Cứ cho rằng tôi là kẻ ngốc

Tổng hợpThứ Ba, 02/08/2011 02:13:00 +07:00

Tất cả những gì bọn trẻ lo lắng ngày hôm nay sẽ chẳng là gì trong năm, mười năm nữa...

   Trong trận đấu bóng rổ của học sinh cấp hai, khi phần lớn phụ huynh cổ vũ con em “hãy tiến lên”, “chạy nhanh lên”, “vượt qua đi”, thì tất cả những gì mà cha mẹ Steve muốn nói với con trai là “hãy thôi đừng đưa hai cánh tay”. Đứng trên khán đài, Amy và Mark cố gắng giao tiếp với con một cách bất lực để bảo Steve nhìn vào trái bóng thay vì nhìn xuống hai bàn chân cục mịch dưới thảm cỏ trong khi các ngón tay không ngừng vân vê tà áo.

 Những vị phụ huynh có con chơi bóng giỏi tỏ ra xa cách vì niềm tự hào thái quá, thế nhưng cha mẹ của Steve lại cởi mở chia sẻ với những người lớn khác về sự bất lực của họ khi thấy con lúng túng trên sân. Dù chăm đọc sách, giỏi chơi piano và cờ vua nhưng Steve không phải là tuýp người của các bộ môn thể thao. Những đứa bạn xung quanh thường hay chế nhạo cậu bé : «ê, mày là kẻ ngớ ngẩn, mày chỉ là con mọt sách»…Thông thường các phụ huynh sẽ lo ngại rằng con mình bị lôi ra làm trò cười trong các trận đấu nhưng Amy và Mark thì quan niệm khác; điều quan trọng nhất là con được vui chứ không phải là chiến thắng hay được nhìn nhận là giỏi giang. Cả đội biết Steve không phải là cầu thủ tốt nhưng thi thoảng chúng vẫn chuyền các cú bóng dễ để nó có thể ném thẳng vào rổ mà không cần tốn nhiều công sức hay vận dụng nhiều kỹ thuật. Và với Steve, như thế đã đủ vui để nó không cần phải chơi lại môn này trong vòng 4 năm tiếp theo.

Trường hợp của Steve khiến tôi nghĩ tới Barry Manilow - một ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất lừng danh của Mỹ. Barry từng ghét cay ghét đắng thời trung học bởi ông lãng phí quá nhiều thời gian, khổ sở tìm cách để giống những người bạn xung quanh thay vì chấp nhận bản thân và sử dụng quãng thời gian đó tu dưỡng tài năng mà sau này tạo nên một Barry Manilow nổi danh của nước Mỹ. Khi đã trở nên lừng lẫy, những chàng trai trước đây từng dè bỉu ông bỗng nhiên quay lại trò chuyện, tỏ ra như thể họ là những người bạn thân thiết nhiều năm. Trong bài hát «All the time » mà ông viết, Barry tự sự rằng lúc nào ông cũng cảm thấy mình là một kẻ điên rồ trong thế giới của riêng mình, ông sẵn sàng từ bỏ mọi thứ ông có nếu ai đó nói rằng «Bạn không cô độc», và ông cũng sẽ có niềm tin mạnh mẽ nếu ai đó nói rằng «Bạn không quá tệ». Lời bài hát đó diễn tả rất xác thực những cảm xúc mà một đứa trẻ như Steve phải trải qua.

Năm tháng học trò rồi cũng qua đi, nháy mắt là chúng sẽ đứng trước cánh cổng của đại học. Tất cả những gì bọn trẻ lo lắng ngày hôm nay sẽ chẳng là gì trong năm, mười năm nữa. Một kẻ ngốc nghếch, vụng về như Steve biết đâu sau này lại tìm ra phương thuốc chữa ung thư, hay phát hiện ra một hành tinh mới… Cha mẹ không nhất thiết quá lo lắng tìm cách giúp con điều chỉnh bản thân để phù hợp với môi trường xung quanh hoặc để có nhiều bạn bè. Thay vì thế, họ nên là chỗ dựa tốt cho chúng để chúng có thể nhận thấy sức mạnh riêng của bản thân và tự tin vào việc chúng là ai, kể cả khi bạn bè dè bỉu, chê bai vì là kẻ lập dị, khác người.

Hôm đó, dù chưa hết trận đấu, Steve đột nhiên không chơi nữa và rời khỏi sân bóng, tiến về phía cha mẹ. Con trai tôi – bạn của Steve, đang ngồi cạnh Amy – quay sang hỏi: «Steve định bỏ cuộc hay sao thế cô?» Nhìn ra phía con trai không biết nên cười hay nên khóc, Amy trả lời con tôi một cách đơn giản: «Ồ đúng, Steve thích bỏ cuộc!».

Hồng Đào

Bình luận
vtcnews.vn