Playing for change – Chơi nhạc để đổi thay

Tổng hợpThứ Tư, 03/08/2011 06:59:00 +07:00

Lời ca đó vang xa trên các con đường nhộn nhịp của California, Louisiana, len lỏi vào các hẻm ngõ của Hà Lan, Venezuela...

“Cho dù bạn là ai, bạn đi đâu trong cuộc đời, một lúc nào đó, bạn sẽ cần một người ở bên cạnh... Khi màn đêm buông xuống, mặt đất chìm trong bóng tối, chỉ còn mặt trăng là thứ ánh sáng duy nhất có thể soi đường. Không, tôi sẽ không sợ hãi. Không, tôi sẽ không rơi một giọt lệ nào, miễn là có ai đó đứng bên tôi...”

 Lời ca đó vang xa trên các con đường nhộn nhịp của California, Louisiana, len lỏi vào các hẻm ngõ của Hà Lan, Venezuela, băng qua vùng thảo nguyên hoang vắng của New Mexico và vươn tới tận những miền đất xa xôi ở Nam Phi. Các nghệ sĩ, đáng nói hơn cả, chỉ là những con người bình dị, nghèo khó, hát dạo trên những con phố, quảng trường, ga tàu điện ngầm… để mưu sinh.

 

 

“Chúng tôi muốn sẻ chia!”

 Từ một niềm tin rằng âm nhạc có sức mạnh phá vỡ mọi ranh giới và vượt qua mọi khoảng cách giữa người với người, bất kể đó là khoảng cách về địa lý, chính trị, kinh tế, tôn giáo, hay hệ tư tưởng..., Mark Johnson – một kỹ sư âm thanh người Mỹ – đã thiết lập dự án âm nhạc đa phương tiện Playing for Change (PFC: Chơi để thay đổi). Mục tiêu của dự án là nhằm tạo cảm hứng, kết nối và mang lại hòa bình trên khắp thế giới thông qua âm nhạc.

 Từ năm 2004, với studio lưu động trên xe, anh và người bạn Enzo Buono đã chu du khắp thế giới, từ New Orleans, cho tới Barcelona, Nam Phi, Ấn Độ, Nepal, Trung Đông, và Ireland để thu âm. Mặc dù cùng một bản nhạc nhưng mỗi nghệ sĩ, với những trải nghiệm cuộc sống khác nhau, lại có một phong cách thể hiện rất riêng. Với Mark và Enzo, không gì tuyệt vời hơn là tạo cho họ niềm cảm hứng, một môi trường để họ có thể tự do sáng tạo, bộc bạch tâm sự của mình qua lời ca tiếng nhạc. Sau đó, những khúc ca, những “mảnh đời” ấy sẽ được ghép lại thành một bức tranh âm nhạc hoàn chỉnh, phản ánh cuộc sống đa sắc màu.

 Lời ca ở trên nằm trong bài hát mang tựa đề Stand by Me (Hãy đứng bên tôi) – tác phẩm đầu tiên của dự án. Hơn 35 nghệ sĩ trên khắp thế giới đã tham gia thể hiện với đủ loại dụng cụ âm nhạc như acmonica, sắc, ghita, trống, bass… hay thậm chí là những loại tự sáng chế như bàn giặt, ống bơ. Có thể những nghệ sĩ đường phố này thiếu một chút may mắn để xuất hiện ở các “thánh đường” âm nhạc lớn, nhưng không thể phủ nhận rằng những lời ca của họ có sức lay động sâu tận tâm can mỗi người. Bài hát đã có tới 30 triệu lượt người nghe trên Youtube.

 Mark nhớ lại khi đến quay những nhạc công anh chưa từng gặp trước đó, đặc biệt là những người không cùng quốc tịch với mình, anh nhận thấy âm nhạc chính là ánh sáng dẫn đường: “Âm nhạc đã đưa chúng tôi xích lại gần nhau, với niềm tin chúng ta có thể làm được nhiều hơn trong cuộc đời khi làm cùng nhau hơn là ở xa nhau”.

 Kể từ thành công ấy đến nay, 48 video khác đã tiếp nối nhau ra đời, cuốn theo hơn 100 nghệ sĩ và ngày càng nhiều khán thính giả khắp năm châu bốn bể. Họ chưa từng gặp mặt nhau và dù sống trong các nền văn hóa khác biệt nhưng những bản nhạc đó cho thấy một mối kết giao chân tình và sẵn lòng hợp nhất. Qua âm nhạc, tất cả mọi người đều có thể thấu hiểu sự khác biệt và tạo nên một thế giới tươi đẹp hơn.

 

 

“Và chúng tôi đã được đáp lại!”

 Trong quá trình chu du thế giới và thu âm, Mark và đội ngũ của mình được chứng kiến và thấu hiểu cuộc sống của những cộng đồng người nơi anh tới. Mặc dù thiếu thốn rất nhiều nguồn lực và mức sống thường dưới tiêu chuẩn nhưng họ luôn hào phóng, nồng ấm, và trên hết là cuộc sống cơ cực không ngăn nổi tình yêu âm nhạc bùng cháy nơi họ. Vì thế, sẽ là chưa đủ nếu PFC chỉ thu âm và mang thông điệp của những nghệ sĩ đường phố ra khắp thế giới, cần phải tạo ra cái gì đó để đáp lại sự sẻ chia của những người nghệ sĩ và cộng đồng của họ. Năm 2007, quỹ Playing for Change Foundation (PFCF) ra đời, nhằm đảm bảo rằng bất cứ ai có ước vọng được học về âm nhạc thì sẽ có được cơ hội ấy. Với tổ chức này, Mark cùng những người đồng sáng lập tin rằng một xã hội hòa bình và những thay đổi mang tính tích cực là hoàn toàn có thể thực hiện thông qua ngôn ngữ toàn cầu, đó là âm nhạc.

 Bằng cách cấp quỹ, các nhạc cụ, chương trình đào tạo, mở trường nhạc cho nhạc công tại cộng đồng của họ, PFCF giúp các em nhỏ nơi đây có cơ hội phát triển tài năng, thoát khỏi đói nghèo. Ở nhiều cộng đồng, PFCF còn giúp họ sản xuất các dụng cụ âm nhạc để trao đổi, mua bán. Ngoài ra, PFCF còn huy động sự tài trợ của nhiều tổ chức và các cá nhân có lòng hảo tâm, thiết lập hệ thống điện nước, y tế, cứu trợ. Sau 4 năm thành lập, đến nay, PFCF đã xây được 7 trường học (ở Nam Phi, Mali, Nepal, Ghana, Rwanda) với 600 học sinh, tạo công ăn việc làm cho 130 người. Điều đáng chú ý là tại một số vùng PFCF hoạt động, trước đây tồn tại những bất ổn chính trị và xung đột chủng tộc, tuy nhiên, khi chia sẻ âm nhạc cùng nhau, dường như khoảng cách và mâu thuẫn giữa họ được xoa dịu dần. Nhờ tiếng đàn và lời ca, những người dân nghèo có thể tìm thấy niềm vui và niềm tin giữa những khó khăn, bệnh tật đời thường.

 Ngày nay, những nghệ sĩ của PFC đã có đủ điều kiện bay từ nước này sang nước khác để gặp nhau và cùng thực hiện những tour diễn vòng quanh thế giới. Từ một ga tàu điện, từ hẻm ngõ tối tăm, giờ đây, các nghệ sĩ đường phố đã đứng trên các sân khấu lớn với hàng ngàn khán giả ngay dưới khán đài – những người đến xem vì sự hâm mộ thay vì chỉ là khách bộ hành ghé qua. Quả thực như cái tên Playing for Change, chơi nhạc đã làm thay đổi cuộc đời họ và sẽ còn tiếp tục thay đổi cuộc đời của những thế hệ tương lai trên mảnh đất quê hương họ.

 Âm nhạc giúp hòa giải và yêu thương!

Hồng Đào

Bình luận
vtcnews.vn