"Những gì mua được bằng tiền đều rẻ!"

Tổng hợpThứ Sáu, 18/10/2013 09:55:00 +07:00

Nàng Mỵ Châu trong lời kể của cô hiện lên sống động nhiều cảm xúc, với sự dại khờ và tình yêu cháy bỏng, hết lòng vì người mình yêu thương...

Phụ nữ cần đoạt được sự tự do trong tinh thần. Phụ nữ phải là mình, đàn ông mới có thể yêu. Nếu trở thành bản sao của đàn ông thì họ sẽ chẳng thể yêu. Đó có khi là kinh nghiệm của tôi. 

Không dễ dàng hẹn gặp được PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái trong chuỗi ngày bận rộn với đủ thứ công việc. Để có được cuộc trò chuyện ngắn ngủi cùng cô, người viết bài đã phải hẹn trước, chờ đợi một buổi sáng ở trụ sở Hội nhà báo Việt Nam, “bắt cóc” PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái ngay sau khi bài giảng kết thúc, trước khi cô lại lao vào chuỗi công việc bận rộn của buổi chiều. Bên tách trà nóng, lần đầu phóng viên được nghe kể lại trọn vẹn câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy theo cách kể rất kịch nghệ. Nàng Mỵ Châu trong lời kể của cô hiện lên sống động nhiều cảm xúc, với sự dại khờ và tình yêu cháy bỏng, hết lòng vì người mình yêu thương, giống như một điển hình cho tính cách phụ nữ Việt, với một bi kịch lịch sử cũng điển hình, nói theo cách thơ của thi sĩ Tố Hữu: ”Trái tim nhầm chỗ để lên đầu/ Nên nỗi cơ đồ đắm bể dâu”. 

 

“Tôi bị bệnh mà, nặng lắm”, cô nói về sức khỏe của bản thân nhẹ nhàng như vậy. Bệnh nặng – từ dường như không mấy liên quan tới chuỗi hoạt động ngày thường của PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái, tới việc cô say sưa chia sẻ về chủ đề phụ nữ, tới việc cô chạy như con thoi giữa đủ thứ công việc thường ngày. Ở tuổi cô, nhiều người phụ nữ đã yên tâm nghỉ ngơi, tìm những niềm vui đơn giản bên gia đình. Nhưng cô lại khác. Lạ lùng thay, cô chọn cách cho mình thật bận rộn. Khi buồn, cô tìm đến công việc để làm vui và tìm cách “xả buồn” trong chính công việc đó. Dường như trong bận rộn, cô tìm được niềm vui và bằng lòng với niềm vui nhỏ bé đó.
Cuộc trao đổi về tình yêu và hạnh phúc của phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện đại giống một giờ học trên giảng đường hơn là một cuộc phỏng vấn, thi thoảng lại bị ngắt đoạn khi cô miên man nói sang một vở kịch hay một tác phẩm văn học nổi tiếng để làm ví dụ…

“Tôi thất bại một việc, thành công một việc”

Khi nghe tới vấn đề về hạnh phúc của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện đại, cô nghĩ tới điều gì đầu tiên?
Tôi cho rằng tôi là một trong những phụ nữ Việt hiện đại và bình thường. Nước Việt Nam hiện giờ được xác lập bởi những đặc điểm chung của dân tộc. Người phụ nữ hiện đại trong xã hội hiện nay chẳng qua cũng chỉ có hai vấn đề: giải quyết tốt việc gia đình, vừa làm vợ, làm mẹ và vừa là một người hoạt động xã hội. Bi kịch thường xảy ra ở phụ nữ Việt nói chung và phụ nữ ở các đô thị nói riêng, đó là họ không thể giải quyết cùng lúc và tốt đẹp cả hai việc. Trong cuộc đời, tôi cũng phải làm hai việc đó và tôi thất bại ở một việc, tôi chỉ thành công ở một việc thôi. Rất khó để có thể làm trọn vẹn được cả hai việc đó.

Người ta hay nói rằng đằng sau sự thành công của một người đàn ông là hình bóng của một người phụ nữ. Vậy đằng sau một phụ nữ thành công thì sao, thưa cô?
Tôi thì cho rằng việc xác lập đằng sau hay đằng trước đó cũng hơi kỳ cục, vì chỗ người phụ nữ không phải để đứng đằng sau làm cái bóng của đàn ông. Người phụ nữ hiện đại là đứng bên cạnh, cùng gánh vác với đàn ông trong cả công việc gia đình và ngoài xã hội. Người phụ nữ ngày xưa là “nội tướng” trong gia đình. Cái cô “lưng ong” giỏi nhất cũng là chỉ giải quyết việc trong nhà thôi, chứ tuyệt nhiên không thấy cô ta bước ra ngoài xã hội bao giờ cả. Người đàn ông là ở  vị trí cao, trên “nóc”. Dân gian Việt nói là con mất cha như nhà mất nóc chứ không ai nói rằng con mất mẹ như nhà mất nóc cả. Ngày nay, vị trí của phụ nữ là bình đẳng với đàn ông.

Vậy theo cô, sự bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà trong xã hội hiện đại được biểu hiện như thế nào?
Tôi muốn nói tới sự bình đẳng về ý nghĩa tích cực chứ không phải việc đàn ông thế nào thì đàn bà cũng phải y hệt như thế. Bình đẳng tức là cả anh và tôi đều có trách nhiệm với gia đình bằng nhau, có trách nhiệm với xã hội bằng nhau. Hai công việc ấy phải làm chung và chia sẻ chứ không được dồn lên người phụ nữ, nhất là công việc trong gia đình. Người phụ nữ Việt vốn mang trong mình căn tính nông dân rất mạnh nên luôn nhận phần thiệt về mình, và hay thương người đàn ông của mình hơn cả thương thân, nên nếu họ muốn ngoi lên thân phận bình đẳng với người đàn ông thì thường sẽ chịu phần thiệt về bản thân. Ở Việt Nam hiện nay vẫn có hiện tượng “chồng chúa, vợ tôi”.
Những người phụ nữ làm tốt một cách lý tưởng cả hai việc gia đình và xã hội ở Việt Nam hiện nay có lẽ chỉ đếm trên hai bàn tay. Theo tôi, có một vài ví dụ như bà Nguyễn Thị Bình, bà Tôn Nữ Thị Ninh…, trong lịch sử như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân… Rất nhiều người phụ nữ hiện đại chỉ có thể giải quyết được một trong hai việc đó thật xuất sắc thôi, tôi xếp tôi nằm trong số những người này. Tôi chỉ có thể làm tốt phần đóng góp cho xã hội, riêng gia đình thì sau khi đã trải qua “hai lần đò”, tôi thấy không nhất thiết phải thêm một lần nữa. Tôi chịu cảnh gia đình đơn. Cũng phải chịu thôi, vì tính cách và số phận tôi có lẽ quy định như thế.

 

Nói  vậy, có phải đằng sau sự nghiệp thành công của phụ nữ là một bi kịch trong gia đình?
Bạn chỉ có thể khái quát như vậy sau khi đã thực hiện một cuộc điều tra xã hội học và đủ cứ liệu. Nhưng đối với số phận tôi, tôi đã lựa chọn một trong hai và tôi không lăn tăn gì về sự lựa chọn ấy cả. Tính cách buộc tôi lựa chọn và khi lựa chọn thì không kèm ẩn ức, day dứt. Chọn là chọn và yên tâm với lựa chọn đó. Nhưng không hẳn là sau khi lựa chọn thì sẽ không thấy hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc là mình đã hơn một lần lấy chồng, đã sinh con và đảm bảo cho con phát triển tốt. Tôi xếp tôi vào dạng “gia đình đơn”, tức là chỉ có hoặc bố hoặc mẹ và con là vì thế..

“Người mẹ đơn thân” đang là một xu hướng rất phổ biến hiện nay. Là một phụ nữ, cô có ủng hộ việc làm này không?
 Bạn nên phân biệt rõ, gia đình đơn hoàn toàn không phải “người mẹ đơn thân”. Người mẹ đơn thân là kiểu gia đình chỉ có mẹ sinh con, tuyệt không có bố. Tại sao ở Việt Nam lại có người mẹ đơn thân? Bởi vì thời hậu chiến, sinh ra rất nhiều thân phận phụ nữ đi qua chiến tranh, khi về thì họ đã hết tuổi xuân, lại bệnh tật hoặc thương tật, hầu như không có cách nào để lấy chồng cả. Có những nông trường toàn phụ nữ như thế không một ai có chồng, họ chọn cách xin lấy một đứa con, hoặc cách nào đó để có con, dù không có bố và coi đó là hạnh phúc. Việc này đã được luật pháp cho phép. Tôi cũng rất ủng hộ. Nhưng nếu nó đã bị biến tướng thành “mốt” thời thượng thì tôi không ủng hộ.
Trong xã hội hiện đại, đúng là có người coi hành động này là một cái “mốt” với mục đích gây chú ý để nổi tiếng, và đã giấu biệt bố đứa trẻ đi. Có người còn thách thức dư luận rằng ừ, tôi đẻ con vì cần có con, bố là ai cũng không cần thiết lắm. Khi đã biến thành “mốt” thì sẽ cổ vũ lối sống thiếu trách nhiệm với trẻ em. Người mẹ đó có lẽ chỉ nghĩ tới sự nổi tiếng, dị biệt trong tính cách của mình chứ không hề nghĩ đến việc mình phải có đôi có cặp, đứa con bao giờ cũng nên có cả bố lẫn mẹ cưới xin hợp pháp đàng hoàng thì tốt hơn.

Cô đang nhắc tới hiện tượng làm mẹ đơn thân trong giới nghệ sỹ. Vậy còn đối với những người bình thường nhưng có nhu cầu trở thành mẹ đơn thân thì sao?
Nếu người ta thấy đó là một lý do đích thực thì hãy thành mẹ đơn thân. Nhưng không nên biến nó trở thành chuyện ồn ào, không tạo thành “mốt” khoe khoang trước đám đông, không lấy nó để lấy sự nổi tiếng hay muốn tìm cách khẳng định “cái tôi” của mình. Những người mẹ đơn thân vốn cực chẳng đã, không muốn có ai biết đến, thường tự mình âm thầm giải quyết việc của mình. Tôi đã từng khuyên một cô bạn khi cô ấy mãi chẳng chịu lấy chồng. Tôi nói rằng việc lấy chồng hay không không quan trọng bằng việc mình phải có một đứa bé. Nhiều khi, lúc chọn được một người chồng thì người phụ nữ đã hết tuổi làm mẹ. Tôi chọn việc muốn làm mẹ trước khi có thể chọn được chồng, vì điều kiện riêng của tôi rất ngặt nghèo, khi tôi còn trẻ.
Tình cảm của mẹ với con cái là niềm hạnh phúc lớn lao mà loài người được ban tặng, tại sao lại không hưởng thụ nó. Có rất nhiều số phận khác nhau, nhưng tôi nghĩ rằng mình vẫn nên nuôi hy vọng vì trong cuộc sống chật chội hiện nay ở Việt Nam, người ta vẫn có thể có được hạnh phúc. Tôi quan niệm hạnh phúc là do mình gặt hái lấy, phải chính là mình, đừng xin ai.

Yêu và được yêu đúng như cách “người” nhất của nó

Vật chất sẽ đóng vai trò gì trong hạnh phúc của người phụ nữ, thưa cô?
Có người nói: “tôi thà khóc trong một chiếc Mercedes còn hơn ngồi cười sau một chiếc xe đạp”, rồi “không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”… Tôi nghĩ rằng hạnh phúc cũng có liên quan tới tiền bạc đấy nhưng không phải được trả giá bởi tiền bạc. Người phương Tây có nói những gì được trả bằng tiền, đều rất rẻ. Nhưng hạnh phúc thì không nằm trong cách làm giá cả như thế. Theo tôi, hạnh phúc nằm ở sự thỏa mãn và hài lòng trên cả hai phương diện vật chất và tinh thần, và từ cả hai phía: đàn ông, đàn bà. Cũng không thể có chuyện “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” mà không có ăn uống, không đồng xu dính túi. Những người nhận được hạnh phúc thì sẽ biết kết hợp tỷ lệ hai thứ đó và chắc chắn họ biết cách làm ra đồng tiền để chi tiêu. 
Người phụ nữ muốn hạnh phúc thì phải có tư duy đúng về hạnh phúc. Trong tư duy đó sẽ tự biết điều chỉnh cái nào nghiêng về phía tiền, cái nào nghiêng về phía tình. Trong tình cảm, tiền bạc không phải là thứ để có thể “tiền trao cháo múc”, nhưng nó cũng có một vị trí nhất định. Người phụ nữ thông minh là biết kiếm tiền, không chịu đói nghèo và biết nhìn ra khả năng kiếm tiền của người đàn ông định lấy làm chồng, để có thể khiến cho mình hạnh phúc hơn.
Người phụ nữ Việt Nam hiện đại phải làm chủ được mình và số phận của mình. Hiện nay, phụ nữ vẫn bị người đàn ông chi phối theo cung cách gia trưởng. Sự phụ thuộc chính là ở chỗ người đàn bà cứ đặt số phận mình vào tay người đàn ông và chỉ biết cho, không biết nhận. Như thế sẽ có thể khiến người đàn ông thấy chán.

Nhắc tới sự lệ thuộc, Tây phương cũng nói đến sự ra đời của Eva là từ một giẻ xương sườn của Adam mà, thưa cô?
Người Việt Nam không nói năng và ví von hoa hoét lòe xòe như thế. Người Việt có những cách cắt nghĩa riêng về chuyện yêu đương, giống như các câu chuyện tình của Trương Chi, Mỵ Châu – Trọng Thủy, cô Tấm với hoàng tử... Nó là một kiểu khác, rất dân gian Việt. Nó thể hiện một điều rằng người phụ nữ Việt bao giờ cũng yêu người đàn ông của mình hơn cả bản thân, bao nhiêu năng lượng đều dành cho chồng con, không giữ lại cho mình chút nào. 
Xã hội hiện đại xác định cho người phụ nữ một thân phận, không thua kém người đàn ông nào. Đàn ông Việt Nam có một đặc tính mà tất cả phụ nữ đều phải chịu đựng, dù chẳng thích, đó là tính gia trưởng. Vì người đàn ông trong xã hội nông nghiệp cổ truyền, từ mấy nghìn năm tồn tại đất nước này đều nghiễm nhiên ở vị trí đứng đầu, trên nóc nhà, kiểu “quyền huynh, thế phụ”. Nếu như vị trí này lại chuyển cho người phụ nữ hiện đại thì khó mà chịu đựng nổi. Đó có thể chính là bi kịch của phụ nữ Việt hiện đại chăng, khi phụ nữ đang phải có trách nhiệm với xã hội không kém gì người đàn ông?

Dù ở bất kỳ vị trí hay hoàn cảnh nào thì người phụ nữ cũng phải chịu thiệt thòi nhiều hơn?
Đương nhiên. Trong xã hội có những bi kịch của sự chuyển đổi như hiện nay thì người phụ nữ lại càng thiệt thòi nhiều hơn. Vì thế, phụ nữ cần có tư duy đúng.
Cô là một phụ nữ đã có nhiều trải nghiệm. Vậy theo cô, hạnh phúc của phụ nữ trong tình yêu là gì?
Hạnh phúc trong tình yêu của một phụ nữ có nhiều trải nghiệm và chịu cuộc sống đơn thân như tôi, đó là đã yêu và được yêu theo cách “người” nhất của nó. Điều đó bao gồm việc giữ phần bản năng người chỉ có trong tính người. Tình yêu thuộc về bản năng, bản năng thể hiện trong tình dục phải thăng hoa thành tình yêu. Đó là hạnh phúc chỉ con người mới có.

Cuộc sống thay đổi thì hạnh phúc đó có thay đổi đi không?
Không, nó mãi vẫn như vậy thôi. Cách thức có thể thay đổi nhưng về bản thể người trong tình yêu thì không bao giờ. Bởi nếu bản thể ấy mà mất đi thì nhân loại chỉ có cách là tận diệt. Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ không bao giờ mất cả.

Nhiều người nghĩ chỉ cần có nhiều tiền, vậy là hạnh phúc. Cô nghĩ sao về điều này?
Đó là một cách nghĩ, tôi không phản đối. Đó không phải là cách nghĩ đúng nhất và tốt nhất mà mình nên theo.

Cô đã khi nào nghe thấy câu nói “những thứ không thể mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” chưa?
Tôi có nghe. Sẽ có hai mặt của chuyện đó: “những thứ không mua được bằng ít tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền” và “những thứ mua được bằng tiền thì đều rẻ”. Tình yêu thì không mua được bằng tiền. Và những người biết yêu sẽ biết cách để xử lý đồng tiền. Đấy, ngay cả cái cô “không có tiền thì cạp đất mà ăn” rồi cũng phải tự mình đi kiếm tiền đó thôi. Ngồi khóc trong một chiếc Mercedes thích hơn ngồi cười sau chiếc xe đạp nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề thôi. Vẫn có một tỷ lệ số đông hơn không nghĩ như thế.

Cô rất bận rộn. Có phải lúc nào xung quanh cô cũng chỉ có công việc?
Công việc cứu rỗi tôi. Bởi vì công việc của tôi còn có việc giao tiếp với nhiều người  nữa. Tôi có thể ngồi uống cafe cả buổi với một người bạn thân trong một quán ven sông Hồng mà không cảm thấy tiếc thời gian và cho đó là một thú vị dù đó cũng có thể là công việc. Công việc giúp tâm hồn thư thái, tôi không bỏ qua bất cứ một cơ hội được làm việc ơnào cả. Khi buồn, tôi lấy công việc làm vui và tôi xả phiền muộn cũng ở công việc. Ngay cả khi yêu, tôi cũng lấy công việc làm đầu bởi vì người ấy phải là một người làm việc có kết quả, phải san sẻ được với mình niềm hạnh phúc trong làm việc, chứ không phải là một kẻ biếng lười “há miệng chờ sung”….
Phụ nữ cần đoạt được sự tự do trong tinh thần. Phụ nữ phải là mình, đàn ông mới có thể yêu. Nếu trở thành bản sao của đàn ông thì họ sẽ chẳng thể yêu. Đó có khi là kinh nghiệm của tôi.

Xin cảm ơn cô về cuộc trò chuyện. Chúc cô và gia đình luôn mạnh khỏe và hạnh phúc!

Thu Hương
Bình luận
vtcnews.vn