Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào?

Kinh tếThứ Bảy, 11/03/2017 11:24:00 +07:00

Sau khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất, một chuyên gia nhận định, diễn biến này sẽ tác động gián tiếp lên Việt Nam, nhất là về mặt kinh tế.

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc hôm qua tuyên bố giữ nguyên quyết định luận tội Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, châm ngòi cho một làn sóng biểu tình mới của cả phe phản đối và ủng hộ bà Park.

Quyết định của Tòa án Hiến pháp là cuối cùng và không thể thay đổi. Bà Park trở thành lãnh đạo dân chủ đầu tiên của Hàn Quốc mất quyền vì bị buộc tội.

Thủ tướng Hwang Kyo-ahn, người thay thế tạm thời sau khi bà Park bị Quốc hội bỏ phiếu luận tội ngày 9/12/2016, sẽ tiếp tục điều hành đất nước cho đến khi có lãnh đạo mới được bầu.

tong thong han quoc

 Bà Park Geun-hye chính thức bị phế truất và bị luận tội. Ảnh: Korea Herald.

 Giận dữ, vui mừng

Bà Park bị buộc tội lạm quyền để giúp bạn thân, bà Choi Soon-il, người không giữ vị trí nào trong chính phủ, kiếm được nhiều khoản kếch xù. Bà Choi can dự nhiều công việc của nhà nước trong thời gian bà Park cầm quyền. 

Sau quyết định của Tòa án Hiến pháp, bà Park không đưa ra thông điệp rút lui nào. Nhưng đảng Liberty Korea của bà chấp nhận quyết định của Tòa và xin lỗi người dân vì đã không trợ giúp tốt cho tổng thống trong thời gian bà cầm quyền, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin. 

Bà Park bị cáo buộc 13 tội danh, gộp lại thành 5 nhóm: hối lộ, lạm quyền, để bà Choi thao túng quyền lực từ hậu trường, không bảo vệ cuộc sống của người dân và vi phạm tự do báo chí. Tòa xác định bà Park đóng vai trò chủ động trong việc tiết lộ thông tin mật của chính phủ cho bà Choi và hỗ trợ hoạt động kiếm tiền của bà Choi thông qua các tổ chức xã hội.

Nhưng Tòa không công nhận những tội danh khác đối với bà Park, bao gồm tội danh lạm quyền khi sa thải những quan chức không được lòng bà Choi; lơ là nhiệm vụ trong việc bảo vệ cuộc sống của người dân trong thảm họa chìm phà Sewol và đàn áp tự do báo chí. 

Việc bà Park chính thức mất chức được đánh giá là chưa thể chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua, gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Hàn Quốc. 

Bạo lực nổ ra gần Tòa án Hiến pháp sau khi quyết định được công bố trên truyền hình. Hàng ngàn người trung thành với bà Park tập trung phản đối. Họ khóc lóc, giận dữ, la ó, thậm chí đánh cảnh sát. Hai người chết trong lúc biểu tình, nhưng nguyên nhân tử vong chưa được xác định. Cảnh sát nghi ngờ hai người này tự vẫn. Trong khi biểu tình, ít nhất hai người bị thương, phải nhập viện.

nguoi dan bieu tinh tong thong han quoc

Người biểu tình phản đối bà Park Geun-hye vui sướng trước quyết định của Tòa án Hiến pháp.

 

 Hôm qua, cảnh báo lên mức cao nhất nên cảnh sát triển khai tất cả các lực lượng hiện có ra khắp thủ đô Seoul. Nhiều xe buýt và khoảng 21.600 cảnh sát lập hàng rào quanh tòa án, văn phòng chính phủ để ngăn người biểu tình và đề phòng khả năng bùng phát bạo lực.

Tổng thống tạm quyền Hwang kêu gọi cả phe ủng hộ và phản đối chấp nhận quyết định của Tòa và khôi phục đoàn kết, đồng thời yêu cầu quân đội, cảnh sát chú ý bảo đảm trật tự công cộng, báo Hàn Quốc Korea Herald đưa tin. 

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận do hãng Realmeter thực hiện trên 1.008 người cho thấy, 86% ủng hộ quyết định của Tòa. Cuộc bầu cử tổng thống mới phải được tổ chức trong 60 ngày tới, và có thể rơi vào ngày 9/5. Ông Moon Jae-in, cựu Chủ tịch đảng Dân chủ Hàn Quốc đang giành được tỷ lệ ủng hộ cao nhất (36%) trong số ứng viên tổng thống tiềm năng.

Các ứng viên tiềm năng khác gồm Thống đốc tỉnh Nam Chungcheong An Hee-jung thuộc đảng Dân chủ; nghị sĩ Ahn Cheol-soo của đảng Nhân dân; Thủ tướng kiêm Tổng thống tạm quyền Hwang Kyo-ahn; và Thị trưởng Seongnam Lee Jae-myung. Trong số này, Tổng thống tạm quyền là người duy nhất chưa tuyên bố tranh cử. Theo kết quả khảo sát, 22,7% ủng hộ ông tranh cử, còn 72,2% phản đối. 

Ngã rẽ với Samsung 

Việc Tòa án Hiến pháp giữ nguyên quyết định luận tội bà Park khiến vụ Phó Chủ tịch Samsung Electronics thuộc tập đoàn Samsung, ông Lee Jae-yong, có thể chuyển sang ngã rẽ mới, các nhà phân tích nhận định.

Quyết định đó có thể khiến nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc, trong đó có Samsung, được củng cố thêm lý lẽ rằng, họ là “nạn nhân” của áp lực chính trị. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, quyết định đó có thể không có lợi cho ông Lee và nhóm pháp lý của ông này có thể còn khó chứng minh ông không phạm tội hối lộ. 

Từ khi vụ bê bối chính trị nổ ra cuối năm ngoái, Samsung luôn nói rằng, họ không đổi tiền lấy biệt đãi mà phải quyên tiền vì áp lực. Samsung, LG, Hyundai Motor và SK đều từ chối bình luận về việc này, Korea Herald đưa tin. “Phán quyết hôm nay dựa trên cơ sở Hiến pháp, chứ không dựa vào luật pháp. Vẫn quá sớm để kết luận về phán quyết. Vẫn phải chờ xem vì cuộc điều tra đối với Samsung chưa xong”, GS Jang Young-soo ở ĐH Luật Hàn Quốc nhận xét. 

Phiên tòa đầu tiên xét xử ông Lee diễn ra hôm 9/3. Ông này đối mặt cáo buộc hối lộ và khai man. Trong khi đó, GS Yoon Seok-hyun ở Trường Kinh doanh thuộc ĐH Quốc gia Seoul, cho rằng, quyết định của Tòa án Hiến pháp có thể gây trở ngại trước mắt cho các tập đoàn lớn, nhưng sẽ tạo ra lợi ích lâu dài.

“Phán quyết hôm nay là tín hiệu đất nước đang tiến tới nền dân chủ về kinh tế và tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp… Dù không có lợi cho Samsung vào thời gian này, nhưng phán quyết có vai trò quan trọng đưa đất nước đi đúng hướng”, GS Yoon nói. 

Tác động đến Việt Nam

Việc bà Park Geun-hye bị luận tội tạo ra nhiều yếu tố không thuận và làm gia tăng tính bất định, bất ổn trong khu vực và tác động gián tiếp đến Việt Nam, TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, nhận định. 

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 10/3, ông Thái cho rằng, Samsung sẽ bị ảnh hưởng khá nặng nề từ quyết định của Tòa án Hiến pháp. Khi đang bị hút vào Mỹ bằng cam kết đầu tư, quyết định này của Tòa có thể ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư kinh doanh của Samsung trong năm nay và một vài năm tới, trong khi tập đoàn này đang là nhà đầu tư lớn ở Việt Nam.

Video: Bê bối của Tổng thống Hàn Quốc có thể khiến chính trường rối loạn

Không chỉ riêng Samsung, tình hình chính trị Hàn Quốc mất ổn định sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, khiến Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, nhưng mức độ như thế nào thì chưa thể đánh giá ngay, TS Thái nói. Nhà nghiên cứu này cho biết, cho đến giờ, chưa chương trình hợp tác nào giữa Việt Nam và Hàn Quốc bị dừng do hậu quả của đợt khủng hoảng chính trị, nhưng hai nước khó có cam kết hợp tác, đầu tư mới nào trong thời gian này. 

Ông Thái cho rằng, chưa biết cuộc bầu cử tới đây ở Hàn Quốc sẽ chọn ra một vị tổng thống như thế nào, từ đó làm gia tăng tính bất định, trong bối cảnh tình hình khu vực hiện nay phức tạp và căng thẳng.

Nếu tình hình chính trị nội bộ Hàn Quốc sau cuộc bầu cử tới trở nên ổn định thì sẽ thuận lợi cho quan hệ Việt - Hàn. Hiện nay quan hệ Trung - Hàn rất xấu.

Việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc khiến nhiều hoạt động kinh doanh của tập đoàn Lotte bị cấm và bị đóng cửa hàng loạt ở Trung Quốc.

Có khả năng Lotte sẽ dịch chuyển sang nước thứ ba, và Việt Nam đang nổi lên là một trong những trọng điểm, ông Thái nói. 

TS Thái cho rằng, Hàn Quốc đang rối ren nên phải đợi thêm vài tuần nữa mới đánh giá đúng được tình hình chính trị của nước này. Theo ông, đến nay chưa nổi lên ứng viên nào sáng giá có khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử tới.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn