Tổng thống Donald Trump bí mật chuẩn bị sắc lệnh di trú thế nào?

Thế giớiThứ Hai, 30/01/2017 20:57:00 +07:00

Lệnh cấm người từ 7 nước Hồi giáo vào Mỹ được xem là quyết định tuyệt mật trong nhóm kín của Trump, chỉ tung ra giờ chót khiến các cơ quan di trú không kịp trở tay gây ra hỗn loạn.

Ngay từ giai đoạn tranh cử, nhóm của Trump đã nỗ lực xây dựng một chiến lược quan trọng khi vận động cử tri, chính là kế hoạch nhằm ngăn cản những phần tử khủng bố tiềm năng có thể thâm nhập vào Mỹ.

Sau khi vị tỷ phú trở thành Tổng thống và dọn vào Nhà Trắng, Wall Street Journal cho biết vòng tròn những người liên quan đến kế hoạch này ngày càng được thắt chặt. 

Hành động bí mật vượt nguyên tắc

Nhóm của Trump cho rằng nếu thông tin để lộ ra ngoài thì những kẻ khủng bố sẽ tìm đường vào Mỹ trót lọt trước cả khi các rào chắn được dựng lên. Một lợi ích khác của việc giữ im lặng là khiến kẻ thù khó đoán về những điều Tổng thống sắp ban hành.

1

Người biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cảnh của Trump - Ảnh: AFP. 

Ngày 28/1, Tổng thống Trump chính thức "tung" chiêu lớn cũng là sản phẩm cho lời hứa trong chiến dịch tranh cử: sắc lệnh hành pháp cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ và hạn chế nhập cảnh với người từ 7 nước Hồi giáo trong 3 tháng.

Việc chỉnh sửa nội dung sắc lệnh được nhóm của Trump cập nhật liên tục mãi cho đến ngày Tổng thống ký chính thức. Một dự thảo về sắc lệnh này lưu hành ở quốc hội ghi ngày 25/1 cho biết thời gian dự kiến chặn nhập cảnh chỉ diễn ra trong 30 ngày. Nhưng khi ông Trump đặt bút ký vào ngày 27/1 thì con số được nâng lên tới 90 ngày.

Không chỉ Bộ Ngoại giao mà nhiều cơ quan phụ trách vấn đề nhập cư nói họ chỉ biết đến sắc lệnh này sau khi nó chính thức ban hành. Các quan chức than phiền về tình trạng không hề được biết trước nội dung cho đến khi nhận chỉ đạo phải thực thi.

Thậm chí, nhiều nhân viên hải quan vẫn tiến hành bắt người tại sân bay theo sắc lệnh nhưng các câu hỏi quan trọng của họ đến nay vẫn chưa được giải đáp đầy đủ.

"Trump có thể tin rằng sự ủng hộ lớn dành cho ông cho phép ông ấy tiến hành mọi quyết định mạnh mẽ và đơn phương mà không màng đến những luật hiện hành. Nhưng Tổng thống đã sai. Pháp quyền được tạo ra để ngăn cản Trump vượt ra ngoài các quy tắc và quy trình hiện hành", giáo sư luật Noah Feldman thuộc Đại học Harvard nhận định trên Bloomberg.

Theo Giáo sư Feldman, để ban hành sắc lệnh, Trump và nhóm của ông đã không tuân thủ các quy trình thông thường. Đầu tiên, họ không thông qua các luật sư ở Văn phòng Cố vấn Pháp lý tại Bộ Tư pháp xem xét các nội dung sắc lệnh có điều nào phi pháp hay không.

Kế đến, Trump cũng không tạo điều kiện để Bộ Tư pháp có thể chuẩn bị lời giải thích nhằm đối phó với luồng chỉ trích của công luận. Nhiều luật sư của bộ này được cho là không thể trả lời những câu hỏi cơ bản về sắc lệnh hoặc tác động thực tế của nó.

Trump 'giương Đông kích Tây'

Hành động của Trump gây chấn động với chính sách nhập cư hàng chục thập kỷ của Mỹ, tạo ra làn sóng phản đối lớn ngay trong tuần đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống của ông. Biểu tình liên tiếp diễn ra trên toàn quốc với quy mô khoảng vài nghìn người tại mỗi địa điểm.

Tuy nhiên, các cố vấn của Trump tại Nhà Trắng không nao núng. Họ biện hộ rằng lệnh cấm dựa trên chính sách tuyên bố trong chiến dịch tranh cử được đông đảo cử tri ủng hộ.

2

Quy mô biểu tình tại mỗi địa điểm ở Mỹ được cho là đến hàng nghìn người - Ảnh: Reuters. 

Bất chấp những cảnh bắt giữ hỗn loạn ở các sân bay, Nhà Trắng vẫn bảo vệ chính sách của tổng thống. Một quan chức cao cấp khẳng định với báo chí ngày 29/1 rằng việc thực thi đang diễn ra "một cách trơn tru và chuyên nghiệp vượt bậc".

"Đây không phải là vấn đề tôn giáo. Đây là việc ngăn ngừa khủng bố và bảo vệ đất nước an toàn", Tổng thống Trump phản biện trong thông báo.

Một quan chức cao cấp ở Nhà Trắng nói với WSJ rằng sắc lệnh bất ngờ này là một trong những hành động nhanh chóng của Trump để khiến phe Dân chủ cũng không kịp phản ứng cũng như rơi vào tình trạng mất cân bằng.

Chỉ trong một ngày, mọi chỉ trích về kế hoạch xây bức tường biên giới với Mexico đã dồn hết sang chính sách thắt chặt nhập cư của tổng thống.

Trợ lý của các nghị sĩ Dân chủ cho biết các quan chức đảng này cũng như tại các ủy ban quan trọng của quốc hội đều không nhận được thông báo trước. Họ chỉ biết về sắc lệnh của Trump qua báo chí.

Phe Dân chủ tại Hạ viện đang soạn thảo một dự luật chống lại quyết định chặn nhập cảnh của Trump, nhưng nó có thể khó được thông qua khi phe Cộng hòa đang kiểm soát quốc hội.

Tuy nhiên, nhiều quan chức Cộng hòa cũng không hài lòng với cách ra quyết định của Trump.

Hai thượng nghị sĩ uy tín trong đảng Cộng hòa là John McCain và Lindsey Graham đều cho rằng điểm chưa được làm rõ và gây bối rối là việc ai được cho phép nhập cảnh và ai bị trục xuất khiến sắc lệnh chưa được xây dựng hợp lý.

Họ lo ngại điều này có thể dấy lên sự thù hằn và trả đũa từ những phần tử cực đoan.

Trên thực tế, Los Angeles Times dẫn các nghiên cứu cho biết phần lớn những vụ bắt giữ liên quan đến khủng bố bên trong lãnh thổ Mỹ từ sau vụ 11/9 đều là những công dân Mỹ hoặc người có tư cách cư trú hợp pháp bị cực đoan hóa, chứ không phải những người nước ngoài mới vào.

"Trong tương lai, những thay đổi chính sách như thế này cần được điều phối với các cơ quan liên quan, cũng như với quốc hội để bảo đảm chúng tôi nắm được đầy đủ; đồng thời không làm ảnh hưởng đến thanh danh đất nước khi chúng ta đang cố phục hồi nó", nghị sĩ Michael McCaul (bang Texas)- chủ tịch Ủy ban Nội An Hạ viện nói.

Video: Tổng thống Trump phản pháo người biểu tình về lệnh chặn nhập cảnh

 

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn