Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc: Quốc hội sẽ xem xét Luật đặc khu khi Chính phủ trình sang

Thời sựThứ Sáu, 17/05/2019 16:48:00 +07:00

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định khi nào Chính phủ cảm thấy vấn đề này chín muồi sẽ trình sang Quốc hội xin ý kiến.

Theo kế hoạch, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ dành khoảng 12 ngày để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác.

Liên quan đến Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu), Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định khi nào Chính phủ cảm thấy vấn đề này chín muồi sẽ trình sang Quốc hội. Chính phủ hiện đang trong quá trình hoàn chỉnh Bộ luật này để trình.

dac khu

 Luật đặc khu đang được Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện.

Hiện tại Luật Đặc khu đã được Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật theo hướng xây dựng một luật chung (thay vì dành cho riêng 3 đặc khu).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Trước đó, trong phiên họp sáng 11/6/2018, Quốc hội đã biểu quyết đồng ý tạm dừng thông qua Luật đặc khu ở kỳ họp này. Có 432 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó 423 đại biểu tán thành (85,63%), 8 đại biểu không tán thành và 1 đại biểu không biểu quyết.

Việc lùi thời gian này là để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp giữa năm 2019 – Năm thứ tư của nhiệm kỳ, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.

Tại kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (12 ngày, chiếm tỷ lệ gần 60% tổng thời gian của kỳ họp).

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (8 ngày, trong đó có 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).

Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua ở kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phỉ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Duy Thành
Bình luận
vtcnews.vn