"Gót chân Asin" của Smartphone

Tổng hợpThứ Năm, 14/11/2013 08:57:00 +07:00

Câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp tồn tại cả từ ngàn năm trước. Tuy nhiên, ý nghĩa của thành ngữ này vẫn luôn đúng ngay cả đến thời đại...

Trong thần thoại Hy Lạp, A-sin (Achilles) được biết đến như một chiến binh bất khả xâm phạm cùng những chiến công lẫy lừng. Với mình đồng da sắt, Asin không ngại những mũi tên ngọn giáo nơi chiến trường, chàng đã giúp Hy Lạp thắng nhiều cuộc giao tranh tại trận chiến thành Troia. Dù hầu hết cơ thể là bất khả xâm phạm nhưng cuối cùng chiến binh thần thánh này vẫn chết vì một mũi tên găm vào gót chân. Thành ngữ gót chân A-sin nổi tiếng nói về điểm yếu của mỗi người cũng từ đó mà có. Câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp tồn tại cả từ ngàn năm trước. Tuy nhiên, ý nghĩa của thành ngữ này vẫn luôn đúng ngay cả đến thời đại công nghệ phát triển như vũ bão ngày nay, thời đại của những thiết bị công nghệ cao cấp do con người tạo ra.

Smartphone hay điện thoại thông minh là khái niệm quá quen thuộc với con người thời hiện đại, một thiết bị phổ biến, luôn dành được sự ưu ái và quan tâm đặc biệt. Nhắc đến smartphone đồng nghĩa với việc nói đến một thiết bị có khả năng đảm nhiệm chức năng của nhiều thiết bị. Các hãng công nghệ danh tiếng cũng liên tục chạy đua trong việc nâng cấp hầu hết các công nghệ trong điện thoại di động. Song có một bộ phận không kém phần quan trọng lại không có nhiều thay đổi trong suốt những năm gần đây.

 

Nếu ban đầu những chiếc điện thoại thông minh chỉ có khả năng hiển thị qHD tương đương với độ phân giải 960x540 pixel thì giờ đây không hiếm những chiếc điện thoại sở hữu độ phân giản FullHD. Trước đây máy ảnh trên điện thoại được coi là phụ gia thêm thắt thì ngày nay nó đã cạnh tranh sòng phẳng với những chiếc máy ảnh compact đắt tiền. Smartphone còn được trang bị cả bộ giáp chống nước và bụi. Phải chăng điện thoại thông minh đã trở thành một thiết bị hoàn hảo? 
Câu trả lời e là không!
Vẫn có một thành phần khá quan trọng của điện thoại thông minh hầu như không được cải tiến mấy. Đó là Pin - nguồn sống của bất cứ thiết bị di động nào. Cộng nghệ được sử dụng cho việc tích trữ năng lượng cho các thiết bị di động ngày nay đó là dạng Lithium - Ion (Li-Ion) còn các điện thoại ra đời trước sử dụng công nghệ Lithium - Polymer. Pin Li-Ion là công nghệ pin được thương mại hóa cách đây khá lâu bởi Sony từ năm 1991. Nó chính thức được ứng dụng rộng rãi và xuất hiện khá nhiều trên thiết bị cầm tay, ngay cả xe ô tô chạy năng lượng điện cũng sử dụng loại pin này. Về bản chất, loại pin này không khác nhiều so với pin Li-Po, nhưng nó được bổ sung thêm một vi mạch kiểm soát dòng điện và nhiệt độ để giữ an toàn cho pin cũng như thông báo tình trạng pin cho thiết bị đang sử dụng. Nhờ vậy, pin Lithium-Ion mang lại thời lượng sử dụng lâu hơn và cũng giúp người sử dụng dễ dàng quản lý việc sử dụng hơn so với pin Li-Po.
Pin Li-Ion suy giảm chất lượng theo thời gian bất kể người sử dụng có dùng nó hay không. Chính vì vậy nếu có nhu cầu thay thế hoặc mua mới loại pin này, người dùng cần đảm bảo rằng mẫu pin mình đang mua phải mới được sản xuất. Ngoài ra, người sử dụng có thể sạc pin vào bất cứ lúc nào, đầy hay hết không quan trọng, nhưng pin sẽ giảm chất lượng sau mỗi lần sạc. Loại pin này có tuổi thọ khoảng 500 lần sạc và khi đó pin chỉ còn khoảng 20 – 30% dung lượng pin so với ban đầu.
Pin Li-Ion nhờ ưu thế được bổ sung vi mạch kiểm soát dòng điện, nhiệt độ và bảo vệ pin tốt hơn, nên thường được sử dụng cho những điện thoại cao cấp, chạy hệ điều hành thông minh, hỗ trợ trình quản lý pin chuyên nghiệp, giúp gia tăng đáng kể thời lượng pin sử dụng. Các mẫu điện thoại cao cấp sắp xuất hiện trong thời gian tới đây, đa số sẽ được trang bị pin Li-Ion dung lượng cao từ 1.650 mAh.

 

Với công nghệ Li-Ion thì các smartphone sở hữu dung lượng pin khoảng từ 1650 đến 3200 mAh, cao nhất là chiếc Motorola Razr Maxx HD với dung lượng lên tới 3300mAh. Khi so với các điện thoại cơ bản thì những con số này thật đáng nể bởi trước đây dung lượng pin chỉ loanh quanh ở số 900 mAh. Tuy nhiên, với những chiếc điện thoại cơ bản bạn có thể dùng cả tuần với một lần sạc còn với Smartphone thì chỉ khoảng 2 ngày nếu bạn dùng tiết kiệm. Trường hợp bạn sử dụng với tần suất cao thì chắc chắn cục sạc sẽ là vật bất li thân nếu bạn không muốn thiết bị liên lạc của mình đánh một giấc.
Có câu nói "Mọi sự so sánh đều là khập khiễng", điều này hoàn toàn đúng khi so thời lượng sử dụng pin giữa điện thoại cơ bản và điện thoại thông minh. Bạn đâu thể xem phim, nghe nhạc chất lượng cao hay lướt web vèo vèo bằng 3G trên một màn hình to ở điện thoại cơ bản. Vì vậy thời lượng sử dụng pin ngắn là điều bạn sẽ phải đánh đổi? Điều này không đúng với tâm lý của khách hàng sử dụng. Theo nhiều khảo sát thì thời lượng sử dụng là yếu tố quan tâm thứ 3 sau mẫu mã và hệ điều hành. Vậy tại sao các hãng điện thoại lớn vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu này?
Xét một cách khách quan thì trong 10 năm qua công nghệ pin không phải đứng yên tại chỗ nhưng nó không phát triển đủ nhanh để đáp ứng các công nghệ khác. Màn hình to hơn, nhiều chip xử lý hơn, kết nối băng thông cao hơn chính là những yếu tố khiến điện thoại của bạn tốn pin hơn. Ngay cả các tiện ích Wifi, bluetooth, NFC, GPS cũng ngốn của bạn kha khá lượng pin. Đặc biệt là hình dáng của những chiếc điện thoại cũng là một thách thức đối với việc thiết kế và sản xuất pin. Mỏng và nhẹ hơn, đó là cuộc đua giữa các hãng. Điều này khiến nhà sản xuất khó có thể nhồi một viên pin dung lượng quá cao lên chiếc điện thoại của bạn.
Nhận thức được nhu cầu của khách hàng, nhiều hãng điện thoại như Nokia, Apple, Samsung hay LG đã đầu tư nghiên cứu những hệ thống pin mới linh hoạt và dung lượng cao hơn. Nokia đã có những chiếc điện thoại sạc không dây, LG đã sản xuất pin cong với dung lượng 3500 mAh cho chiếc G Flex của mình. Yếu tố sử dụng thời lượng lớn cũng tác động đến các hãng chế tạo hệ điều hành như Google, Apple và Microsoft. Khả năng quản lý pin trên các thiết bị di động đã được đầu tư và tùy chỉnh sâu hơn. Tuy nhiên nhiều nhà phân tích công nghệ cho rằng điều này vẫn chưa đủ làm thỏa mãn khách hàng. Họ cho rằng những viên pin cho điện thoại trong tương lai phải đáp ứng được 3 yêu cầu cốt lõi của khách hàng đó là dung lượng lớn, sạc nhanh và không quá nóng khi sử dụng. Một chiếc điện thoại thông minh có thể sử dụng thoải mái từ 3-4 ngày chắc chắn sẽ thu hút được nhiều sự chú ý của người tiêu dùng. Lúc này nhiều khả năng Pin sẽ không còn là “gót chân A-sin” của điện thoại di động nữa.

 

10 LƯU Ý GIÚP ĐIỆN THOẠI CỦA BẠN SỬ DỤNG PIN LÂU HƠN.
Sau đây chúng tôi cung cấp một vài mẹo nhỏ giúp chiếc điện thoại của bạn có thể hoạt động dài hơi và bền bỉ hơn.
- Sạc pin đúng cách. Hãy sạc pin thiết bị di động của bạn bằng nguồn cấp chính hãng và trong thời gian hợp lý. Điều tưởng chừng đơn giản vẫn là lỗi thường xuyên mắc phải của người tiêu dùng. Đừng để điện thoại của bạn cạn pin rồi mới sạc hay để sạc pin qua đêm bởi nó sẽ làm pin của bạn giảm tuổi thọ. Luôn giữ cho pin điện thoại trong khoảng 40%-90%. 
- Điều chỉnh độ sáng màn hình hợp lí. Để màn hình quá sáng sẽ phí phạm năng lượng một cách không cần thiết.
- Tắt các ứng dụng chạy ngầm. Những phần mềm chạy ngầm luôn âm thầm rút bớt năng lượng của chiếc điện thoại của bạn. 
- Sử dụng kết nối tốc độ cao và GPS khi thực sự cần thiết. Hãy chuyển sang sử dụng Wifi bởi nó vừa tiết kiệm tiền cho tài khoản của bạn vừa tiêu thụ ít năng lượng hơn.
- Đừng để điện thoại của bạn quá nóng. Nóng vừa tác động xấu đến các linh kiện khác của máy vừa giảm tuổi thọ của pin. Vì vậy đừng để điện thoại bạn hoạt động hết công suất hoặc để vào chỗ quá nóng như cốp xe.
- Sử dụng các chế độ tiết kiệm pin sẵn có của hệ điều hành. Các hệ điều hành ngày nay cung cấp cho người sử dụng tính năng phân bổ năng lượng hợp lý.
- Tinh chỉnh khả năng đồng bộ hóa của các ứng dụng. Thay vì cập nhật các ứng dụng như mail, Facebook, Twitter 5 phút/lần thì hãy để khoảng thời gian lâu hơn.

Dương Diệp
Bình luận
vtcnews.vn