Những điều trường sư phạm chưa dạy cô giáo

Tổng hợpThứ Ba, 04/10/2011 10:45:00 +07:00

Kiến thức có nhưng kỹ năng không có là tình cảnh chung của những sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm hiện nay.

Kiến thức có nhưng kỹ năng không có là tình cảnh chung của những sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm hiện nay. Họ phải theo học nghề vài năm mới có thể tự tin đứng lớp. Riêng với dạy lớp 1, nhiều hiệu trưởng trường tiểu học ở các thành phố lớn không dám đưa giáo viên mới vào dạy.
"Từ giảng đường bước ra bục giảng, như đang bơi trong sông, đột ngột ra biển lớn." (Ảnh: Người lao động) 

Bắt bệnh giáo viên trẻ dạy tiểu học 
"Cô giảng rất truyền cảm và say sưa. Bài giảng của cô "sặc sỡ" nhưng cái chất trí tuệ, tính chọn lọc và hiệu quả không nhiều!"- Cô Nguyễn Phương Lan, hiệu trưởng trường tiểu học Dịch Vọng A chia sẻ về một trường hợp giáo viên mới ra trường.
Phương pháp giảng dạy chưa kịp được mài dũa cho tinh sắc trong khoảng thời gian 3,4 năm ở giảng đường nên những cô giáo trẻ bị "khớp" trước thực tế là điều thường thấy. Một cô giáo đã đi dạy 4 năm chia sẻ: "Từ giảng đường bước ra bục giảng, mình như đang bơi trong sông, đột ngột ra biển lớn."
Cái "biển lớn" gây choáng khiến các cô giáo mới thường mắc bệnh thể hiện mình: giảng giải nhiều, lại sợ học sinh không hiểu, nên nói đi nói lại. Trong khi, chương trình tiểu học hiện nay yêu cầu các cô giáo biết hướng dẫn, khơi gợi cho học sinh tự khám phá.
"Nhiều người cũng coi thường SGK vì nghĩ là dễ. Nhưng thực ra để hiểu được ý tưởng của người viết và truyền đạt được hết thông điệp SGK không phải dễ đâu."- Cô Lan cho biết.
Việc dạy và việc học để đi dạy có một khoảng cách vô cùng xa nhưng 3,4 năm trên giảng đường, sinh viên sư phạm lại có quá ít thời gian thực tế. Kết quả là kiến thức chuyên môn không thiếu nhưng kiến thức để "làm nghề" thì rất mỏng.
"Đơn cử như bài học vỡ lòng là cách ổn định lớp, mình cũng phải mất vài tháng để quen. Mất cả năm, hay vài năm để xây dựng được tác phong của một cô giáo thực sự. Nghệ thuật để thu hút học sinh, đơn giản như nán lại trò chuyện với các con trong giờ ra chơi. Cách xử lý những tình huống đột xuất để đảm bảo thời gian dạy..." Cô giáo L.T.T ở quận Hoàng Mai nói.
Vì thế, giáo viên mới ra trường thường xuyên phải đi "học", nghe giảng cùng học sinh nhưng việc chính là để quan sát cách làm của những người dày dặn kinh nghiệm.
Bồi dưỡng thực tế cho giáo viên trẻ, hiệu trưởng các trường tiểu học đều thừa nhận đó là quá trình rất công phu. Giáo viên trẻ yếu nhất phương pháp giảng dạy và kỹ năng tổ chức lớp học. Bên cạnh đó, kỹ năng và kinh nghiệm ứng xử với phụ huynh học sinh gần như là con số 0.
Như cách làm của trường tiểu học Dịch Vọng A. Hàng năm, trường tiếp nhận những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi về và bắt đầu một tiến trình "học nghề" kéo dài hàng năm trời theo đúng kiểu cọ xát thực tế. Mỗi giáo viên trẻ đều được đi theo các giáo viên già, vừa làm "trợ lý", vừa ngồi học cùng các con, vừa được đứng lớp để nghe các "liền chị" mổ xẻ từng chi tiết trong bài giảng của mình. Tiếp đến là quan sát các thầy cô ứng xử, chuyện trò với phụ huynh. Có không ít những tình huống mà giáo viên trẻ vô cùng ngỡ ngàng.
Một giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy 15 năm cho biết, cô phải kèm cặp một giáo sinh mới tốt nghiệp từng bước một, nhưng cũng phải rất tế nhị kẻo cô giáo trẻ tự ái. Xét về kiến thức của thời đại, cô giáo trẻ cập nhật nhanh hơn, nhưng có những việc phải cần độ chín trong nghề mới có thể làm được.
Một cô giáo trẻ mới vào nghề chia sẻ: "Ấn tượng nhất ở những buổi dạy dự giờ, dạy mẫu là phần nhận xét cuối giờ của các cô giáo có kinh nghiệm. Có những điều tưởng chừng mình không thể sai nhưng khi nghe phân tích, mình mới nhận ra được. Có những điều mình thực sự không nghĩ ra được nếu không có nhận xét đầy kinh nghiệm của họ."
Vì thế, thế hệ giáo viên mới ra trường ở 5 năm trở lại đây - theo nhận xét của một hiệu phó ở quận Long Biên - có độ "sắc" trong nghề nghiệp là rất ít. Với trẻ càng nhỏ tuổi, càng đòi hỏi phương pháp tốt. Hầu như đối với lớp 1, những thầy cô giáo kỳ cựu nhất, giỏi phương pháp sư phạm nhất mới được hiệu trưởng sắp xếp cho dạy lớp này. 
Những điều trường sư phạm không dạy cô giáo
"Khi đi dạy, có những điều mình thấy lẽ ra mình đã phải được học trong trường rồi."- Cô giáo N.H, quận Hoàn Kiếm chia sẻ - "Trường mình nhiều lớp có trẻ tự kỷ nhưng kiến thức của mình về học sinh này hoàn toàn không có. Vậy nên, dù vận dụng đủ mọi kỹ năng của mình vẫn thấy không xử lý tốt được những tình huống xảy ra với con."
Cô L.T.T lại thấy mình rất tụt hậu khi mới tốt nghiệp ĐH năm 2008 nhưng về tin học, cô chỉ được học duy nhất... Word. PowerPoint, phần mềm quan trọng để thiết kế bài giảng điện tử hoàn toàn không được học, chưa nói đến những phần mềm ứng dụng cho dạy học khác.
Những điều giáo viên cần biết là kiến thức về học sinh tiểu học. Ảnh: Nhã Uyên 

Bên cạnh đó lại có những môn cho đến khi ra trường 4,5 năm, các cô giáo vẫn chưa thấy dùng vào việc gì. Ở bậc ĐH, cô L.T.T được dạy cả Toán, Lý, Hóa, Sinh, Địa... đại cương. Những môn nặng nề này chiếm hết 2 năm đầu và đều không cần thiết với bậc học cơ bản như tiểu học. Theo cô, kiến thức cho nghề chỉ tập trung gói gọn trong hai năm cuối.
Vậy nhưng những kiến thức rất cần thiết mà theo nhiều giáo viên có kinh nghiệm nhận xét rằng cô giáo trẻ thường rất yếu: đó là phương pháp giảng dạy, tâm sinh lý trẻ tiểu học... lại được học không đến nơi đến chốn.
Một minh chứng khiến cô L.T.T thấy buồn nhất là khi dạy phương pháp giảng dạy cho sinh viên, các thầy cô luôn nói: "Phải đổi mới phương pháp, tăng cường tình chủ động cho học sinh." Nhưng thực ra chính những giảng viên phương pháp này đang làm ngược lại, đó là đọc-chép. "Ngay những người dạy phương pháp thì phương pháp của họ đã rất...buồn ngủ."- cô L.T.T chia sẻ.
Hoặc chỉ là những phương pháp cơ bản rất chung, rất chuẩn nhưng vẫn nằm trên giấy. Nếu giáo viên cứ theo đó mà làm, không hiểu được thực tế diễn ra ra sao thì chỉ có...cháy giáo án, gánh áp lực vào mình. Đặc biệt, kiểu dạy mẫu phổ biến hiện nay ở ĐH, CĐ là sinh viên đóng giả...học sinh cấp 1. Cách này hoàn toàn khác xa thực tế và sinh viên không thể hiểu được khả năng nhận thức của học sinh đến đâu để điều chỉnh cách dạy.
Vì thế, nhiều hiệu trưởng cho biết, dù kiến thức tốt nhưng cách dạy hay tư duy khái quát, hệ thống kiến thức của các cô giáo trẻ rất hạn chế. Chưa nói đến việc hệ thống chương trình theo chiều dọc, chiều ngang, bố trí các bài học liên quan liền mạch với nhau. Đây là công việc các cô giáo trẻ phải làm rất nhiều khi tập huấn chuyên môn.
Cô N.H, giáo viên ở quận Hoàn Kiếm cho biết: Kiến thức tâm lý mà giáo viên tiểu học cần rất cụ thể; đó là tất cả về học sinh. Nhưng chương trình học quá hàn lâm với những phản xạ, ý thức... những thứ chỉ cần nắm cơ bản. Vì thế, khi ra trường, các cô giáo phải căng mình cập nhật.
Nhiều cô giáo thừa nhận, 4 năm trong trường ĐH với quá ít va chạm thực tế, một số kiến thức hàn lâm không sử dụng sau khi vào nghề khiến họ không thể tự định hướng những kỹ năng nghề nghiệp cho mình, lãng phí nhiều thời gian. Bù lại, khi làm nghề, ai cũng phải học thêm và mất không ít thời gian. Để trở thành một giáo viên giỏi, những gì cần học còn rất nhiều.
Theo Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn