Kiếm bộn tiền nhờ dựa hơi 'Ngày tận thế'

Tổng hợpThứ Sáu, 10/08/2012 12:40:00 +07:00

(VTC News)- Không ít người lo sợ về một ngày mà theo lịch người Maya gọi là "Ngày tận thế", tuy nhiên đây lại chính là cơ hội kiếm lời cho rất nhiều người khác.

(VTC News) - Không ít người lo sợ về một ngày mà theo lịch người Maya gọi là "Ngày tận thế", tuy nhiên đây lại chính là cơ hội kiếm lời cho rất nhiều người khác.


Cơ hội vàng cho dịch vụ kinh doanh "Ngày tận thế"

Ngày nay, thuật ngữ "những người tin vào thuyết tận thế" và "những người chủ động tìm mọi cách sinh tồn" không còn gì xa lạ. Nhưng trên thực tế, những người này thường cảm thấy không thoải mái khi bị gọi như vậy.

Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn theo "Ngày tận thế" thích gọi họ là "những người luôn sẵn sàng chuẩn bị đối phó với khủng hoảng" - với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.


Vic Rantala - chủ công ty Safecastle chuyên kinh doanh dịch vụ cung cấp nơi trú ẩn an toàn suốt hơn 10 năm qua - chia sẻ: "Tập khách hàng của chúng tôi rất đa dạng và phong phú. Họ có mặt ở khắp mọi nơi trên nước Mỹ, xuất thân với đủ ngành nghề khác nhau, thu nhập khác nhau như bác sĩ, luật sư, doanh nhân".

Phil Burns, chủ tịch tập đoàn American Prepper's Network, cho biết: "Những người có chung quan điểm "chuẩn bị tốt nhất, sẵn sàng đối mặt với mọi rủi ro" không điên rồ hơn những người mua bảo hiểm sở hữu nhà là bao.

Một cách nghiêm túc mà nói, tại sao người ta lại mua bảo hiểm sở hữu nhà? Đó là phòng trường hợp thảm họa xảy ra, nhà bạn bị phá hủy hoàn toàn, bạn sẽ nhận được tiền bảo hiểm để mua một ngôi nhà mới, tránh rơi vào tình cảnh "màn trời chiếu đất".

Trong trường hợp của chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi tự dạy lẫn nhau và mua sắm những vật dụng cần thiết để tiếp tục cuộc sống một cách an toàn ngay cả khi có thảm họa".


Những người lo sợ ngày tận thế và luôn chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để sinh tồn trong thảm họa trở thành nhóm khách hàng đặc biệt của nhiều ngành kinh doanh tại Mỹ. 
Có một thực tế là phần lớn những người theo chủ nghĩa chuẩn bị sẵn sàng để sinh tồn đều bị ám ảnh bởi các thảm họa tự nhiên đến nỗi họ luôn cố gắng dự trữ thực phẩm hoặc mua sẵn nơi trú ẩn. Nhất là sau những sự kiện kinh hoàng như vụ khủng bố 11/9 hay siêu bão Katrina năm 2005 ở Mỹ khiến nhiều người càng quyết tâm chuẩn bị phương án sống sót tốt nhất cho mình.

Điều này đồng nghĩa với việc, các ngành kinh doanh phục vụ nhu cầu sinh tồn đã gặp thời cơ vàng để phát triển và thu lợi nhuận khổng lồ.


Vic Rantala khẳng định: "Sự kiện 11/9 chắc chắn đã thay đổi cả thế giới và cách nhiều người nhìn nhận về tương lai. Sau đó, càng có nhiều sự kiện bất ổn khác xảy ra trên phạm vi toàn cầu và ngành kinh doanh của chúng tôi được củng cố hơn bao giờ hết.

Những công ty kinh doanh lĩnh vực này đều phát triển rất ổn định và bền vững. Ngay cả khi kinh tế suy thoái thì nhóm khách hàng luôn sẵn sàng chuẩn bị đối phó với khủng hoảng vẫn gia tăng không ngừng về số lượng".


Đa dạng sản phẩm

Thực phẩm đóng hộp được sản xuất bởi những công ty như Moutain House, với hạn sử dụng lên tới 30 năm, là một trong những vật dụng phổ biến nhất trong ngành kinh doanh phục vụ sự sinh tồn của con người trước nguy cơ tận thế.

Thiết bị lọc nước, thiết bị phát điện, đèn pin sạc bằng lực cơ tay cũng đắt hàng không kém. Theo tiết lộ của Vic Rantala, mặt hàng bán chạy nhất ở Safecastle là thịt lợn muối đóng hộp của hãng Yoder (mỗi hộp gồm 40-50 lát thịt).


Còn công ty US Bunkers trụ sở tại Miami chuyên cung cấp các thiết kế hầm trú ẩn bằng thép và xi măng để bảo vệ khách hàng khỏi bão tố, lốc xoáy, cháy nổ lớn. Kiểu hầm này có những bức tường bằng xi măng độ dày 20-30cm và nặng 12-18 tấn. Chúng còn được trang bị cửa sổ chống đạn và cửa ra vào đủ sức chịu áp suất lớn của nước (cấu tạo giống như tàu ngầm).

Và thay vì được đặt dưới lòng đất như hồi thập niên 50, những hầm trú ẩn của US Bunkers trụ vững trên các chân đế cách mặt đất gần 1m.

Ông chủ công ty, Jorge Villa, đã dành 7 năm trời để nghiên cứu và sáng chế ra kiểu hầm này sau khi chứng kiến sức tàn phá khủng khiếp của siêu bão Andrew tấn công Nam Florida năm 1992.


Hầm trú ẩn của công ty US Bunkers 
Để xác định một cách chính xác toàn bộ thị trường của ngành kinh doanh đặc biệt này là điều gần như không thể bởi cộng đồng khách hàng quá lớn. Nhưng có một điều chắc chắn họ đều là những người giàu có và không ngại chi tiền vì mục tiêu sinh tồn. Loại hộp dùng để trữ thức ăn lâu dài có thể lên tới 400 USD/hộp (nếu bạn chọn gói cung cấp kéo dài 10 tháng thì chi phí là 8.000 USD).

Còn hầm trú ẩn của US Bunkers có giá từ 12.000 USD đến 65.000 USD. Mỗi năm Bunkers bán được khoảng 50 hầm. Những vật dụng khác, như áo giáp chống đạn, có giá 800 USD và hộp 20 viên làm sạch nước có giá chưa đến 20 USD.


Dù có nhiều ý kiến trái chiều, ông chủ các công ty kinh doanh ăn theo thuyết "ngày tận thế" vẫn đang hốt bạc trước nhu cầu không bao giờ có dấu hiệu suy giảm từ khách hàng.

Khánh Huyền(theo CNBC)
Bình luận
vtcnews.vn