NS Trần Xuân Hòa: "Tự kỷ" giữa dòng nhạc thị trường

Tổng hợpThứ Năm, 14/11/2013 11:46:00 +07:00

Trần Xuân Hòa được biết đến như là một nghệ sĩ độc lập và tiên phong trong việc đưa bộ gõ vào các chương trình độc diễn và hòa tấu âm nhạc đương đại.

Đi theo con đường này, Trần Xuân Hòa có thể nói là đơn độc cũng được mà gọi là “bá chủ” cũng chẳng sai vì gần như một mình anh một lãnh địa. Anh cười cười bảo, “chơi nhạc cổ điển hay chơi đương đại ở Việt Nam thì cũng đều ít khán giả như nhau. Nhưng chơi cổ điển là chơi nhạc của người ta. Chơi đương đại là chơi nhạc của chính mình”.
Trần Xuân Hòa được biết đến như là một nghệ sĩ độc lập và tiên phong trong việc đưa bộ gõ vào các chương trình độc diễn và hòa tấu âm nhạc đương đại. Anh cũng là thành viên và đồng sáng lập nhóm tứ tấu bộ gõ Go Group. Trần Xuân Hòa cũng là khách mời thường xuyên và là bè trưởng bộ Gõ của Dàn nhạc Asean đi lưu diễn 10 nước trong khối Hội nghị cấp cao Đông Á của chỉ huy người Nhật nổi tiếng Yoshi Fukumura. Anh còn là thành viên nhóm nhạc Lãng du.

 

Những đồ vật đời thường như thùng rác, ray tầu, đe búa, nồi niêu xoong chảo khi vào tay anh cũng đều được lên sân khấu biểu diễn như một sự “diễn đạt” mới của ngôn ngữ âm nhạc. Chắc chắn cái mới này thách thức một bộ phận không nhỏ khán giả sống khép kín với dòng nhạc mà họ đã quen nghe trong suốt quãng đời họ đã sống nhưng Hòa vẫn cố gắng làm, trước hết để thỏa mãn đam mê sáng tạo của mình.
Cũng như một số nghệ sĩ đương đại khác, Trần Xuân Hòa khởi điểm chơi nhạc cổ điển. Không thể thiếu trong dàn nhạc giao hưởng nhưng cũng chẳng bao giờ là nhân vật chính, bè trưởng của bộ gõ, nghệ sĩ Trần Xuân Hòa đùa bảo, thấy piano, violin đều ra ngoài solo được mà mình thì không, “tức mình” anh cũng “ra riêng” đánh lẻ. Nhưng khác với nhiều nghệ sĩ của dàn nhạc Giao hưởng, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, khi không chơi nhạc cổ điển tại nhà hát, ra ngoài Hòa chơi đương đại. Nhạc đương đại chơi bằng bộ gõ trên thế giới không ít nhưng lại khá hiếm ở Việt Nam. Đi theo con đường này, Trần Xuân Hòa có thể nói là đơn độc cũng được mà gọi là “bá chủ” cũng chẳng sai vì gần như một mình anh một lãnh địa. Anh cười cười bảo, “chơi nhạc cổ điển hay chơi đương đại ở Việt Nam thì cũng đều ít khán giả như nhau. Nhưng chơi cổ điển là chơi nhạc của người ta. Chơi đương đại là chơi nhạc của chính mình”.
Ngoại trừ những buổi biểu diễn theo chương trình của nhà hát, Hòa cũng thường được mời tham gia các buổi hòa tấu đương đại. Gần đây nhất là đêm độc diễn Marimba có tên “Như là mưa tháng 9”. Bên cạnh đó, anh thường xuyên được mời tham gia diễn trong các sự kiện âm nhạc do các nghệ sĩ quốc tế tổ chức, hoặc lưu diễn nước ngoài. 

 

Bề ngoài, nếu theo tiêu chí của thiên hạ, nhìn Trần Xuân Hòa ra chất nghệ sĩ lắm, ai nhìn cũng biết ngay là nghệ sĩ vì tóc anh dài, dài tới ngang lưng ấy, mà vừa dài vừa xù bông. Có những lần đi biểu diễn Hòa búi tóc cao, dùng trâm dài cài ngang, lại vận bộ đồ màu đỏ, tay áo rộng như cánh bướm, mỗi khi cầm dùi trống giơ lên cao quá đầu rồi đánh xuống mặt trống, tiếng trống vang lên khỏe khoắn dứt khoát lại đúng lúc “bộ cánh đỏ” mềm mại rập rờn đôi cánh, ai nhìn dám không bảo chất cơ chứ. Nhưng đấy là khi diễn, bình thường ở ngoài, Hòa trông bùi bụi, to khỏe rất hợp chơi… bộ gõ. Dù là chơi cổ điển, hay đương đại thì cái dáng dấp ấy chẳng hiểu sao trông cũng rất tương xứng với loại nhạc cụ này. Mà vui cái là, khi thi vào Học viên âm nhạc Quốc gia, đến phần năng khiếu chẳng hiểu thế nào mà Hòa được thầy xếp luôn vào bộ gõ mặc dù lúc ấy, guitar mới là sở trường của anh. Hỏi tại sao? Hòa đùa, chắc thầy thấy anh to khỏe nên xếp vào nhóm bộ gõ để dễ bề bê vác nhạc cụ nó tiện lợi, sau đi diễn đỡ phải thuê cửu vạn.
Mà theo đuổi nhạc đương đại giữa bối cảnh nhạc thị trường chiếm lĩnh như hiện nay khác nào vác trên vai một gánh nặng nữa mà nếu không có sức bền, sự dẻo dai và kiên trì thì làm sao Hòa theo được. Những khi rời khỏi khán phòng của nhà hát vốn lác đác khản giả của các đêm nhạc cổ điển để đến những trung tâm nghệ thuật nhỏ chơi nhạc đương đại mà khán giả đếm được trên đầu ngón tay, Hòa không tránh khỏi chạnh lòng và nản. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn, người đầu tiên chơi nhạc thể nghiệm tại Hà Nội có lần nói với Hòa, chỉ cần chơi nhạc cho một người duy nhất trong khán phòng thôi là đủ. Bởi vì đối với một thể loại nhạc kén khán giả như vậy, chỉ cần một người, một người duy nhất đồng cảm với ta thôi đã là quá đủ rồi.
Hòa tâm sự, khi chơi trong dàn nhạc giao hưởng, mỗi lần nhìn xuống bên dưới khán phòng buồn ghê lắm, lác đác chỉ có vài khán giả. Hầu như khán giả đến nghe cũng vì có giấy mời. Nhiều người thậm chí có giấy mời cũng không đến. Rời sân khấu ấy để đến với những đêm diễn đương đại cũng lại chẳng khá hơn, nhiều khán giả nghe được một đoạn đầu đã đứng dậy ra về, nhiều người còn lại thì lắc đầu bảo “chả hiểu chơi cái gì”. Không có khán giả thì nghệ sĩ chơi cho ai nghe? 

 

Chính nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn, khi lần đầu tiên chơi nhạc thể nghiệm vào những năm 1994 đã bị người ta coi là “chơi lung tung”, hoặc có người nghi ngờ anh “kém chuyên môn” nên mới phải chơi cái thứ nhạc chẳng ai hiểu gì để lấp liếm. Nhưng người nghệ sĩ ấy chưa một lần hoang mang về con đường mình đã chọn, đơn giản anh nghĩ là, mình còn trẻ, còn cả quãng đường dài phía trước, tại sao mình không dám phiêu lưu, khám phá. Có lời trấn an của đàn anh, Hòa bảo anh thấy tự tin hơn. Ừ, trước hết hay chơi nhạc cho mình, làm mình cảm thấy thỏa mãn đã, chỉ khi nào cảm thấy thỏa mãn với đam mê thì mình mới có thể “lôi kéo” khán giả đến với sân khấu của mình. Hòa nói, “ranh giới giữa một anh nhạc công và nghệ sĩ nhiều khi cũng mong manh lắm. Nếu không tự mình thực hiện một điều gì đó để bứt phá thì mình sẽ suốt đời ở nguyên một chỗ đó cho đến khi chìm nghỉm mà thôi”.
Hiểu rằng, những người nghệ sĩ như Hòa đang vô cùng cô đơn giữa bối cảnh nhạc thị trường đang chiếm lĩnh như hiện nay, nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy rằng, tuy cô đơn nhưng anh đã tìm thấy một thứ ngôn ngữ khiến anh hiểu hơn về con đường mình đã chọn. Ấy là ngôn ngữ của sự nỗ lực, dốc sức thực hiện đam mê của mình, để khiến mình là bản thân mình hơn. Chỉ khi ấy, nghệ thuật mới tìm thấy đất sống.

Thành Long
Bình luận
vtcnews.vn