Tổng thống Biden muốn triển khai binh sĩ đến Đông Âu và Baltic

Thời sự quốc tếThứ Hai, 24/01/2022 11:05:54 +07:00
(VTC News) -

Tổng thống Mỹ đang cân nhắc kế hoạch triển khai binh sĩ cùng với tàu chiến và máy bay cho các đồng minh NATO ở Đông Âu và Baltic trong bối cảnh căng thẳng với Nga.

Các quan chức Mỹ cho biết, ông Biden đang xem xét lựa chọn triển khai binh sĩ đến Đông Âu và Baltic, trong khi Nga điều động hơn 100.000 quân và vũ khí gần biên giới Ukraine. Hôm 22/1, Anh cáo buộc Moskva đang có kế hoạch “cài cắm” một nhà lãnh đạo thân Nga ở Kiev, nhưng Nga bác bỏ thông tin.

Tổng thống Mỹ dự kiến ​​sẽ đưa ra quyết định sớm nhất là trong tuần này, theo nguồn tin của New York Times (NYT). Động thái nếu được xác nhận sẽ là sự thay đổi lớn về lập trường của Mỹ sau thời gian kiềm chế với vấn đề ở Ukraine.

“Ngay cả khi đang tham gia vào lĩnh vực ngoại giao, chúng tôi vẫn rất tập trung vào việc xây dựng khả năng phòng thủ, răn đe”, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken nói trên kênh CBS. Ông cho rằng “bản thân NATO sẽ tiếp tục được củng cố một cách đáng kể” nếu Nga có hành động tấn công mới.

Tổng thống Biden muốn triển khai binh sĩ đến Đông Âu và Baltic - 1

(Ảnh minh họa)

Cho đến nay, Mỹ chưa xem xét lựa chọn quân sự nào bao gồm việc triển khai thêm binh sĩ tới Ukraine. Tổng thống Biden đã nói rõ rằng ông không muốn tham gia vào một cuộc xung đột khác sau khi Mỹ rời Afghanistan vào mùa hè năm 2021.

Nhưng sau nhiều năm bị đặt trước câu hỏi nên hỗ trợ quân sự ở mức nào cho Ukraine, vì có nguy cơ khiêu khích Nga, các quan chức chính quyền Biden mới đây cảnh báo Mỹ có thể hỗ trợ Ukraine chống lại nếu Nga tấn công.

Theo các quan chức Mỹ, việc triển khai thêm hàng nghìn lính Mỹ tới sườn phía Đông của NATO, bao gồm các nước như Estonia, Latvia và Litva, sẽ chính xác là kịch bản mà ông Putin muốn tránh.

Các cuộc thảo luận diễn ra khi Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu tất cả các thành viên gia đình của nhân viên đại sứ quán Mỹ tại Kiev rời Ukraine, vì cho rằng có mối đe dọa về hành động quân sự của Nga. Theo NYT, giảm bớt nhân viên tại các đại sứ quán Mỹ là một biện pháp phòng ngừa phổ biến của Mỹ khi xung đột hoặc các cuộc khủng hoảng khác nảy sinh có thể khiến các nhà ngoại giao gặp nguy hiểm.

Trong cuộc họp tại Trại David (một nơi nghỉ ngơi của các tổng thống Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark A. Milley, cho biết nếu ông Biden chấp thuận kế hoạch điều quân, một số binh sĩ sẽ đến từ Mỹ, một số khác sẽ đến từ các khu vực của châu Âu. Các quan chức Mỹ tuy nhiên không mô tả chi tiết về lực lượng này.

Hạ nghị sỹ Michael McCaul của bang Texas, nghị sĩ đảng Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Mỹ, ngoài ra cho rằng Mỹ nên tiến hành thêm các hoạt động đào tạo ở các quốc gia Đông Âu nói trên, “để ông Putin thấy rằng chúng tôi nghiêm túc”.

Theo Bộ Quốc phòng Ba Lan, hiện có khoảng 4.000 quân đội Mỹ và 1.000 quân đội NATO khác đóng quân tại Ba Lan. Ngoài ra còn có khoảng 4.000 quân NATO ở các nước Baltic. 

Mỹ đã thường xuyên điều bay máy bay nghe trộm điện tử RC-135 Rivet Joint tới Ukraine kể từ cuối tháng 12/2021. Các máy bay cho phép đặc nhiệm tình báo Mỹ nghe thông tin liên lạc của các chỉ huy mặt đất Nga. Lực lượng Không quân Mỹ cũng đang đưa các máy bay giám sát mặt đất E-8 JSTARS đến để theo dõi quá trình tập hợp lực lượng của quân đội Nga và các hoạt động di chuyển khác.

Bên cạnh đó, hơn 150 cố vấn quân sự của Mỹ đang ở Ukraine, cùng các cố vấn quân sự từ khoảng 10 quốc gia đồng minh. Chính quyền Biden đặc biệt quan tâm đến bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới biên giới.

Phương Anh(Nguồn: The New York Times)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp