Tổng quan Premier League: 20 năm thay da đổi thịt

Thể thaoThứ Năm, 19/04/2012 05:00:00 +07:00

(VTC News)- Cách đây tròn 20 năm, Premier League chính thức ra mắt người hâm mộ bóng đá xứ sở sương mù.

(VTC News)- Cách đây tròn 20 năm, Premier League chính thức ra mắt người hâm mộ bóng đá xứ sở sương mù.

Tất cả bắt đầu từ truyền hình

Hai thập kỷ trước, Teddy Sheringham ghi bàn thắng giúp Nottingham Forest hạ gục Liverpool 1-0, sự kiện này đã khởi đầu cho một cuộc cách mạng bóng đá khắp xứ sở sương mù. Lý do? Vì đó là pha ghi bàn đầu tiên được tường thuật trực tiếp trên đài Sky Sports, tên tuổi khởi nguồn cho dòng tiền khổng lồ mang tên bản quyền truyền hình đổ vào Premier League.

Truyền hình góp công lớn trong cuộc cách mạng bóng đá Anh.

Hàng vạn cầu thủ đã đến và đi, hàng tỷ bảng được bơm vào thị trường chuyển nhượng, công nghệ truyền hình đem các trận đấu sống động tới tận nhà hàng triệu hộ gia đình... Có thể nói, ngoại trừ việc MU vẫn là nhà vô địch, mọi thứ đã thay đổi quá nhiều kể từ năm 1992 tới nay.

Bóng đá Anh kỷ nguyên trước Premier League rất khác biệt. Khi Leeds trở thành nhà vô địch cuối cùng năm 1991, thời khắc nhận cúp bạc và huy chương của họ đã bị ITV thẳng tay cắt ngắn lại nhằm đảm bảo thời lượng cho game show mang tên Billseye phát sóng song song.

Sau thời điểm 1992 thì sao? Sky phải trả 305 triệu bảng để truyền trực tiếp Premier League trong 5 năm. Đến năm 2010, giá trị hợp đồng đã tăng vọt lên 1,78 tỷ bảng (chưa kể 1,4 tỷ bảng cho bản quyền toàn cầu).

Năm 1999, lần đầu tiên, khán giả được quyền chọn lựa góc quay hợp gu nhất, nghe hoặc tham gia bình luận trận đấu trực tiếp thông qua chương trình FanZone. Cùng năm, Sky ra mắt chuyên mục Match of the Day (xem lại các pha bóng hay các trận) và đảm bảo cho mọi CLB nguồn thu ít nhất 1 triệu bảng/năm.

Hiện tại, mỗi mùa người xem trả tiền có thể thưởng thức 115 trận đấu trực tiếp độ phân giải cao (HD), một vài trong số đó đã bắt đầu chuyển sang công nghệ 3D, 242 trận đấu 'gần trực tiếp' (chậm khoảng 5-10 phút so với thời gian thực) cùng các bản tin cập nhật liên tục 24h trong ngày.

Đặc biệt, mỗi đội bóng ở hạng đấu cao nhất Anh quốc đút túi 23 triệu bảng từ lợi tức truyền hình mỗi năm.

Nhà tài trợ ngày càng 'khủng'


Rất thú vị nếu biết rằng trước Premier League, Wimbledon không có nhà tài trợ, Aston Villa liên kết với một xưởng sản xuất máy photocopy trong khi QPR nhận được khoản tài trợ tượng trưng nho nhỏ từ một đài phát thanh.

Có mơ, Alex Ferguson cũng không ngờ hiện MU của ông kiếm được 20 triệu bảng/năm nhờ tài trợ áo đấu.

Năm 1995, JVC ký hợp đồng trị giá 2,5 triệu bảng/năm với Arsenal để xuất hiện trên áo đấu và đưa đội bóng London trở thành CLB thu nhập cao nhất từ tài trợ. Ngày nay, số tiền kỷ lục thuộc về AON và MU với giá trị 20 triệu bảng/năm.

Cần lưu ý, tài trợ hiện nay không đơn thuần là tên áo đấu nữa mà bao gồm cả hình thức quảng cáo bảng điện tử, banner xung quanh SVĐ, các dụng cụ, trang phục, thậm chí là đồ ăn nhẹ cho cầu thủ, nhân viên CLB. MU hiện tại có 28 nhà tài trợ chính thức, trong đó có cả Mister Potato, nhà sản xuất... bim bim.

Tiền lương bạo tăng


Năm 1992, mức lương bình quân của cầu thủ nằm ở mức 1.755 bảng/tuần. Người nắm giữ kỷ lục tiền lương khi đó là John Barnes của Liverpool với mức 10.000 bảng/tuần. Năm 1994, ngôi sao sáng nhất giải đấu Alan Shearer của Blackburn cũng chỉ nhận 9.000 bảng/tuần.

10 năm sau, con số ấy là 14.000 bảng/tuần. Và theo thống kê mới nhất vào năm 2010, thu nhập một cầu thủ ở Premier League đã tăng lên 33.868 bảng/tuần.

Những ngôi sao lương khủng nhất hiện nay như Yaya Toure, Carlos Tevez (Man City) nhận 250.000 bảng/tuần - con số khổng lồ nếu so với thu nhập huyền thoại Roy Keane của MU năm 1999 (50.000 bảng/tuần).

Phí chuyển nhượng cũng phi mã không ngờ. Năm 1995, MU cân đong đo đếm từng tí một mới dám bỏ ra 7 triệu bảng chiêu mộ Andy Cole từ Newcastle trong khi Chelsea không thèm biết Torres đang chấn thương hay rơi phong độ điềm nhiên móc hầu bao 50 triệu bảng để sở hữu anh từ Liverpool.

Bùng nổ cầu thủ ngoại

Những năm đầu tiên, Premier League vẫn tràn ngập các ngôi sao bản địa. Đội hình MU vô địch 1992 chỉ có 3 nhân tố ngoại gồm Peter Schmeichel, Andrei Kanchelskis và Eric Cantona. Mùa 1992/93, 12 trên 14 cầu thủ lọt vào danh sách vua phá lưới đều là người Anh. Hai cái tên còn lại một đến từ xứ Wales, một tới từ Pháp.

Hiện nay, mỗi CLB có trung bình 17 cầu thủ ngoại. 256 trên tổng số 524 cầu thủ đang làm việc tại xứ sương mù được nhận diện là 'cầu thủ ngoại' (đây là con số không bao gồm 77 cầu thủ xứ tới từ Wales, Scotland, Cộng hòa Ailen, Bắc Ailen).

Thậm chí, năm 1999, Chelsea trở thành đội bóng đầu tiên ra sân mà không có bất cứ cầu thủ Anh nào (gặp Southampton).

Kỷ lục ghi 22 bàn/mùa của Sheringham trở nên nhỏ nhoi nếu so với 31 bàn Cristiano Ronaldo lập được mùa 2007/08.

Hơn nửa đội bóng Premier League thuộc quyền sở hữu các ông chủ ngoại quốc.

Sân chơi của các ông chủ ngoại quốc

Có một thực tế đáng buồn là Premier League giờ không còn là sân chơi của người Anh nữa. Một nửa trong số 20 CLB thi đấu tại hạng cao nhất xứ sương mù đều thuộc sở hữu của các ông chủ nước ngoài. Âu có, Á có, Phi có mà Mỹ thì lại càng nhiều.

Nhưng điều đáng nói hơn nữa là sự góp mặt của những "nhà đầu tư nước ngoài" này lại càng khiến tình hình Premier League thêm trầm trọng. MU và các đội bóng đồng hương đang gánh trên vai khoản nợ khổng lồ 3,4 tỷ Bảng, chiếm 54% tổng số nợ toàn bộ châu Âu. Con số quá lớn nếu so với TBN - 825 triệu Bảng và Italia - 442 triệu Bảng.

Chỉ tính riêng MU, nhà vô địch Premier League 2010-11, số nợ CLB gánh trên vai (thực tế là tiền nhà Glazer vay ngân hàng để mua cổ phiếu của chính MU) lên tới 716 triệu bảng, lớn hơn cả tổng số nợ của 36 đội bóng chơi tại hai hạng đấu cao nhất nước Đức - 544 triệu bảng.

Hoài Thu

Bình luận
vtcnews.vn