Tổng thống Trump hủy gặp vì bị từ chối mua Greenland, chính trị gia Đan Mạch sốc nặng

Thế giớiThứ Tư, 21/08/2019 19:55:00 +07:00

Các chính trị gia Đan Mạch hôm 21/8 bày tỏ sự ngỡ ngàng về việc Tổng thống Mỹ hủy bỏ chuyến thăm cấp nhà nước tới nước này vì bị từ chối mua Greenland.

Lời đề nghị của ông Trump ban đầu khiến các chính trị gia Đan Mạch - một đồng minh NATO của Mỹ - cảm thấy hoài nghi và hài hước. Cựu Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen thậm chí còn nói "hẳn đây là trò đùa Cá tháng Tư".

Nhưng giới chính trị Đan Mạch đã sốc thực sự khi ông Trump hoãn chuyến thăm ngày 2-3/9 vì Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen gọi ý tưởng muốn mua Greenland của ông là vô lý.

donald trump2

 Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

"Cảm thấy hỗn loạn hoàn toàn với ông Donald Trump và việc ông ta hủy bỏ chuyến thăm cấp nhà nước tới Đan Mạch. Một cơ hội lớn để tăng cường đối thoại giữa các đồng minh đã trở thành một khủng hoảng ngoại giao", cựu Ngoại trưởng Đan Mạch Kristian Jensen, một thành viên của Đảng Tự do đối lập, cho biết trên Twitter.

"Mọi người nên biết Greenland không phải để bán", Jensen nói về hòn đảo lớn nhất thế giới, lãnh thổ tự trị Đan Mạch, nơi giàu có về khoáng sản và có sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Căn cứ Không quân Thule theo hiệp ước Mỹ-Đan Mạch từ năm 1951.

Thủ tướng Frederiksen đã lên kế hoạch cho một cuộc họp báo ngày 21/8. Hồi đầu tuần bà cũng khẳng định Greenland không phải để bán, hy vọng đề xuất của ông Trump không có ý nghiêm túc.

"Đó là tin rất sốc, khi nói về một đồng minh thân thiết và một người bạn tốt", ông Soren Espersen, phát ngôn viên bộ phận đối ngoại của Đảng Nhân dân Đan Mạch cực hữu nói. Ông mô tả quyết định của Tổng thống Trump là một sự xúc phạm với Nữ hoàng Margrethe, người đứng đầu nhà nước Đan Mạch. Tổng thống Mỹ và phu nhân đã được Nữ hoàng Margrethe chính thức mời đến Đan Mạch vào tháng 7.

"Đây là lý do tại sao chúng ta hơn bao giờ hết nên coi các nước thuộc Liên minh Châu Âu là đồng minh thân cận nhất của mình. Người đàn ông này không thể đoán trước được", ông Morten Ostergaard, lãnh đạo đảng Tự do xã hội Đan Mạch cho biết. "Thực tế thật quá sức tưởng tượng".

Theo Reuters, chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump đã dẫn đến mối quan hệ căng thẳng với EU về thương mại và các vấn đề khác. Ông nói việc mua Greenland sẽ là một thỏa thuận bất động sản lớn, nhưng chưa phải là ưu tiên của chính phủ.

"Đan Mạch là một quốc gia rất đặc biệt với những người đáng kinh ngạc, nhưng dựa trên ý kiến của Thủ tướng Mette Frederiksen, rằng bà sẽ không quan tâm đến việc thảo luận về việc mua Greenland, tôi sẽ hoãn cuộc họp của chúng tôi dự kiến diễn ra trong hai tuần nữa", ông Trump viết trên Twitter. Tổng thống Mỹ thậm chí còn cảm ơn Thủ tướng Đan Mạch đã giúp hai bên "tiết kiệm công sức và tiền bạc" bằng cách nói thẳng.

Ông Anders Fogh Rasmussen, cựu Tổng thư ký NATO, cựu Thủ tướng Đan Mạch, lại cho rằng việc ông Trump hủy chuyến thăm là phương án tốt nhất. "Những thách thức về an ninh và môi trường của Bắc Cực đủ quan trọng để xem xét trong các cuộc thảo luận vô vọng như bán Greenland".

Greenland, nơi đang thu hút sự chú ý từ các cường quốc thế giới bao gồm Trung Quốc, Nga và Mỹ do vị trí chiến lược và sự giàu có về khoáng sản, là lãnh thổ tự trị nhưng kém phát triển và dựa vào Đan Mạch về kinh tế.

Aaja Chemnitz Larsen, một nhà lập pháp thuộc đảng đối lập Greenland, cho biết bà không ngạc nhiên về việc hủy gặp của ông Trump. "Mỹ là một đồng minh thú vị của Greenland, nhưng chúng tôi cũng mong muốn Greenland tiếp tục ở trong liên minh như ngày hôm nay."

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn