Pele, Ronaldo, Terry,… và chuyện mê tín, dị đoan

Tổng hợpThứ Sáu, 12/02/2010 08:50:00 +07:00

Vòng chung kết World Cup 2010 hứa hẹn sẽ là một “Đại hội phù thủy”, khi các đội bóng châu Phi được dịp thuận lợi để cử những vị phù thủy bí ẩn đến dự giải...

Vòng chung kết World Cup 2010 hứa hẹn sẽ là một “Đại hội phù thủy”, khi các đội bóng châu Phi được dịp thuận lợi để cử những vị phù thủy bí ẩn đến dự giải, còn các đội bóng ở Nam Mỹ và châu Âu cũng có những biện pháp tâm linh để đảm bảo sự thành công về chuyên môn cho riêng mình.

Những Juju huyền bí ở châu Phi

Juju, tên gọi thầy phù thủy ở châu Phi, có tầm ảnh hưởng tới các ĐTQG còn hơn Ban huấn luyện đội bóng. Quyền lực huyền bí của họ mạnh đến nỗi các HLV phải hỏi ý kiến Juju trước khi tung độ hình ra sân. Đấy là khía cạnh nặng tính chuyên môn, còn trong những vấn đề như cách đặt chân vào sân, ăn gì, làm gì trước mỗi trận đấu,…, các cầu thủ đều phải nghe lời Juju răm rắp.

World Cup 2010 sẽ là ngày hội của các phù thủy? Ảnh: BBC. 

Nổi tiếng nhất trong số các “truyền thuyết” về Juju ở các kỳ World Cup phải kể đến VCK năm 1990. Đó là khi Cameroon đánh bại ĐKVĐ Argentina ngay trận khai mạc và trở thành đội bóng châu Phi đầu tiên lọt vào tứ kết. Nghe nói, để có được chiến tích lịch sử ấy, nhà phù thủy của “Chú sư tử bất khuất” đã nướng một con gà cúng tế trước mỗi trận.

Khi đó, các tiền đạo Cameroon cảm thấy phấn chấn hơn hẳn khi nghe “thầy” phán “thủ môn đối phương sẽ bị hồn bay phách lạc!” Có lẽ vì vậy mà ở vòng 1/8, thủ môn Rene Higuita, nổi tiếng với biệt danh “bọ cạp”, bỗng chơi như mơ ngủ khi dâng cao và để mất bóng vào chân Roger Milla từ… giữa sân, giúp “Vua Sư tử” ghi bàn cho Cameroon, qua đó loại Colombia với tỷ số 2-1.

Không chỉ hoạt động trong bóng tối mà các Juju còn được xuất hiện ở những buổi lễ “bán công khai”. Đơn cử, như khi khai trương các SVĐ để phục vụ World Cup, bất chấp việc các tổ chức bảo vệ động vật và cả FIFA phản đối, Nam Phi vẫn cho tiến hành giết bò và mời các thầy phù thủy về làm lễ “tế sân”. Còn ở giải đấu trong nước của họ mới đây, hai CLB chuyên nghiệp cũng đã bị phạt bởi mời “thầy cúng” yểm bùa đối phương trước cuộc chạm trán. “Bùa” ở đây là những quả trứng được chính các cầu thủ đập vỡ và vứt ngoài đường pitch, trước khi họ tiến vào sân bằng cách… đi giật lùi!?

Thế nhưng, “Bùa trứng” chưa phải đồ nghề kỳ lạ nhất của mà các Juju đưa cho cầu thủ. Ở những nước có sa mạc Sahara chạy qua, các Juju thường khuyến khích cầu thủ đi tiểu tập thể hoặc giết một con dê trước mỗi trận đấu để lấy may. Trong khi các thủ môn tự tin hơn với chiếc bùa đặc biệt được làm từ ngà voi. Họ đút lá bùa ấy vào giày và nghĩ rằng mình thực sự là một… chú voi đang án ngữ cầu môn.

Trước mỗi kỳ World Cup hay CAN (cúp vô địch các quốc gia châu Phi) thường là dịp để các đội bóng và cả thầy phù thủy lục địa đen “tập trận”. Có nhờ vào năm 2000, GĐKT của ĐTQG Nigeria Kashimawo Laloko, đã bị đuổi khỏi giải vì tự ý chạy vào sân để yểm bùa vào khung thành ĐT Senegal. Mặc dù thế nhưng “Đại bàng xanh” vẫn phải chia tay CAN 2000 vì thúc thủ 1-2, sau khi phải nhận ba thẻ đỏ, đá hỏng một quả penalty và bị trọng tài từ chối ba bàn thắng. Quá đen!!!

Bi hài nhất trong những câu chuyện về bùa phép ở châu Phi phải kể đến đội bóng Midlands Portland Cement của Zimbabwe. Tháng 10 năm ngoái, HLV đội bóng này cho 17 cầu thủ chạy qua cánh đồng cá sấu ở sông Zambezi, với hy vọng giúp các học trò lấy được tinh thần chiến đấu của loài bò sát ăn thịt hung dữ. Thế nhưng, kết quả là chỉ có… 16 cầu thủ lành lặn trở về.

Ai cũng thích mê tín

Không chỉ có mảnh đất hoang dã châu Phi, ngay cả châu Âu, quê hương của khoa học kỹ thuật phát triển, các đội bóng và cầu thủ đôi khi cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố mê tín. Cách đây không lâu, báo chí được dịp xôn xao khi một tay phù thủy có tên Pepe liên tục khẳng định những chấn thương dai dẳng của Cristiano Ronaldo là do ông ta “trù ẻo”. Thậm chí, tờ El Mundo còn dẫn lời “thầy pháp” người TBN, rằng David Beckham, “Ro béo”, Iker Casillas và Raul cũng bị ông ta phù phép năm 2006. Phải chăng, đây là nguyên nhân dẫn đến phong độ kém cỏi của họ ở thời điểm ấy?

Ronaldo từng bị “yểm bùa”? Ảnh: The Sun. 

Lại nói về vấn đề tâm linh, Cựu HLV trưởng ĐT Anh Glenn Hoddle từng mời “thầy cúng” Eileen Drewery “giải hạn” cho các cầu thủ chấn thương nhẹ trước thềm World Cup 1998. Còn HLV Raymond Domenech của đội tuyển Pháp thú thật rằng ông không có niềm tin nơi những cầu thủ ở cung Bò cạp (Robert Pires) hay không trọng dụng hậu vệ có cung Sư tử ở hàng phòng ngự vì sợ họ đốt lưới nhà… Hài hước hơn, có những cầu thủ chỉ dùng một bồn cầu (Terry), không thay quần lót khi đội nhà chiến thắng (Mutu) hay… tè trên sân trước mỗi loạt sút luân lưu (cựu thủ thành Sergio Goychochea của Argentina)…

Thời đỉnh cao, Pele từng trải qua giai đoạn “tịt ngòi” khó hiểu. Ông lý giải nguyên nhân là do mất đi chiếc áo may mắn, vốn hứng chí cởi tặng fan hâm mộ. Và thế là Vua bóng đá huy động tất cả nguồn lực tìm lại vật bất ly thân bằng mọi giá. Sau khi một người bạn của ông tìm được chiếc áo ấy, ông lại ghi bàn sòn sòn. Chỉ có điều, sau này ông bạn kia mới tiết lộ đó… không phải chiếc áo Pele cần.

Có một triết gia từng nói “khi con người vẫn còn tôn trọng những thế lực siêu nhiên tức là họ chưa tin vào khả năng của chính mình”. Phải chăng, khi các cầu thủ hay HLV thực hiện các hành động mang tính chất mê tín dị đoan trước và trong mỗi trận đấu là lúc họ cảm thấy hoang mang nhất.

(Theo Đất Việt)
Bình luận
vtcnews.vn