Tổng thống Philippines sẽ tiêm vaccine COVID-19 của Nga sớm nhất tháng 5/2021

Thời sự quốc tếThứ Năm, 13/08/2020 14:54:02 +07:00
(VTC News) -

Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Philippines cho biết, ông Rodrigo Duterte sẽ được tiêm vaccine COVID-19 của Nga vào đầu tháng 5/2021.

Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Harry Roque, nói với các phóng viên rằng ông Duterte sẽ được tiêm vaccine Sputnik V của Nga sớm nhất là vào ngày 1/5/2021, nếu việc điều trị được cơ quan giám sát thuốc của nước này chấp thuận.

Theo ông Harry Roque, một hội đồng chuyên gia Philippines sẽ xem xét kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của vaccine vào tháng tới, đồng thời tái khẳng định Manila mong muốn được hợp tác với Nga để tìm ra phương pháp ngừa virus SARS-CoV-2.

“Như chúng tôi đã nói, Philippines sẵn sàng làm việc với Nga về các thử nghiệm lâm sàng, cung cấp và sản xuất vaccine, cùng với những hoạt động khác, tuân theo luật hiện hành và quy trình của Philippines”, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Philippines cho hay.

Tổng thống Philippines sẽ tiêm vaccine COVID-19 của Nga sớm nhất tháng 5/2021 - 1

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ được tiêm vaccine COVID-19 của Nga sớm nhất tháng 5/2021. (Ảnh: Reuters)

Đầu tuần này, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên đăng ký vaccine ngừa COVID-19, đồng thời tiết lộ một trong hai cô con gái của ông đã được tiêm loại vaccine này.

Ông Alexander Ginzburg, người đứng đầu Viện Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya - nơi đã phát triển loại vaccine có tên là 'Sputnik V', cho hay loại thuốc này vẫn chưa hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3.

Tuy nhiên, Tổng thống Duterte hôm 11/8 cho biết ông "vui mừng khôn xiết" khi nghe tin tức về Sputnik V, và tình nguyện tiêm loại vaccine điều trị virus corona chủng mới đầy hứa hẹn này.

"Tôi sẽ là người đầu tiên được thử nghiệm", ông Duterte nói.

Hôm 12/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết, các quan chức Philippines sẽ gặp Viện Nghiên cứu Gamaleya để thảo luận về khả năng tiến hành các thử nghiệm lâm sàng tại nước này.

Một số quốc gia trên thế giới đã gấp rút triển khai nghiên cứu, bào chế vaccine ngừa COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái. Đến nay, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, hơn 20,6 triệu người đã bị nhiễm nCoV trên toàn thế giới và gần 750.000 người chết.

Kông Anh(Nguồn: RT)
Bình luận
vtcnews.vn