Hà Nội và những “vườn” rau ngắn hạn thời bão giá

Tổng hợpThứ Ba, 10/07/2012 11:17:00 +07:00

Bão giá cộng với ô nhiễm thực phẩm gia tăng khiến “những ruộng rau” đặc biệt này ngày càng xuất hiện nhiều hơn giữa lòng Thủ đô...

Tận dụng đất các rải phân cách, các công trường, vỉa hè đang thi công, các khu đất trống… để trồng rau xanh đã xuất hiện từ lâu. Tuy nhiên, bão giá cộng với ô nhiễm thực phẩm gia tăng khiến “những ruộng rau” đặc biệt này ngày càng xuất hiện nhiều hơn giữa lòng Thủ đô ồn ào và náo nhiệt.

 

 

Trồng rau để… tiết kiệm…

Đã ba tháng nay bà Sự (khu Tập thể Thành Công) gần như không phải mua rau xanh ngoài chợ. Dự án xây chung cư và Trung tâm thương mại liền kề với khu tập thể nhà bà “treo” ngót năm nay. Thấy mảnh đất trống bỏ không, bà lấy con dao cùn, đào đào xới xới, vun rồi trồng cây giống. Lúc đầu, bà trồng thử vài cây húng chó, húng láng, cây ớt. Sau thấy chỉ cần tưới nước mà cây vẫn lên xanh, bà bắt đầu trồng đủ loại từ hành lá, gừng cho đến rau muống, rau dền, rau cải, rau ngót… trên khoảnh đất chưa đầy chục mét vuông ấy. Vậy là có một vườn rau xanh, rau sạch phục vụ cho cả nhà. Hàng xóm, nhiều người bắt chước bà, cũng xới xới, trồng trồng, mỗi người một khoảnh, một mảnh be bé. Nhìn qua, chắc chắn ai cũng có thể nghĩ đó là một vườn rau thực thụ, nhưng thực ra đó là những mảnh “vườn” rau ngắn hạn của các bà, các cô quanh khu vực này.

Không khó để tìm thấy những vườn rau được trồng trên đất các dự án treo giống như của các bà, các cô ở Thành Công. Suy thoái kinh tế cùng “cơn khát” rau sạch đã “tạo điều kiện” để những vườn rau công cộng xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Người dân Hà thành còn tận dụng cả đất ở các vỉa hè, đất ven ao hồ, các con sông, các ô trồng cây, thậm chí là rải phân cách đường… những vùng chưa được quy hoạch để trồng rau.

Hơn 30 thùng xốp được xếp dọc theo ray tàu hỏa ở ngã tư Kim Liên – Đại Cồ Việt với đủ các loại rau mùng tơi, rau cải, rau dền vẫn là một “cảnh quan” khá bắt mắt người đi đường. Đây chính là “vườn” rau sạch của những công nhân gác đường tàu và người dân khu vực xung quanh. Bất chấp khói bụi, mỗi ngày họ vẫn chăm tưới những “luống” rau nho nhỏ rất cẩn thận. Tại khu Tập thể Thông tấn xã gần đường Hoàng Quốc Việt, người dân thậm chí còn trồng rau trong những diện tích nhỏ hơn nữa. Những chậu trồng cây cảnh đường kính 10cm đến 40cm cũng được xếp trước cửa hoặc dọc theo ngõ nhỏ để trồng rau.

 

Trong khi đó, dọc theo bờ sông Tô Lịch ở đường Nguyễn Ngọc Vũ, người dân cũng tranh thủ trồng rau trên những đoạn đường đang thi công dang dở. Các bà nội trợ tranh thủ dọn dẹp đất đá, các mảnh vụn cứng… lấy ít đất, cát phủ lên rồi xin giống rau ở quê hoặc đi mua rồi trồng. Đất màu lại gần sông, tiện nguồn nước tưới tắm nên cả “ruộng” rau lên xanh mướt, non mơn mởn.  Các hộ còn phân công nhau trồng chuyên canh các loại rau nhất định để trao đổi qua lại nhằm giảm công sức và thời gian so với việc cùng một lúc phải chăm sóc nhiều loại rau. Bác Nguyễn Thị Ninh (người dân ở phố Nguyễn Ngọc Vũ) chia sẻ: “Mỗi nhà vài mét vuông, chia nhau mà trồng. Rau tự chăm chỉ tưới nước, không phun thuốc hay chất kích thích gì, nhìn không đẹp nhưng ăn lại ngon và yên tâm lắm. Đi chợ, một bó rau nho nhỏ, chẳng rõ nguồn gốc thế nào cũng đến lắm tiền”.

Đi dọc khu Bùi Xương Trạch, Kim Giang… hay Linh Đàm, Định Công, Nguyễn Xiển, Hà Đông… người ta có thể dễ dàng bắt gặp những “ruộng” rau công cộng. Chỗ đất phẳng, nhiều thịt thì các bà các cô trồng thành từng mảnh, từng luống. Có nhà cẩn thận còn rào chắn hoặc xây tường che xung quanh. Chỗ hẹp, ít đất, nhiều đá sỏi thì họ lại sử dụng hộp xốp nhỏ rồi cho đất trồng rau lên. Nhiều nơi có những ô vuông trên vỉa hè để trồng cây bóng mát nhưng chưa quy hoạch xong, cây chưa được trồng, rau xanh cũng tạm thời được mọc lên thay thế. Đó là chưa kể những rải phân cách trên đường cao tốc theo tuyến đường về Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… cũng được người dân tận dụng để trồng rau. Ở những đoạn đường nhiều xe qua lại và khói bụi này, loại rau được trồng phổ biến nhất vẫn là rau bí, rau lang, rau muống… bởi chúng khá dễ sống. Thi thoảng lại có nhà trồng mấy cây cà chua đã bắt đầu ra hoa và cả mấy cây chanh đã xanh um lá bánh tẻ.

“Bão giá, chi tiêu phải thắt lưng buộc bụng. Hơn nữa, rau ngoài chợ bây giờ toàn là phun thuốc với chất kích thích, ăn cũng sợ. Đất dự án thật, nhưng bỏ không suốt mấy năm trời cũng phí. Tranh thủ trồng rau thế này vừa có rau sạch ăn lại vừa tiết kiệm. Tính ra mỗi tháng nhà tôi cũng phải giảm chi tiêu được gần 1 triệu tiền rau đấy”, bà Sự (Khu Tập thể Thành Công) bộc bạch.

 
 

Trồng rau để… thấy niềm vui nho nhỏ mỗi ngày…

Vừa mang lại nguồn thực phẩm sạch, tiết kiệm chi tiêu gia đình hàng tháng, những “vườn” rau công cộng tạm cũng mang nhiều ý nghĩa về mặt tinh thần. Ở khu vực đường mới Keangnam, Yên Hòa, Cầu Giấy, những cây xanh lấy bóng mát vừa mới trổ lá non thì ngay dưới gốc cây đã mướt mát những loại rau do người dân tại đây trồng. “Diện tích nhỏ, chỉ trồng được một chút, đủ để thi thoảng cải thiện bữa ăn gia đình với một hai loại rau sạch không bị ô nhiễm chứ không thể đáp ứng nhu cầu rau hàng ngày, nhưng nó là thú vui, cũng là cách làm xanh môi trường”, bác Hòa, người dân khu vực Keangnam hóm hỉnh. Ngày nào cũng “tất bật” với “vườn” rau, sáng tưới nước, chiều nhổ cỏ, bác Hòa cảm thấy cuộc sống bỗng dưng trở nên yên bình và tao nhã hơn. Thậm chí, nhiều khi đi đâu bác lại cảm thấy nhớ “vườn” rau của mình, lo không có ai tưới tắm, chỉ nóng ruột mong mau mau chóng chóng trở về.

Với người dân khu Kim Giang, đặc biệt là cụ Tĩnh, những “vườn” rau tạm lại là một cách để cụ lưu trữ lại hình ảnh, bóng dáng của một vùng quê yên bình đã từng đi cùng suốt tuổi thơ cụ. Một khoảnh đất hơn chục mét vuông với đủ loại rau trên vỉa hè đào xới dang dở ở đường Kim Giang được bà cụ gần 80 tuổi ngày ngày chăm bón tỉ mẩn. Vườn rau của cụ không phải là “công trình kiến trúc lớn”, chỉ là mấy cây cải đang trổ hoa vàng, mấy cây cà chua đã đỏ trái, mấy luống mùng tơi, rau muống, bồ ngót, hành lá đang xanh mơn mởn…. nhưng nó khiến ai đi qua quãng đường này cũng phải ngỡ ngàng, cảm giác có chút gì đó nhẹ nhàng, thảnh thơi giữa sự ồn ào, xô bồ, tất bật của phố xá. “Vỉa hè Kim Giang chắc còn lâu mới xong. Tôi trồng rau đến khi nào người ta đòi đất lại để làm tiếp thì tôi sẽ trả. Giờ mỗi ngày được tưới rau, hái rau… tôi cảm thấy vui lắm. Biết đi đâu ở đất Hà Nội này để tìm được chút cảm giác yên bình như thế hả cô?”, cụ Tĩnh trầm ngâm. Có lẽ, nó là suy nghĩ không chỉ của riêng cụ, mà còn của rất nhiều người khác – những người đang ngày ngày trồng bón những “vườn” rau trên đất công cộng….

 
 

Nỗi niềm của người vun xới…

Trồng rau trên vỉa hè, đất trống… những nơi đất công cộng chưa được quy hoạch để tiết kiệm chi tiêu, để tìm kiếm niềm vui, nhưng nó cũng ẩn chứa không ít nỗi niềm của người chăm bón.

Được mảnh đất màu, tiện nguồn nước thì tốt, rau cứ thế mà lên xanh mơn mởn. Nhưng cũng nhiều nơi, đất xây dựng, đất đường nhiều sỏi đá, ít chất, rau cứ chăm bón, tưới tắm mãi cũng vẫn còi cọc, xơ xác. Bà Quyến ở khu Quan Nhân cũng quây một khoảnh đất quanh cây cột điện trong ngõ để trồng rau, nhưng nửa năm nay hết bầu đất lại đến ớt, gừng, muống, dền, ngót… bà tốn bao nhiêu tiền mua giống rau mà vẫn chưa được một bữa rau sạch nào cho gia đình. Mất công xin chấu, phân chim về để bồi đất, nhưng rồi bà Quyến cũng phải từ bỏ “sự nghiệp” trồng rau của mình.

Hay “vườn” rau dọc đường Nguyễn Xiển, Hà Đông… ngày trước cũng đủ loại, nhưng giờ chủ yếu chỉ còn mấy luống bí, rau muống, rau khoai lang, đinh đăng… Những loại rau khác, trồng xong chăm đến mấy cũng chỉ nhú lên được chút rồi lại héo rủ.

Mặc dù ngày nào cũng tưới tắm, chăm bón mấy lần, nhưng những “vườn” rau ở đường ray tàu Kim Liên vẫn luôn bị bụi phủ kín. Xung quanh toàn đường lớn với bê tông, rau trồng ở đây sạch với hóa chất nhưng mỗi lần thu hoạch, nấu ăn người dân đều phải ngâm lâu, rửa rất nhiều lần.

Bà Lý (người dân ở Hà Đông) cho biết: “Trồng rau ở phố cũng lắm công phu và phải tỉ mỉ lắm. Người ta ở quê trồng rau thế nào thì mình cũng phải làm tương tự đủ công việc như thế. Từ gieo hạt, tưới nước… cho đến nhổ cỏ bắt sâu. Trời mưa, trời nắng cũng phải vội vàng che chắn. Không nhanh là cũng “mất mùa”, công lao đổ xuống sông xuống biển như chơi”. Đã vậy, vì trồng rau công cộng, không thể rào chắn hay trông nom cẩn thận, nên nhiều khi rau tốt, chưa kịp hái để nấu thì sáng dậy người đi đường đã hái mất.

Buồn nhất vẫn là khi đất “vườn” bị đòi lại để tiếp tục xây dựng dự án. Vẫn biết, điều đó chứng tỏ những tòa nhà, những con đường, những công trình… mới, đẹp, khang trang đã không còn bị “treo”, đã được quy hoạch, đã sắp hình thành… nhưng nó không khỏi khiến những “người nông dân” bị “thất nghiệp” phải bồi hồi, nhất là những người như bác Hòa, cụ Tĩnh. “Người ta đòi thì đương nhiên mình phải trả lại thôi. Được rảo bước trên vỉa hè sạch đẹp sẽ là niềm vui mới. Nhưng tôi vẫn thấy buồn. Không được tưới rau, bắt sâu mỗi ngày, không có cảm giác đồng quê thân thuộc, chắc khó chịu lắm. Có khi tới lúc ấy tôi phải mua thùng xốp về xếp trong căn nhà chật hẹp của mình để trồng rau, chứ không thì không chịu nổi”, bà cụ gần 80 tuổi bộc bạch.

Một ngày nào đó, khi Thủ đô hoàn thiện việc quy hoạch, những “vườn” rau tạm sẽ không còn. Nhưng rất có thể nó là kí ức, là một màu sắc riêng của Hà thành ở thời dự án “treo”, ở thời bão giá!

Mạnh Tiến

Bình luận
vtcnews.vn