Số hóa truyền hình mọi người đều hưởng lợi

Tổng hợpThứ Ba, 27/03/2012 09:37:00 +07:00

(VTC News) - Chỉ vài năm nữa thôi, vị trí của chiếc tivi đen trắng này sẽ là trong bảo tàng, bởi khi đó truyền hình số sẽ thay thế hoàn toàn.

(VTC News) - Truyền hình mặt đất bằng tín hiệu công nghệ analog ra đời gần như cùng lúc với chiếc tivi đen trắng và tồn tại cho đến ngày hôm nay. Nhưng có lẽ, chỉ vài năm nữa thôi, vị trí của chiếc tivi đen trắng này sẽ là trong bảo tàng, bởi khi đó truyền hình số sẽ thay thế hoàn toàn.

Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính Phủ cũng đã chính thức phê duyệt đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, và lộ trình triển khai cho đến nay đã làm được những gì, liệu chúng ta có kịp hoàn thành kế hoạch như đã được phê duyệt... Phóng viên Tạp chí Truyền hình số VTC đã có cuộc trao đổi với thứ trưởng bộ TT&TT Lê Nam Thắng về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng 

Xin ông cho biết mục tiêu của Chính phủ về số hóa phát thanh truyền hình ở Việt Nam?

Theo Đề án đã được phê duyệt thì chúng ta sẽ thực hiện số hóa hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất với các mục tiêu cơ bản sau đây:

Một là, Nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số truyền hình, đồng thời giải phóng một phần tài nguyên tần số để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng.

Hai là, Từng bước hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng kỹ thuật truyền hình dùng chung giữa các đài truyền hình ở trung ương và địa phương.

Ba là, Tạo điều kiện để tổ chức sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa và phân định rõ hoạt động về nội dung thông tin với hoạt động về truyền dẫn, phát sóng.

Về mục tiêu thứ hai tôi xin giải thích thêm: Từ trước đến nay, các đài truyền hình vừa là cơ quan báo chí, vừa quản lý đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật. Đầu tư ngân sách của nhà nước vào đây rất lớn. Chưa kể mỗi một đài lại phải đầu tư một cơ sở hạ tầng kỹ thuật riêng, trong khi đó năng lực sản xuất mỗi chương trình lại có hạn (ví dụ như một số đài địa phương chỉ tự sản xuất được 2, 3 tiếng chương trình phát sóng mỗi ngày, còn lại là phải liên kết sản xuất hay mua bản quyền chương trình truyền hình nước ngoài. Làm như thế không hiệu quả. Thay vì đó, nếu chúng ta hình thành được một thị trường với một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho tất cả các đài dùng chung thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều không chỉ về tiền bạc mà cả tài nguyên tần số.

Tại sao chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020 mới hoàn thành quá trình chuyển đổi này? Như vậy có phải quá lâu không?


Đến thời điểm hiện nay phần lớn các nước Châu Âu, Bắc Mỹ đã hoàn thành việc chuyển đổi sang truyền hình công nghệ số. Các nước ở Châu Á-TBD thì cũng cam kết đến 2015 sẽ kết thúc việc chuyển đổi. Còn với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập của người dân và cơ sở vật chất kỹ thuật như ở Việt Nam, chúng ta cần phải thời gian triển khai lâu hơn vì nhưng lý do sau:

- Cần có thời gian để truyền thông cho cả xã hội, doanh nghiệp và người dân hiểu và nhận thức rõ lợi ích của việc chuyển đổi. Nhà nước xây dựng kế hoạch, ban hành các cơ chế chính sách để khuyến khích, để hỗ trợ, nhưng chính doanh nghiệp và từng hộ gia đình mới là người thực hiện việc chuyển đổi này (doanh nghiệp đầu tư máy phát hình số, còn người dân mua sắm máy thu hình số).

- Cần có thời gian để chuẩn bị về hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc chuyển đổi, cụ thể là việc kiểm soát tiêu chuẩn công nghệ của các thiết bị truyền hình để đảm bảo rằng tất cả các thiết bị, đặc biệt là các máy thu hình sản xuất và nhập khẩu vào thị trường Việt Nam phải phù hợp với công nghệ số. Khi đó mọi máy thu hình mới mà người dân mua trên thị trường trong thời gian tới đều là máy thu hình số.

- Cần có thời gian, đặc biệt là cho người dân ở vùng sâu , vùng xa với thu nhập thấp có thể chuyển sang dùng máy thu hình số, khi máy thu hình công nghệ tương tự mà họ đang dùng hiện nay bị cũ đi và hỏng, đồng thời giá của máy thu hình số cũng rẻ đi. Nếu chuyển nhanh quá, thì người dân hoặc phải mua một máy thu hình số với giá tại thời điểm hiện nay còn cao hơn thu nhập của nhiều gia đình, hoặc là muốn sử dụng lại các máy thu hình công nghệ tương tự đang dùng thì người dân lại phải mua thêm một đầu thu số (set top box). Nói chung là trình độ phát triển kinh tế và thu nhập của người dân cũng là một yếu tố quan trọng trong việc quyết định thời hạn chuyển đổi sang công nghệ số.


Vẫn biết nó là xu thế tất yếu nhưng người dân Việt Nam đã quen với truyền hình tương tự trong nhiều thập niên. Vậy chúng ta phải thực hiện kế hoạch số hóa như thế nào trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn, khoảng cách số còn lớn và thói quen của người dân thì không dễ gì thay đổi một sớm một chiều?.

Để số hóa truyền hình mặt đất thành công, có một số nguyên tắc và điều kiện phải được thực hiện một cách đồng bộ.

Quá trình số hóa truyền hình mặt đất ở Việt Nam sẽ phải làm theo nguyên tắc cuốn chiếu bắt đầu triển khai từ các thành phố lớn, vùng đồng bằng nơi kinh tế phát triển, người dân có thu nhập cao và khan hiếm tần số (để phát cùng một số lượng kênh chương trình nếu dùng công nghệ số thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều tần số), sau đó sẽ cho đến vùng sâu vùng xa, nơi kinh tế kém phát triển hơn và thu nhập của các hộ gia đình cũng thấp hơn. Cái khó không phải là đầu tư máy phát hình số mà là giải quyết bài toán mua sắm máy thu hình số cho người dân nhất là ở những vùng kinh tế khó khăn. Phải khó khăn lắm người ta mới mua được một máy thu hình, không thể ngay lập tức bắt họ có thể mua ngay một cái khác. Cần phải cho họ một thời gian để đầu tư cho thiết bị mới. Và cũng chính trong quãng thời gian chuẩn bị ấy, những chiếc ti vi tương tự không còn được sản xuất nữa, còn giá của những chiếc tivi số cũng rẻ đi rất nhiều.

Số hóa truyền hình không phải là ngay lập tức xóa bỏ luôn truyền hình tương tự hiện có, mà chúng ta sẽ phải tiến hành song song, vừa phát truyền hình số, vừa phát truyền hình tương tự cho đến khi nào 95% số hộ gia đình có máy thu hình trong khu vực đã chuyển sang dùng truyền hình số, thì ta mới tắt truyền hình tương tự trong khu vực đó. Mặc dù địa bàn, thời điểm tắt truyền hình tương tự mặt đất đã được xác định rất cụ thể trong đề án, song cũng sẽ phải rất linh hoạt và căn cứ vào tình hình thực tế triển khai để điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn kế hoạch đề ra như vậy nhưng vùng nào triển khai số hóa nhanh hơn ta có thể xóa bỏ truyền hình tương tự ở vùng đó sớm, còn vùng nào có khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện ta có thể kéo dài hơn. Nhưng mục tiêu cuối cùng thì đến 2020 Việt Nam sẽ thực hiện xong quá trình chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số.

Đó là với các hộ gia đình. Thế còn đối với các doanh nghiệp thì sao?

Thật ra, quá trình chuyển đổi này cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu máy thu hình và cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng.

Theo đề án từ 1/1/2013 tất cả các thiết bị máy phát, máy thu hình sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải theo tiêu chuẩn công nghệ số DVB-T. Tức là chỉ với một chiếc ti vi, người sử dụng có thể xem được cả truyền hình số và truyền hình tương tự. Thuận lợi là trên thị trường hiện nay máy thu hình chủ yếu là các máy thu hình công nghệ màn hình LCD, LED, PLASMA về cơ bản đã sẵn sàng hoặc rất dễ dàng nâng cấp để tương thích với tiêu chuẩn công nghệ truyền hình số. Mặt khác thị phần cũng tập trung vào một số hãng lớn như SONY, LG, SAMSUNG… nên chúng ta cũng có thể kiểm soát quá trình sản xuất, nhập khẩu theo tiêu chuẩn công nghệ số một cách thuận lợi.

Mặt khác nhà nước cũng có những chính sách về vốn, về thuế, về đầu tư để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ví dụ trong đề án cũng xác định các thiết bị truyền hình số là các sản phẩm công nghệ cao sẽ được miễn, giảm thuế ở mức cao nhất theo Luật Công nghệ cao. Với quy định đó trong thời gian tới thì giá thành các tivi công nghệ số (có tích hợp cả bảng mạch số bên trong) có thể còn rẻ hơn các tivi công nghệ tương tự cùng loại hiện giờ. Cho nên có thể nói, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều được hưởng lợi từ các chính sách của nhà nước khi thực hiện số hóa truyền hình.

Vậy đối với những hộ gia đình nghèo có được hưởng những hỗ trợ nào đó từ phía nhà nước không?


Mỹ là nước người dân có thu nhập cao, nhưng khi chuyển đổi từ truyền hình mặt đất sang truyền hình số thì người dân cũng được chính phủ hỗ trợ (mỗi gia đình được cấp hai phiếu mua thiết bị thu hình số). Còn ở Việt Nam trong đề án cũng đã xác định rõ nhà nước sẽ hỗ trợ cho những hộ gia đình nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác mua thiết bị đầu thu thu hình số bằng nguồn vốn từ Quỹ Viễn thông công ích. Tuy nhiên mức hỗ trợ và thời điểm hỗ trợ sẽ được các cơ quan có liên quan xem xét, áp dụng một cách phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Nếu triển khai hỗ trợ sớm quá, khi giá thiết bị còn đắt thì chi phí lớn mà không hỗ trợ được cho nhiều hộ gia đình, còn hỗ trợ muộn quá thì lại không thúc đẩy nhanh được quá trình chuyển đổi.

Hiện nay chúng ta có một số nhà cung cấp dịch vụ truyền hình số. Để xem được dịch vụ người sử dụng phải mua thiết bị thu hình số đi kèm của họ. Vậy khi số hóa truyền hình cả nước, người sử dụng có phải mua thiết bị thu hình số cho riêng mỗi nhà cung cấp dịch vụ không?

Theo quy định trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thì tất cả các nhà cung cấp dịch vụ, tất cả các thiết bị thu hình sản xuất và nhập khẩu vào Việt Nam đều phải theo cùng một tiêu chuẩn kỹ thuật. Đồng thời đề án cũng yêu cầu tất cả các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ thông tin tuyên truyền thiết yếu của Đảng và Nhà nước không được mã hóa. Chỉ những gói dịch vụ trả tiền của từng nhà đài mới được mã hóa mà thôi. Như thế thì về nguyên tắc người sử dụng không cần phải thay thiết bị thu hình số khi thay đổi nhà cung cấp dịch vụ.

Chúng ta có nhận được hỗ trợ nào từ các tổ chức quốc tế trong việc triển khai thực hiện số hóa truyền hình mặt đất không?


Chúng ta có nhận được sự hỗ trợ từ dự án quỹ ICT của ASEAN và dự án của EU giúp Việt Nam nghiên cứu và triển khai số hóa truyền hình cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

Vâng, xin cảm ơn ông.

Hà Trang


Bình luận
vtcnews.vn