chấn chỉnh gì cho công tác giám sát hiệu quả hơn?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Về chương trình giám sát năm 2017, đây là một trong những chương trình giám sát mà Quốc hội thực hiện quy trình rất chặt chẽ. Vừa qua, chúng tôi có xin ý kiến của 77 cơ quan, tổ chức… và thu được 189 ý kiến về các lĩnh vực đề nghị Quốc hội giám sát.

Trên cơ sở đó, Tổng thư ký gom lại được 30 vấn đề, sau đó, tham khảo các ủy ban rà soát lại chọn ra 6 chuyên đề lớn đề nghị giám sát, sau đó báo cáo Thường vụ Quốc hội, chọn ra 4 chuyên đề lớn báo cáo Quốc hội. Quốc hội tiếp tục chọn ra 2 chuyên đề giám sát 2017. Trên cơ sở số phiếu, Quốc hội chọn ra vấn đề an toàn thực phẩm và bộ máy hành chính nhà nước để giám sát.

Trong kỳ họp, có ĐBQH đề xuất giám sát Formosa, vấn đề này trong giải trình trước Quốc hội, chúng tôi đã báo cáo. Liên quan đến sự việc, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt và xác định được nguyên nhân, thủ phạm. Giao Bộ TNMT thường xuyên theo dõi báo cáo thường vụ. Cuối tháng này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ trực tiếp vào trong Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung để giám sát vấn đề này để báo cáo lại.

- Chính phủ nói sẽ báo cáo Quốc hội về nguyên nhân rơi máy bay nhưng tại sao không có báo cáo?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Về báo cáo sự cố rơi máy bay đã có trong báo cáo Chính phủ, vụ việc này đã rõ, chỉ có nguyên nhân liên quan đến hộp đen thì Bộ Quốc phòng đã gửi qua Pháp để tìm nguyên nhân nhưng chưa có kết quả.

- Dư luận rất quan tâm trách nhiệm của ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh trong việc cấp phép cho Formosa thuê đất 70 năm, và việc dự án này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng ông Cự vẫn được vào làm thành viên Ủy ban kinh tế (UBKT)?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Theo điều 30 Luật Tổ chức Quốc hội thì ĐBQH có quyền được đăng ký vào bất cứ ủy ban nào của Quốc hội. Ông Cự thì có bằng cử nhân Tài chính; thạc sĩ Quản trị kinh doanh… đương nhiên với học vấn như vậy ông tham gia vào UBKT là bình thường.

Với vai trò là nguyên Bí thư tỉnh, ông cho Formosa thuê đất 70 năm, thanh tra Chính phủ thanh tra thì việc cho thuê đất không đúng thẩm quyền của địa phương và bản thân ông Cự cũng đã nhận thấy cái sai của tỉnh trong việc làm không đúng thẩm quyền.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có báo cáo Chính phủ về việc này, Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào xem xét xem có đủ điều kiện cho thuê 70 năm không. Và sau đó các bộ ngành đã đánh giá lại và thấy rằng đủ điều kiện cho phép thuê 70 năm.

- Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, Quốc hội lại giao cho 1 ủy ban để giám sát Formosa như thế có coi nhẹ vấn đề ô nhiễm Formosa gây ra không? Có coi nhẹ nhân dân không?

Ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm VPQH: ĐBQH và QH rất quan tâm đến môi trường, trong đó có sự cố môi trường Formosa. Quốc hội không xem nhẹ, hoạt động giám sát nào cũng có giá trị pháp lý, hiệu quả của cấp độ đó. Trên cơ sở giám sát của Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường, Quốc hội sẽ có những quyết định tiếp theo.

- Ông Cự vừa là người của UBKT vừa là người quyết định dự án thì việc thanh tra có khách quan không?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Ông Cự là thành viên UBKT, liên quan đến mội trường thì đã giao cho Ủy ban Môi trường vào đó giám sát. Nếu có vấn đề liên quan đến kinh tế mà cần sự giám sát của Ủy ban Kinh tế thì đương nhiên không có ông Cự để đảm bảo khách quan.

- Trước hàng loạt sai phạm về Formosa, có ý kiến xem xét tư cách ĐBQH ông Cự? Ông có nhìn nhận gì về ý kiến này?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Trong quá trình cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân rõ ràng thì lúc đó mới xem xét trách nhiệm của ông Cự được.

 
Ông Cự thì có bằng cử nhân Tài chính; thạc sĩ Quản trị kinh doanh… đương nhiên với học vấn như vậy ông tham gia vào Uỷ ban Kinh tế là bình thường.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng QH

- Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội sẽ giám sát Formosa, việc giám sát có đưa ra xử lý trách nhiệm cá nhân hay không? Việc giám sát có đảm bảo tính khách quan không khi người liên quan là ĐBQH?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Các ủy ban đều là cơ quan chuyên môn của Quốc hội và có đầy đủ chức năng giám sát, tham gia giám sát… Việc giao cho ủy ban chuyên môn giám sát trong điều kiện hiện nay có thể tin tưởng được hoạt động giám sát này. Trên cơ sở của ủy ban sẽ có xem xét và quyết định cần thiết.

- Ông có đồng ý với phần giải trình của ông Trần Hồng Hà hay không? Trong báo cáo nói chất lượng nước biển có thể tắm và làm du lịch? Quan điểm của ông thế nào?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Bộ trưởng Bộ TNMT phát biểu nhiều vấn đề trong đó có Formosa, với tư cách Bộ trưởng có báo cáo chung định hướng bộ sẽ làm gì, cách phòng chống ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vấn đề Formosa Bộ trưởng Hà nêu chưa rõ, chưa thỏa mãn được với ĐBQH, tôi cũng chưa thỏa mãn lắm. Các đại biểu muốn Bộ trưởng Hà trả lời sâu hơn.

Video: Ông Võ Kim Cự cho rằng cấp phép 70 năm cho Formosa không sai (Nguồn: VTC1)

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn