Ca trù đương đại và sự "phá rào" liều lĩnh

Tổng hợpThứ Hai, 12/08/2013 11:07:00 +07:00

"chúng tôi còn trẻ, còn thất bại, còn sai nhưng như thế có nghĩa là chúng tôi sẽ còn tiếp tục làm lại", Thùy Dung tự tin nói.

Sau đêm biểu diễn ca trù đương đại của Nguyễn Thùy Dung - Một nghệ sĩ đàn tranh và hai chị em đào đàn Nguyễn Thu Thủy, ca nương Nguyễn Thùy Chi, có ý kiến cho rằng, sự thể nghiệm của họ không thành công vì nó chưa tạo nên một sự phá cách ấn tượng nào. Chia sẻ về điều này, Thùy Dung tự tin nói: "chúng tôi còn trẻ, còn thất bại, còn sai nhưng như thế có nghĩa là chúng tôi sẽ còn tiếp tục làm lại".

 

Âm nhạc không có rào cản
Nguyễn Thùy Dung, sinh năm 1989 vừa tốt nghiệp khoa Nhạc cụ dân tộc, Học viện Âm nhạc Quốc gia chỉ mới vừa năm ngoái. Cô chính là người đã đưa ra ý tưởng thể nghiệm với ca trù đương đại và đêm biểu diễn đầu tiên (khá ngắn ngủi) được tổ chức tại ATK như là lời chào đầu tiên cho dự án (dự định sẽ) dài hơi. Thích ca trù, đặc biệt tiếng đàn đáy và nhịp phách, Dung hợp tác với những người bạn đang làm việc tại CLB Ca trù Thăng Long cùng nhau chơi thử, sau thấy hợp và quyết định tổ chức buổi biểu diễn thử nghiệm như đã nói ở trên.
Bàn về những khó khăn khi thử nghiệm trình diễn ca trù đương đại, Dung chia sẻ: “Cái rung, nhấn của ca trù rất khác so với cải lương hay chèo mà tôi được học. Khi hát ca nương hát nhả từng chữ một rất rõ. Nốt đàn đáy thì chậm rãi, nhấn sâu. Chúng tôi phá cách bằng cách chơi theo lối khác, kết hợp đàn tranh với đàn đáy và nhịp phách, đẩy tiết tấu nhanh mạnh và không quá chú trọng vào ca từ. Những yếu tố cũ vẫn còn vọng lại chứ không mất hẳn tạo nên sự hòa hợp. Mà hòa hợp không thì chưa đủ, phải “phá” cho nó trở nên khác biệt đi”.
Mặc dù học đàn tranh, xong Dung tiếp cận với nhạc đương đại từ sớm. Cô đã từng làm việc với các nghệ sĩ nhạc thể nghiệm nổi tiếng như Vũ Nhật Tân, các nghệ sĩ đến từ Châu Phi, từ Anh; mang cây đàn tranh của mình kết hợp với nhạc điện tử và các thể loại nhạc cụ hiện đại khác nhau. Có ý kiến phản đối việc kết hợp này cũng như phản đối việc biến tấu âm nhạc truyền thống trong đó có ca trù nhưng Dung không ngại bảo vệ quan điểm của mình khi cho rằng, “bảo tồn nhưng vẫn phải phát huy, phát triển. Nếu chỉ hát nhạc truyền thống đơn thuần như chèo và cải lương thì chúng ta sẽ chỉ dừng lại ở việc ra nước ngoài biểu diễn giao lưu mà thôi. Âm nhạc cần phải có ngôn ngữ chung, một thứ ngôn ngữ quốc tế để mọi người có thể cùng nghe được. Nó không thể có rào cản”.
Không chỉ có âm nhạc, nghệ thuật nói chung hiện nay dường như đang đấu tranh để đòi sự phá bỏ các rào cản để được tự do sáng tạo, thể nghiệm. Tất nhiên, bất cứ một sự thể nghiệm nào cũng vấp phải vô vàn các ý kiến  trái chiều, người phản đối, kẻ ủng hộ nhưng có lẽ đó mới là quy luật thuận tự nhiên của sự sáng tạo. Chưa bàn về việc thành công hay thất bại, sự thể nghiệm với nghệ thuật ca trù của Nguyễn Thùy Dung và các nghệ sĩ ca trù trước hết là một sự liều lĩnh táo bạo, có thể được khen ngợi nhưng cũng dễ trở thành “tội đồ”. Bản thân Dung cũng nhìn nhận “tôi biết, để đạt được cái gì đó là rất khó, càng không thể dễ dàng gì có ngay trong lần đầu tiên. Bản thân tôi cũng không hài lòng về buổi diễn thể nghiệm đầu tiên nhưng kế hoạch của chúng tôi còn dài. Đặt chân vào con đường gian nan này thật ra chúng tôi cũng biết là sẽ còn phải sai nhiều, nhưng còn trẻ còn có quyền sai, cứ phải thử chứ. Tôi không sợ sai chỉ sợ yên phận”.

 

Những người trẻ thích “đâm quàng bụi rậm”
Năm nay 24 tuổi và đã học đàn tranh được 11 năm, Dung đã từng chơi đàn trong các quán trà khá nhiều. Đấy là việc mà hầu hết tất cả các sinh viên học viện đều làm. Dung tâm sự: “Có đi biểu diễn như vậy mới thấu hiểu nỗi ngậm ngùi vì bị ghẻ lạnh. Tôi đi biểu diễn phòng trà từ sớm. Đấy là một việc làm, thú thật rất nhàm chán, lặp đi lặp lại, khán giả thì dường như không nghe hoặc nếu có nghe cũng rất miễn cưỡng. Có hôm tôi chơi trong một nhà hàng, khách mải ăn, mải nói chuyện chẳng ai buồn nghe, đến khi mình chơi xong, ôm đàn đi ra xa mới nghe tiếng vỗ tay vọng sau lưng. Những lúc ấy là lúc tôi mong muốn hơn bao giờ hết được chơi những gì mình muốn”. 
Thể loại mà Dung muốn chơi chính là âm nhạc thể nghiệm, là sự sáng tạo không giới hạn với cây đàn tranh. Một lần đi biểu diễn cho một chương trình của NGO, sau khi chơi một số bài dân ca mà không có ai nghe, Dung bèn ứng tấu, chơi ngẫu hứng, thấy khán giả bắt đầu im lặng dần và chăm chú lắng nghe, sau đó họ vỗ tay, Dung cười bảo “tôi nhận ra ngay cả bản thân khán giả cũng thích những gì mới mẻ. Nó khiến họ tò mò. Vấn đề chỉ là, ta có thể thử nghiệm ở mức độ dễ nghe trước rồi khó dần lên, bởi nếu khó nghe ngay từ đầu họ sẽ có phản ứng không tốt và không nghe nữa. Ai cũng biết nhạc thể nghiệm khó nghe và kén người nghe nên chỉ cần, ít nhất, họ im lặng lắng tai nghe thử đã là thành công rồi”.

 Nguyễn Thùy Dung

Cũng như nhiều nghệ sĩ đàn anh, đàn chị khác dấn thân vào con đường nghệ thuật đương đại, không chỉ âm nhạc mà còn hội họa, nghệ thuật trình diễn, sắp đặt và thị giác… Dung xác định làm thể loại nhạc này nghĩa là không có tiền, không thể trông chờ vào những chương trình biểu diễn một tháng đôi lần để sống. Đó là lý do các nghệ sĩ đương đại hiện nay phải làm nhiều công việc khác nhau để nuôi sống bản thân và nuôi sống đam mê. Như Dung chẳng hạn, vẫn ngày ngày chăm chỉ đi dạy đàn, biểu diễn tại các quán trà, “lấy ngắn nuôi dài”. 
Hỏi Dung bước từ khó khăn này (chơi nhạc cụ truyền thống) sang khó khăn khác (nhạc thể nghiệm) chẳng khác nào “đâm quàng bụi rậm”? Dung bảo, mọi thứ đến với ta trong đời đều giống như là cơ duyên, quan trọng là mình thấy thích, muốn làm và dám làm. Chợt nhớ, hôm nọ một nhà báo có mặt trong buổi biểu diễn ca trù đương đại tại ATK đã chia sẻ, “buổi biểu diễn còn non nớt song quan trọng nhất là những nghệ sĩ trẻ ấy dám bước qua rào cản để thể nghiệm. Nghệ thuật cần những người liều lĩnh như họ”.

Tuấn Minh
Bình luận
vtcnews.vn