Hà Lan du kí

Tổng hợpThứ Tư, 03/08/2011 06:37:00 +07:00

Chưa tới Hà Lan chỉ nghe, thì đó là xứ sở của Cối xay gió, Hoa tulip, Guốc gỗ và Pho-ma, những thứ ấn tượng sâu với nhiều người ngoài Hà Lan...

   Chưa tới Hà Lan chỉ nghe, thì đó là xứ sở của Cối xay gió, Hoa tulip, Guốc gỗ và Pho-ma, những thứ ấn tượng sâu với nhiều người ngoài Hà Lan. Ấy là chưa kể đất nước ấy còn có một đội bóng đá mạnh hàng đầu thế giới được mệnh danh “Cơn lốc màu da cam”. Tới rồi mới thấy đất nước Hà Lan còn bao điều diệu kỳ có thể chưa được nhiều người biết tới.

 

 

I AMSTERDAM

Nằm giữa thành phố Amsterdam - thủ đô Hà Lan, là một cái hồ nước to, chừng bằng hồ Hoàn Kiếm của Hà Nội. Nước hồ xanh trong màu da trời, giống màu nước ở bể bơi. Mặt hồ lác đác có những con thuyền mang hình con giống như thiên nga, sâm cầm, hải âu, ngỗng trời… bồng bềnh như những đồ chơi, màu sắc sặc sỡ. Xung quanh hồ là khuôn viên rộng bát ngát lát gạch đá hoa cương cho người đi dạo và trẻ nhỏ chơi dưới những hàng cây thưa cao có bóng cả. Những cánh hoa linde bay theo chiều gió, rồi nhẹ nhàng thả mình xuống mặt hồ, mặt đường. Các quán bán hàng lưu niệm, giải khát đặt ghế nhiều nhưng thưa vắng người mua người uống, có ai ngồi chủ yếu là ngồi ngắm cảnh, nghỉ ngơi hoặc chờ xe điện. Một con đường dành cho người đi xe đạp lát gạch đỏ lúc nào cũng có những chiếc xe bon bon, hình như người Hà Lan di chuyển quãng ngắn dăm ba cây số là dùng xe đạp. Tôi hỏi người bán hàng. Ông cho biết người dân Hà Lan rất thích đi xe đạp. Đi xe đạp họ cảm thấy tự tin hơn là dùng các loại phương tiện khác. Người dân Hà Lan để xe đạp ở mọi nơi, chân cầu hay lề đường, dải phân cách, thành một dãy dài trật tự và ngăn nắp. Trung bình mỗi người Hà Lan sở hữu 2,6 chiếc xe đạp. Dân số Hà Lan 16 triệu, mà có tới 40 triệu xe đạp. Và hình thành một văn hóa dùng xe đạp.

Ở đầu hồ có xây một hàng chữ sơn đỏ chót cao tầm đầu người “I Amsterdam”. Du khách các màu da tới thủ đô Hà Lan không thể không đứng tựa người bên hàng chữ ấy, hoặc chui đầu vào lòng một chữ cái để chụp ảnh. Không ai còn bắt bẻ được mình bốc khoác chưa tới Amsterdam mà nói đã.

Tôi mua một chai nước khoáng. Ông chủ quán khuyên tôi nên mua bình sữa tươi. Thấy tôi ngần ngại. Ông giải thích đến Hà Lan nên uống sữa tươi “Cô gái Hà Lan”. Sữa tươi rẻ bằng 1 phần 3 nước khoáng. “Có chuyện đó sao?” Ông chủ quán cười tươi như hoa tulip nở: “Nước ngọt Hà Lan hiếm. Anh đang ngồi dưới mặt nước biển 5 mét”. Bây giờ tôi mới biết chuyện này. Vân Anh đưa xe đến đón. Cô ngạc nhiên thấy tôi đang ôm bình sữa tươi “Cô gái Hà Lan” 3 lít. Cười rũ. Một chai nước khoáng 1 lít giá 1 Euro. Tương đương 30.000 VND. Một bình sữa tươi 3 lít cũng giá 1 Euro. Vân Anh cho biết người Hà Lan không uống nước, từ bé đến lớn toàn uống sữa tươi. Một ngày uống 3 lít. Đó là lý do người Hà Lan cao, trung bình 2 mét. Các sinh viên Việt sang đây uống sữa cao to lên. Sang từ bé thì giờ không nhận ra đó là người Việt. Nói thế rồi Vân Anh chỉ ông chủ quán: “Cao 2 mét đấy! Không cao không phải người Hà Lan!” Người ta nói ở Hà Lan “dân số người” 16 triệu, thấp hơn “dân số bò” là 18 triệu. Những chế phẩm gì liên quan đến sữa ở Hà Lan đều nổi tiếng thế giới và rẻ, như socola, pho-ma, kem mĩ phẩm. Sữa “Cô gái Hà Lan” nổi tiếng châu Âu chiếm 80% thị phần trong các siêu thị. Đặc biệt thịt bò ở đây rất ngon. Con bò nào không còn khả năng cho 50 lít sữa một ngày là “cho lên thớt”. Tôi cười suýt sặc sữa. Mấy nét chấm phá đã lạ lùng rồi. “Nào lên xe. Ta đi thôi!” Vân Anh kéo tôi không quên chào ông chủ quán đang tủm tỉm cười.

 

 

CÔ GÁI VIỆT 10 NĂM Ở HÀ LAN 

Vân Anh ấy, là Vân Anh đang ở bên tôi. Vân Anh thông minh và hoạt ngôn. Không xinh nhưng duyên ngồn ngộn. Mười lăm năm trước cô là cán bộ giảng dạy Anh ngữ ở Trường Đại học ngoại ngữ Hà Nội. Cô còn đảm nhận dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Viện Công nghệ châu Á. Bỗng một năm có một chàng trai Hà Lan đầu tiên nhập học. Khi học thì “chưa có gì”. Bốn năm sau chàng trai trở lại thì mới “có gì”. “- Vậy là trò yêu thày?” “- Tình yêu mà. Cưỡng làm sao được!”

Chàng trai Hà Lan là kỹ sư máy tính. Xin làm ở Tập đoàn FPT. Lãnh đạo FPT cho biết kỹ sư phần mềm Việt đào tạo từ Đại học Bách khoa có quá nhiều. Nếu làm việc ở đây phải chấp nhận mức lương thấp.

Chấp nhận, để vợ chồng được gần nhau. Nhưng bà mẹ chồng đòi các con cứ 3 tháng phải về Hà Lan thăm mẹ một lần. Khó quá. Sau một năm không làm được thế. Tiền để dành bao nhiêu chỉ dồn đúng tấm vé máy bay. Sau đó thì bà mẹ Hà Lan thương lượng với bà mẹ Việt Nam: “Bà có những ba đứa con gái. Xin vui lòng nhường cho tôi một!” Vậy là nhường. Về Hà Lan chồng có việc làm ngay. Vân Anh thì làm thông dịch cho sứ quán tại Belfast. Và làm thêm hướng dẫn du lịch. Lương cô 1.400 Euro. Tiền thuế, bảo hiểm, thuê nhà, tiền nước, xăng xe… mất 1.000, còn 400 cho ăn. Năm đầu Chính phủ Hà Lan cho tiền để học các thứ cần biết để trở thành công dân Hà Lan. Thi không đỗ phải hoàn trả số tiền đó. “10 năm rồi sao da Vân Anh vẫn đen và không cao như người Hà Lan?” “Đen là tại mẹ khi mang thai cháu bà uống nhiều thuốc bắc quá. Chị và em gái cháu trắng như bông. Còn chưa cao lên được, là vì cháu không uống được sữa.” Vân Anh cười khanh khách giơ lên chiếc bình toong “Cháu uống nước máy. Cứ vòi nước công cộng xả đầy. Uống hết lại lấy. Free. Nước máy Hà Lan là nước sạch tiêu chuẩn châu Âu!”

Vân Anh đã cho tôi trải nghiệm nhiều điều thú vị về đất nước Hà Lan.

 

 

HÀ LAN HIẾM ĐẤT MÀ GIÀU                                        

 Hà Lan có được diện tích 34.000 ki-lô-mét vuông như ngày nay là nhờ lấn biển mà có. Đất thực sự chỉ có bằng 25% diện tích bây giờ thôi. Cứ mỗi năm lấn ra một chút. Một cách lấn biển rất đặc biệt. Ví dụ cái hồ ở Amsterdam, khởi đầu là một cái vịnh biển. Họ nối một con đê kín luôn. Hà Lan không có núi để đào phá lấy đất lấp. Họ bơm nước ra. Bởi vậy lòng hồ thấp hơn mực nước biển 6 mét. Mấy trăm năm nay Hà Lan quai đê lấn biển theo cái cách đó. Và cả đất nước Hà Lan cùng nằm dưới mặt nước biển tùy theo nơi vịnh biển quai đê, mà vùng đất ấy có độ sâu khác nhau, nhưng trung bình là 7 mét. Trên quãng đường cao tốc ra ngoại ô Amsterdam xe chúng tôi bon bon chạy bên một triền đê mà phía ngoài đê nước biển dâng đầy có những con tàu và thuyền đang lướt trên sóng. Rồi xe lại chui vào đường hầm dưới sông tưởng như đi tầu điện ngầm âm u dễ sợ.

Tôi bày tỏ lo ngại. Vân Anh cười như nắc nẻ: “Chính phủ Hà Lan có chỉ thị rõ, nếu vỡ đê, khách du lịch được ưu tiên cứu đầu tiên! Tuy nhiên, người ta cũng cho biết khả năng đê biển toàn Hà Lan vỡ chỉ có 1 phần 10 nghìn. Không có gì phải lo ngại. He he!”

Hà Lan có một hệ thống báo động toàn quốc gia thật hoàn hảo. Vào thứ hai đầu tiên của đầu tháng, lúc 12 giờ đến 12 giờ 15 phút trưa, người ta cho hệ thống chạy thử trên cả nước Hà Lan để kiểm tra xem nó có hoạt động không. Bởi vậy đúng vào lúc ấy đi trên đường người ta nghe thấy cả Hà Lan ầm ầm còi rú miên man. Vậy là yên tâm. Có đê vỡ sẽ có báo động. Nếu không, hãy lên tầng ba mặc áo phao.

Tất cả các nhà ở Hà Lan đều có tầng thượng. Tầng ấy chứa đầy áo phao cùng thức ăn dự trữ. Nếu có chuyện gì thì ở trên ấy một tháng. Đủ thời gian tổ chức có trách nhiệm đến cứu hộ. Nhà mẹ chồng Vân Anh ở một nơi thấp dưới mặt nước biển 7 mét. Bà chọn tầng ba ở, để có chuyện gì chỉ cần hai ba phút là kịp mặc áo phao. Đủ biết việc dự phòng thiên tai ở Hà Lan chu đáo không thể chê vào đâu được.

Đất hiếm vậy nên Hà Lan chọn cách sử dụng đất ít nhất mà cho sinh lợi cao nhất. Số 1 là trồng cỏ nuôi bò và chỉ có trồng cỏ. Còn dư thì thu hoạch sấy khô cuộn từng lô to hơn lô giấy Bãi Bằng dành cho mùa đông và xuất khẩu sang Thụy Sĩ. Bên đường quốc lộ là những cánh đồng cỏ mênh mông chia dọc bởi những con kênh đào rộng hai mét nước ắp đầy. Những con kênh đào ấy săm sắp mặt ruộng trồng cỏ. Vừa để lấy nước nuôi cỏ, lấy nước cho bò uống. Tuyệt vời hơn, kênh còn là “hàng rào” ngăn bò không thể vượt qua sang khu đồng cỏ khác, và bò cũng không thể vượt kênh nước dông lên đường quốc lộ. Người Hà Lan không thích làm cầu vượt, cũng như dựng rào xây tường, bởi làm như vậy là mất cảnh quan đẹp thoáng.

Bò Hà Lan có lý lịch rõ ràng: tên, tuổi, trích ngang hai họ nội ngoại. Chúng sống sung sướng nên lười nhất thế giới. Suốt ngày ăn, uống và ngủ. Chúng ngủ có giường, gối êm. Người nông dân Hà Lan cũng nhàn nhất thế giới. Vắt sữa bò bằng rô-bốt. Giản đồ là thế này: Chủ trang trại ngồi ở một phòng điều khiển bằng máy tính. Ca-bin vắt sữa bò chỉ rộng 2 mét vuông. Người chủ điều khiển cho cánh cửa ca-bin kéo lên, một chiếc máng có thức ăn đặc biệt chạy ra. Chú bò bước vào ăn. Cửa đóng xuống. Các rô-bốt vươn ra vắt sữa. Máy đo đếm đủ 50 lít, máng thức ăn thu lại, cửa kéo lên. Chú bò rời khỏi ca-bin. Cửa lại kéo lên đón chú bò xếp hàng phía sau chui vào và chu trình đưa máng thức ăn, vắt sữa cứ tuần tự cho tới hết đàn.

Hà Lan không trồng cây lương thực, mà dành đất trồng các loại hoa trong nhà kính cho xuất khẩu, nhiều nhất là hoa lan. Cho giá trị gấp trăm lần thứ khác. Người Hà Lan duy nhất biết trồng hoa tulip từ hạt. Các nước khác phải trồng từ củ. Bởi vậy gặt hoa tulip xong là để thân đấy cho dồn xuống củ. Củ hoa tulip giá 3 Euro 1 ki-lo-gam. Và cũng bởi vậy khi họ gặt hoa là thông báo cho ai có thể đến lấy hoa thả cửa. Thôi thì nhà nào nhà nấy lấy hoa về cắm đầy mọi chỗ. Xuất khẩu củ thu được bội tiền hơn. Giờ tôi mới biết người Hà Lan trồng hoa tulip là để lấy củ. Một hoa cho 100 hạt. Mỗi hạt mọc một cây. Điều này làm tôi nhớ tới Hội hoa tulip ở Bắc Kinh họ nhập 2 triệu củ trồng và may thay nẩy mầm phát triển tốt để Bắc Kinh có một hội hoa tulip lớn nhất vào năm 2010. Vân Anh cho biết mấy chú đoàn du lịch Lâm Đồng sang cũng mua 50 ki-lo-gam củ về ươm ở nhà kính Đà Lạt, đã gửi ảnh sang Hà Lan báo tin vui cho Vân Anh là tulip phát triển tốt.

Hà Lan không có cacao, nhập từ Phi châu, nhưng kết hợp với đặc sản sữa Hà Lan cho sản phẩm socola đứng thứ nhì thế giới. Café cũng thế. Nhập thô, sản xuất tinh, đã qua Hà Lan là “made in Holand” hết.

 
   Hà Lan cũng không có kim cương. Nhưng lại có tài chế tác bằng lát cắt. Họ tìm ra được 201 lát cắt siêu việt trước cả thế giới. Và giữ bản quyền không ai có được ngoài người Hà Lan.

Hà Lan là trung tâm của châu Âu. Đi tới quốc gia nào trong khối EU, xa thì tới Australia, Hoa Kỳ… đều rất tiện. Bởi vậy Hà Lan xây sân bay lớn hiện đại bậc nhất thế giới. Giá thuê cũng đắt nhất thế giới. Đa số các nước  muốn giảm chi phí phải thuê sân bay Charles de Gaulle – Paris (Pháp) hoặc Frankfurt (Đức). Việt Nam Airline chưa đặt chân được tới phi trường Amsterdam. Cảng biển Amsterdam cũng lớn nhất thế giới từ lấn biển. Giờ thì đứng thứ nhì vì bị Thượng Hải giành mất vị trí thứ nhất. Hà Lan đang quyết tâm mở rộng cảng cho lượng container đi qua lớn hơn Thượng Hải mong giành lại ngôi vương.

Đất lấn biển nên Hà Lan không có tài nguyên, không có khoáng sản. Thì gió và nắng là hai nguồn năng lượng trời cho không mất một xu chỉ cần đầu tư kỹ thuật khai thác, và nguồn năng lượng ấy đã làm nên diện mạo Hà Lan. Một đất nước đêm ngắn ngày dài, năng lượng mặt trời đã cho Hà Lan thừa điện xuất khẩu sang Đức. Dọc đường xe đi, các bảng tín hiệu giao thông, hệ thống đèn đường cũng như các mô phỏng lô-gô cử động rất vui mắt là dùng năng lượng mặt trời. Đèn sử dụng năng lượng mặt trời là sản phẩm đặc trưng của Hà Lan. Giá 3 Euro một cái. Vân Anh cho biết cô mua cho mẹ 10 cái đèn nạp năng lượng mặt trời. Ngày ngày bà đặt vào rổ mang ra sân phơi.Tối thắp sáng xả láng. Khu vườn nhà nào ở Hà Lan từ tối tới sáng các loại đèn cũng rực rỡ sáng trưng. Khách ở Việt Nam sang thăm kêu “giời đất ơi sao lãng phí thế!”

 

 

LÀNG CHÀI VOLENDAM – NÉT TIÊU BIỂU HÀ LAN

Làng chài Volendam cách thủ đô Amsterdam 25 ki-lo-met. Nằm thấp hơn mặt nước biển 2 mét. Trên cánh đồng hoa tulip mới gặt 3 tuần trước, để lại cánh đồng cỏ mởn màu xanh già. Ba chiếc cối xay gió lững lờ quay như chém vào bầu trời lồng lộng mây, mà mỗi giẻ quạt tựa như một cánh buồm. Tôi cố mường tượng một chàng Don Quixote ngồi trên lưng ngựa tay cầm khiên đồng và tay kia cầm một cây giáo dài cứ đánh nhau hoài với cối xay gió như bị quỷ ám. Nhân vật ấy ám ảnh tôi suốt một tuổi học trò bởi cái cách miêu tả tài tình của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes Saavedra.

Cái làng chài ấy bây giờ không sống bằng nghề đánh bắt cá ngoài biển khơi, mà dựng lên một thị trấn xinh đẹp bên hồ Karten. Hồ Karten từng là biển nhưng từ khi có con đê biển ngăn cách nguồn nước mặn, hồ dần trở thành nước ngọt. Đặc sản ở đây là cá chình hun khói cùng các loại hải sản khác cũng rất tươi ngon. Thị trấn Volendam làm nhà phố toàn bằng gỗ sơn màu xanh lá cây, mái lợp ngói màu xám thẫm, khung các ô cửa, các đường trang trí và cột sơn đen nổi và đẹp như tranh đồ họa. Khuôn viên trồng rất nhiều các loại hoa. Đường ven hồ lúc nào cũng tấp nập khách du lịch. Bến cảng tầu thuyền đậu san sát. Đứng từ đây có thể nhìn thấy con đê biển tít tắp xa qua mặt hồ nước sáng long lanh. Hàng quán bán đồ ăn hải sản cùng các chế phẩm từ sữa bò, rồi các cửa hàng bán đồ lưu niệm như guốc gỗ, búp bê, đồng hồ gỗ, tranh ảnh cắt trổ dán gỗ không lúc nào không có khách vào ra. Ngắm nhìn từ góc độ nào cái làng chài Volendam cũng đẹp lạ lùng. Dường như đến Hà Lan mà không đến đây là chưa đến Hà Lan. Bởi nó chứa đầy đủ những nét tiêu biểu nhất của Hà Lan.

Tôi đưa chân vào hai cái guốc gỗ to đùng đặt trước phân xưởng sản xuất guốc gỗ nhờ Vân Anh bấm cho một kiểu ảnh. “Ý tưởng hay!” Vậy là mọi người xếp hàng chờ đến lần xỏ chân vào guốc gỗ chụp kiểu ảnh giống như thế. Guốc gỗ ở Hà Lan làm bằng gỗ cây bạch dương, có hàng trăm kiểu dáng. Tựu trung giống như giầy xục. Nhưng trang trí thì khác nhau bởi tạo hình, trạm trổ và màu sơn, thậm chí dán đính hạt cườm. Một ông người Hà Lan biểu diễn tiện guốc gỗ bằng máy rất điệu nghệ cho du khách xem. Nhu cầu tiêu thụ guốc gỗ lớn nên nay không còn sản xuất thủ công được nữa. Ra đời công nghệ làm guốc gỗ công nghiệp. Cho cả những đôi guốc gỗ bé tí tẹo treo nơi đầu dây chìa khóa để khách mua làm quà kỷ niệm.

Cạnh đó là phân xưởng giới thiệu quy trình sản xuất sữa và pho-ma. Giới thiệu cùng bán sản phẩm. Khách tham quan thi nhau nếm miễn phí. Chọn mua pho-ma các kiểu các loại. Có pho-ma làm từ sữa bò, sữa cừu, sữa dê. Pho-ma trộn ớt, trộn tỏi, trộn rau thơm. Pho-ma cứng, pho-ma mềm. Bây giờ tôi mới biết “Cô gái Hà Lan” bằng xương bằng thịt đẹp làm sao mà trước đó chỉ nhìn ngắm qua tranh vẽ trên nhãn hàng sữa “Cô gái Hà Lan” nhập khẩu vào Việt Nam. Vân Anh nói đúng. Cao 1,95 mét. Nước da trắng hồng như sữa. Một hương thơm lan tỏa như hương sữa. Trẻ con ba bốn tháng tuổi gặp chắc chắn sẽ đòi bú. Các cô mặc tạp dề trắng đội mũ vải trắng cười tươi như hoa tulip. Các loại bánh sản xuất tại đây liên quan đến sữa có hàng trăm loại. Loại nào cũng ngon, phải biết cách nếm mới thưởng thức hết các loại nếu không muốn… chết no. Cái hấp dẫn của làng chài Volendam đã thu hút hàng vạn khách mỗi ngày từ các châu lục đến tham quan.

 

 

AMSTERDAM - MỘT BÀN CỜ KÊNH ĐÀO

Nếu nối các kênh đào ở thủ đô Amsterdam sẽ có chiều dài 100 ki-lo-met. Trên các kênh đó có 1.200 cây cầu bắc qua nối các khu phố. Nhiều cầu nhiều kênh. Kẻ vào mặt bằng đô thị Amsterdam như một bàn cờ.

Ngay cửa cảng biển Amsterdam ta nhìn thấy nhiều đảo giả làm làng cho dân ở. Sâu vào cửa sông ta lại gặp nhiều chiếc thuyền cổ. Không dùng nữa neo đậu ở đây cho một hộ gia đình. Dưới có hệ thống ngầm xử lý nước thải. Các hộ đó phải nộp thuế môi trường rất cao. Nhà biệt thự thì không có hàng xóm. Có hàng xóm là không được gây mất trật tự. 8giờ tối là tắt đèn. Nhà tự do rất đắt. Gía từ 3.000 đến 500.000 Euro một cái.

Đi thuyền máy dưới kênh đào nhìn lên hai bên bờ là các dãy nhà. Nhà nào cũng phải xây tối thiểu ba tầng. Trên tầng ba có nhiều cửa sổ. Cửa sổ tầng cao nhất nhà nào cũng có một chiếc ròng rọc chõ ra ngoài. Phòng khi ngập lụt kéo thức ăn lên. Nếu ngập lụt thì mặc áo phao thò đầu ra nơi cửa sổ vẫy cờ hiệu xin cứu hộ.

Đặc tính nhà hai bên bờ kênh là nhà cao to nhưng cửa bé. Thế chiến thứ nhất Napoléon đánh thuế nhà theo diện tích cửa. Dân phải làm cửa bé cho thuế ít, và nay thành nét văn hóa cửa. Không phải vì thế mà dân Hà Lan ghét Napoléon. Ngược lại, họ yêu quý ông bởi ông đã mang về cho Hà Lan nhiều thứ đang để trong bảo tàng. Và nghĩ ra nhiều thứ cho Hà Lan phát triển. Nên tượng ông được người Hà Lan đắp tạc đặt ở nhiều nơi trong thành phố.

Nếu tinh mắt, từ thuyền đi trên kênh nhìn lên ta thấy các nhà cùng xây trên cọc nghiêng bởi đất lấn biển nên lún không đều. Nhưng không dẫn tới đổ. Amsterdam đang xây đường tầu điện ngầm. Đó là sai lầm lớn nhất của chính quyền Amsterdam. Bởi nó gây ảnh hưởng làm cho các nhà đã nghiêng nghiêng hơn. Người ta kiện. Mất một khoản tiền đền bù lớn. Lẽ ra năm 2000 đường tầu điện ngầm này xây xong. Mà đến nay vẫn chưa. Nhà nước phải bổ sung kinh phí cho Công ty xây dựng. Năm 2011 vẫn chưa xong. Không biết bao giờ mới xong.

Hà Lan trị thủy tốt nhất thế giới. Hệ thống sông và kênh đào dày đặc đan xen khắp đất nước nên Hà Lan vận chuyển vật liệu, hàng hóa không dùng đường bộ. Mà tất tần tật bằng đường thủy. Kênh nhân tạo theo đường chim bay từ thành phố này đến thành phố khác tự đào. Ta cũng gặp hệ thống kênh thoát nước hoàn chỉnh. Đủ nước đóng cửa kênh. Do họ quyết định. Điều khiển toàn bộ mực nước ở đất nước Hà Lan. Khi mưa to toàn bộ hệ thống bơm nước hoạt động bơm nước ra biển. Trong nhiều năm qua chưa bao giờ có ngập lụt trong thành phố. Họ kiểm soát toàn bộ nguồn nước, và người Hà Lan nổi tiếng từ thế kỷ XII bắt đầu trị thủy và đắp đê. Từ văn hóa trị thủy đắp đê, hình thành văn hóa thảo luận. Thảo luận để thống nhất, chỉ cần 51 / 49, là xong. Nhiều khi thảo luận 6 tháng làm chỉ trong 1 tháng. 49 phải phục tùng 51. Nếu 50/50 thì còn thảo luận, cho tới khi nào đạt 51 /49 thì dừng thảo luận và lao vào làm.

 
   Bộ quan trọng nhất Hà Lan là Bộ Quản lý nước và Xử lý đê.

Tôi đã không định viết những dòng này nhưng không thể, bởi vì nó cũng là một nét văn hóa Hà Lan: Đó là khu phố “Đèn Đỏ”, nằm quanh đôi bờ hai con kênh nhỏ Voorburgwal và Achterburgwal. “Đèn Đỏ” là một trong những khu vực cổ và đẹp nhất Amsterdam, san sát những ngôi nhà nghiêng nghiêng, những ngõ nhỏ quanh co, những con đường rải đá cuội và những ngôi nhà có kiến trúc duyên dáng thế kỷ XIV, như nhà thờ cổ Oude Kerk kiểu Gothic. Khu “Đèn Đỏ” lúc nào cũng nhộn nhịp, ồn ã tiếng cười nói, tiếng nhạc xập xình, là nơi tập trung hàng trăm gái bán dâm có thể nói là xinh đẹp, trang phục ước lệ giản đơn nhất tươi cười uốn éo “khoe hàng” sau ô kính nhà thổ. Xen kẽ là những quán bar, quán giải khát, các cửa hàng bán đủ các loại “sextoy” công khai trình hàng bắt mắt. Vân Anh nhắc nhở tôi: “- Nếu chú có nhu cầu xin nhớ ba điều. Giá “fix” cho các khung thời gian 30, 45, 60 phút hoặc lâu hơn không mặc cả. Cần sòng phẳng về tài chính. Nếu có ý định “bùng bo” thì xin đừng, chỉ cần một nút bấm trên thành ghế của gái bán hoa, lập tức cảnh sát tới ngay. Chậm trễ 1 phút là 1 Euro!” Điều này làm tôi suy nghĩ về “nghề bán dâm” được bảo hộ ở Ba Lan. Nó có lợi về kinh tế (thu được thuế), về y tế (kiểm soát được dịch bệnh), về trật tự xã hội (trong vòng kiềm tỏa của cảnh sát). Tôi nhớ tới cuốn sách của một Tiến sĩ tâm thần học Mỹ có nhan đề “Những câu hỏi về tình dục mà bạn không muốn hỏi”. Ở đó tác giả viết như mặc định rằng “Tình dục không phải là nhu cầu sống còn như ăn và thở. Nhưng nó lại tối cần thiết cho nhu cầu phát triển “giới” bình thường của mỗi con người!” Mà nay không phải chỉ có hai giới, mà là ba…

Phó Thủ tướng Chính phủ và bà Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nước ta vừa qua cũng gợi ý nên chăng “nhìn lại” mại dâm, là “vấn đề” hoặc “hiện tượng” xã hội, thay vì “tệ nạn xã hội”. Tôi cho rằng “nhìn lại” như thế sẽ tránh kỳ thị và mặc cảm tội lỗi, tránh dẫn tới hành xử cực đoan “gom trại” để “phục hồi nhân phẩm”. Con người hơn.

Hà Lan là một trong những quốc gia giàu hàng đầu thế giới, lại chỉ bằng cách làm ra những sản phẩm có giá trị nhất thế giới, để thu nhiều tiền lời.

Người Hà Lan không tích trữ “Đô” hay “Vàng”. Mà là “Kim cương”.

   Phụ nữ 25 tuổi bắt đầu mua một chiếc nhẫn kim cương 500 Euro. Thêm 1 năm mua thêm 500 Euro nữa. Được đổi giấy bảo hành. Khi 50 – 80 tuổi có nhẫn 50.000 Euro – 80.000 Euro. Nhìn nhẫn đo ngay được tuổi các cô, các mẹ. Nó cũng là tài sản cho con cháu. Ngân hàng Hà Lan cũng tích kim cương. Một đất nước không có khoáng sản mà tích trữ kim cương nhiều nhất thế giới.
 
   Khiếu Quang Bảo
Bình luận
vtcnews.vn