Về nơi đá cũng có linh hồn

Tổng hợpThứ Sáu, 30/11/2012 07:58:00 +07:00

Chúng tôi lên Đồng Văn đúng vào dịp cuối tuần, giữa những ngày chớm thu, nên thời tiết nơi phố núi về đêm se lạnh bởi sương giá.

Vốn là dân mỹ thuật, nhưng lại tích lũy được chút tiếng Anh đủ để sử dụng khi cần thiết. Sẵn có bà chị họ làm điều hành cho một công ty du lịch, nên cứ mỗi khi cần phiên dịch đi tour, chị lại alô cho tôi dẫn khách.  Đợt vừa rồi, có đoàn người Úc sang Việt Nam du lịch.

Khác với các đoàn khách muốn được thưởng lãm khung cảnh yên bình nơi xứ Huế mộng mơ, du thuyền lả lướt trên con sông Hoài e lệ ngắm phố cổ Hội An trầm mặc, hay ung dung thả bộ trên những con đường trải hoa của thành phố mùa xuân – Đà Lạt thì họ lại muốn phượt, phượt bằng Minsk lên cao nguyên đá Đồng Văn.

 
Hồi còn là sinh viên, lớp chúng tôi cũng có vài lần tổ chức đi dã ngoại thực tập.  Địa điểm mà chúng tôi chọn thường là ngoại thành Hà Nội, nông thôn, vùng cao, hay vùng có đồng bào dân tộc thiểu số để làm tư liệu sáng tác. Chỉ sau khi hội ý và đưa ra quyết định, là mọi thứ từ xô chậu, bút lông, bảng vẽ, bột màu đều được chuẩn bị sẵn sàng. Những chuyến đi như thế thường diễn ra từ 2 đến 7 ngày. Năm cuối ĐH, khi phải hoàn thành bài tốt nghiệp, chúng tôi đã chọn dinh thự Vua Mèo Vương Chí Sình thuộc xã Sà Phìn huyện Đồng Văn để khám phá. Đây là chuyến đi xa nhất, lâu nhất, để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp về con người và thiên nhiên nơi đây.

Từng đặt chân lên vùng cao nguyên đá Đồng Văn, và ít nhiều có những cảm nhận của riêng mình, nhưng trước chuyến đi này, tôi đã phải chuẩn bị thật kĩ lưỡng các tài liệu về lịch sử, địa lý, cảnh quan, cũng như di tích và con người nơi đây, làm sao để truyền đạt với du khách  nước ngoài một cách súc tích nhất về vẻ đẹp quê hương mình. Cảm thấy tự hào lắm, hồi hộp lắm!

Đoàn khách mà tôi phụ trách gồm 9 người quốc tịch Úc, không có phụ nữ và trẻ nhỏ.  Tôi là người Việt Nam duy nhất chịu trách nhiệm dẫn đoàn, đồng thời cũng là phiên dịch. Cao nguyên đá Đồng Văn gắn liền với những cổng trời. Theo quốc lộ 4C ngược lên phía bắc, thử sức đầu tiên với cả đoàn là đèo Pác Xum. Theo cách giải thích của người Mông thì Pác Xum nghĩa là “trùng trùng miệng hố và bờ vực”. Từ đây, đi hết con đèo này, sẽ chạm tời đất Quản Bạ. Cổng trời Quản Bạ, hay còn gọi là cổng Thiên Đàng, bốn mùa gió núi, mù sương. 

Từ trên độ cao 1500m so với mực nước biển, cổng trời Quản Bạ quanh năm mây phủ là nơi cao nhất để ngắm toàn cảnh Quản Bạ, Cán Tỷ và Bát Đại Sơn ở phía xa. Dưới chân đèo, thị trấn Tam Sơn sầm uất trải rộng với những ruộng lúa vàng ruộm đang đến kì gặt hái. Là cửa ngõ đầu tiên lên cao nguyên đá, nhưng trong một thời gian dài, phía sau cổng trời này lại là thế giới của vùng tự trị người Mèo gồm các huyện Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn và Yên Minh, nằm tách biệt hẳn với bên ngoài. Cùng với sự trở ngại về địa hình ngăn sông cách núi và những hủ tục lạc hậu đã khiến Hà Giang trở thành vùng đất bí ẩn trong những năm dài triền miên.

Qua sông Tráng Kìm ghềnh thác, là gặp cổng trời Cán Tỷ đầy thách thức về mức độ hiểm trở. Chẳng thế mà ngày trước, cánh lái xe qua đây lại gọi chệch cổng trời Cán Tỷ thành... “cổng trời chối tỷ”. Từ ngã ba Viềng - Yên Minh, cao nguyên đá mới thật sự ấn tượng và choáng ngợp. Đá phơi bày không giấu giếm với tất cả dáng vẻ đa dạng và sự kỳ vĩ của nó. Đá trải dài tầng tầng lớp lớp xa ngút chân trời. Những đỉnh núi trần trụi xám lạnh chĩa lên trời lừng lững và nhọn hoắt.  Những thành viên trong đoàn khi đến đây đã phải thốt lên ngọng nghịu câu tiếng Việt mới học: “Thật tuyệt vời!!!”. 

 
Qua dốc Thẩm Mã, đèo Chín Khoanh xuất hiện với những khúc cua tay áo đột ngột khiến cả đoàn có lúc đã phải chột dạ. Nghe nói, cung đường này cũng là nơi thường xuyên xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Theo người dân nơi đây kể lại, vào tháng 3 năm 2010, xe của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh từ Đồng Văn về qua đây, khi đổ đèo, do trời tối và lái xe không quen đường, đã bị lao xuống vực và mắc ở lưng chừng núi. Vụ tai nạn khiến 2 cán bộ tỉnh Bắc Ninh thiệt mạng, 1 người may mắn sống sót là 1 cán bộ tỉnh Hà Giang, do anh này nhảy được ra ngoài nên thoát chết một cách kì diệu.

Và còn rất nhiều vụ tai nạn khác của những đoàn phượt từ các tỉnh đổ về đây cũng vì những lý do tương tự. Quả thật, trong khi lên dốc xuống đèo, tay lái nào không vững và không thận trọng, thì chắc chắn sẽ bị lao xuống vực, bởi đoạn từ Quản Bạ lên đến Đồng Văn, rất hiếm có barrie bảo vệ hay biển cảnh báo ở những khúc cua tay áo. Hơn nữa, những khúc cua cứ nối tiếp nhau theo hình trôn ốc, cảm giác, nếu lơ là không chủ động thì sẽ phi thẳng xuống núi. Chúng tôi cứ nói đùa với nhau rằng, nếu muốn đi xuống một cách nhanh nhất thì cứ thế mà phi thẳng.

Vượt 15 km đường đèo dốc cheo leo trong vòng 2 giờ đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng đi qua cổng trời Sà Phìn với vùng núi đá kéo qua di tích nhà họ Vương, qua Lũng Hòa, Pải Lủng rồi Mã Pì Lèng... Cả một vùng núi đá lừng lững, dữ dội. Những nương đá, rừng đá, rồi bãi đá, vách đá cứ thế nối tiếp nhau, miệt mài, mê mải...

Đứng trước thiên nhiên hùng vĩ, mới thấy con người vô cùng nhỏ bé với sức người thật mong manh, và thầm biết ơn, cảm phục những người thợ làm đường năm xưa, đã hy sinh cả tính mạng, treo người trên lưng chừng núi để đục đá đẽo đá mở đường chỉ bằng những dụng cụ thô sơ. Và chính họ, đã làm nên kiệt tác, kiệt tác về một tượng đài địa chất trên đá.

 
Chúng tôi lên Đồng Văn đúng vào dịp cuối tuần, giữa những ngày chớm thu, nên thời tiết nơi phố núi về đêm se lạnh bởi sương giá. Cũng vào thời điểm này, những đoàn xe máy của dân phượt lên đây rất đông, phần lớn đều là nam thanh nữ tú.  Họ lên với cao nguyên đá vì nhiều mục đích và với những lý do khác nhau. Họ lên để biết về một Đồng Văn hoang sơ, để tìm hiểu thêm về đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, họ lên để tận hưởng sự yên bình, trong trẻo của thiên nhiên và con người, mà tại những thành phố ồn ào khói bụi hiếm khi nào có được.

Hay đơn giản chỉ là lên để ngắm những thửa ruộng bậc thang chín vàng, chụp vài kiểu ảnh với hoa tam giác mạch, ngắm phố núi lồng lộng gió, hay những phiên chợ họp dưới thung lũng phủ sương. Thậm chí, họ lên chỉ để chinh phục những cung đường hiểm trở - thú vui mới mà đầy rẫy nguy hiểm của giới trẻ hiện nay.  Mùa này, hoa tam giác mạch đang độ khoe sắc. Dưới chân núi Rồng, nơi cột cờ tổ quốc hiên ngang ngự trị, đồng hoa tam giác mạch trải dài, miên man trong cái nắng hanh hao. Khu phố cổ Đồng Văn vốn yên ả, nhỏ bé nhưng thời gian này bỗng trở nên ồn ào, nhộn nhịp và chật chội hơn, bởi những đoàn phượt từ các tỉnh đổ về đây.

Ngắm Đồng Văn trong đêm, tôi biết có thể rất lâu nữa mới tìm được cảm xúc nhiều đến thế. Đối với tôi, lên với cao nguyên đá Đồng Văn là lên với vùng đá cổ, vùng đá mẹ đã làm nên địa đầu Tổ quốc. Bởi vậy ở đây, đá như có số phận, đá như có linh hồn. Với Đồng Văn, hành trình một đời người, hành trình một cộng đồng gắn liền với đá. Quả thật, một sinh linh bé nhỏ ra đời, núm ruột hồng vùi vào trong đá. Nhà dựng trên đá sẽ có bờ rào đá bao bọc. Trai gái yêu nhau, lại ngồi trên đá thổi kèn lá dưới ánh trăng khuya. Trẻ em muốn khỏe mạnh thông minh, gia đình dâng lễ vật cầu thần đá che chở, phù hộ. Khi con người về với tổ tiên, cũng được đá bao bọc. Đá làm nên cuộc sống, để mỗi cây ngô cũng mọc lên từ hốc đá.

Rồi các lễ hội truyền thống, những phiên chợ quanh năm rực rỡ sắc mầu và nồng nàn men rượu ngô cũng được họp trên đá... Rít thật sâu điếu thuốc lá cho ấm người, tôi thầm nghĩ, nếu không có đá, có lẽ lại khó có thể hình dung về đất và người Đồng Văn.

Là cao nguyên đá duy nhất ở Việt Nam, có diện tích gần 4.000 km2, cho đến nay Đồng Văn hầu như còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, với nhiều giá trị về địa tầng, địa chất, động thực vật và giàu tiềm năng khoáng sản... Đặc biệt, Đồng Văn còn là nơi đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống. Và tháng 10-2010, cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Đây là Công viên địa chất duy nhất ở Việt Nam vào thời điểm này và là Công viên địa chất thứ hai ở Đông Nam Á.

Ngậm ngùi chia tay với cao nguyên đá, chúng tôi xuống núi ngay buổi chiều hôm sau vì nhận được tin bão sẽ về trong đêm và kéo dài tới vài ngày. Ấy thế mà, qua đoạn dốc Chín khoanh, lại thấy vài tốp thanh niên nam nữ, xe cắm cờ tổ quốc, đầu đội mũ dán phản quang, mặc áo phát sáng đang nườm nượp kéo nhau lên. Thời tiết bắt đầu chuyển lạnh đột ngột, mưa đã bắt đầu rả rích, đoàn chúng tôi rồng rắn, rò rẫm chầm chậm đổ đèo. Rồi những bánh xe lần lượt chạm đến địa phận Hà Nội, tôi mới thực sự thở phào nhẹ nhõm.

Chuyến đi đã kết thúc trong sự vui mừng toại nguyện của mọi người, để lại trong lòng du khách những ấn tượng tốt đẹp về thiên nhiên và con người nơi cao nguyên đá mờ sương.  Tôi trở lại với công việc hàng ngày,  đoàn khách nọ vài ngày sau cũng về nước. Và tình cờ, đọc báo tôi mới biết, đoàn phượt mà chúng tôi gặp đêm hôm đó đã xảy ra tai nạn...

Lòng chợt bâng khuâng!!!

Kim Chi

 

 

Bình luận
vtcnews.vn