Bão Sandy và cuộc sống không điện thoại di động

Tổng hợpThứ Ba, 20/11/2012 08:54:00 +07:00

Sau cơn bão Sandy, khi các nhà mạng di động hoàn toàn bị tê liệt, những bốt điện thoại công cộng lại trở thành phương tiện thông tin liên lạc vô cùng hữu ích.

Nếu như trước kia, những chiếc hộp lớn đặt dọc các con đường đã từng là một biểu tượng văn minh của thành phố New York thì khi điện thoại di động trở nên phổ biến, điện thoại trả tiền dần rơi vào quên lãng và cùng với đó, chính quyền các thành phố bắt đầu rục rịch chiến dịch khai tử bốt điện thoại.

Tuy nhiên, không ai ngờ, sau cơn bão Sandy, khi các nhà mạng di động hoàn toàn bị tê liệt, những bốt điện thoại công cộng lại trở thành phương tiện thông tin liên lạc vô cùng hữu ích đối với người dân Mỹ.  



 
Theo hãng chuyên theo dõi các bình luận trên những phương tiện truyền thông xã hội Hootsuite của Canada, thông thường, một từ được nhắc đến khoảng 3000 lần mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông xã hội. Tuy nhiên, trong những ngày qua, có ngày từ “Sandy” được đề cập tới 4,8 triệu lần trên các trang web. Con số này đã phần nào cho thấy mức độ nghiêm trọng cũng như sức tàn phá nặng nề của bão Sandy tại Mỹ.

Với hơn 8 triệu người dân sống tại New York, Mỹ, thành phố của họ bỗng trở nên đảo lộn hoàn toàn chỉ một ngày sau bão Sandy. Sức gió lên tới trên 120 km/giờ đã khiến Sandy trở thành siêu bão lớn nhất đổ bộ vào bờ biển miền Đông nước Mỹ trong nhiều năm qua. Đây cũng được xem là cơn bão gây thiệt hại kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước này với ước tính lên đến hơn 50 tỷ USD. Sau bão Sandy, người dân Mỹ nói chung và đặc biệt là người dân New York đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều thử thách mới như giao thông bất lợi, thiếu điện, thiếu nước, thiếu lương thực và thiếu dịch vụ điện thoại.

Anh Kartik Sankar, một chuyên gia tư vấn công nghệ 29 tuổi, lắc đầu ngao ngán: “Không có nước nóng là một chuyện, giờ chúng tôi còn không có cả sóng điện thoại di động. Thật không còn gì để nói.”



 
Do mất điện cũng như hư hỏng hạ tầng, những hoạt động mà trước khi bão tới được coi là hết sức bình thường như nhắn tin, truy cập Facebook hay gọi điện thoại cố định nay bỗng trở nên thật xa xỉ. Chính vì vậy, để có thể cập nhật thông tin hay hẹn hò ai đó, anh Sankar cũng như nhiều người khác sống ở khu vực West Village tại Manhattan buộc phải trở lại với những hệ thống thông tin cũ kỹ đã có từ cách đây hàng trăm năm.

Nếu xét trên quy mô của cơn bão và những hậu quả nặng nề mà nó gây ra, những khó khăn kể trên của người dân ở Manhattan có lẽ chưa thấm vào đâu nhưng quả thực, chỉ đến khi phải xoay xở với cuộc sống bỗng dưng không có smartphone, người ta mới nhận ra mình đã phụ thuộc vào công nghệ tới mức nào. “Thiếu thông tin thật đáng sợ”, Tay McEvers, 27 tuổi, một nhà sản xuất chương trình truyền hình cho biết. “Bạn có thể nghe được thông tin nước ở đây không đủ an toàn để uống hoặc điện sẽ trở lại trong tuần tới nhưng không có cách nào xác minh được những thông tin đó.”

Trong khi đó, theo Christy Claxton - một phụ nữ 30 tuổi làm việc trong lĩnh vực tiếp thị kỹ thuật số, chị đang phải làm quen với cuộc sống của thời điện thoại di động chưa được khai sinh.

 “Tôi phải lên mọi kế hoạch một cách tỉ mỉ và buộc phải tuân thủ đúng kế hoạch đó. Nó khiến tôi  có cảm giác giống như mình đang trở lại năm 1998, khi tôi còn đi học vậy”

Không có điện, nhiều người đã tìm đến các quán bar để gặp gỡ nhau, uống bia, trò chuyện và trao đổi những thông tin lượm lặt được ở nơi này nơi khác hay sau mỗi chuyến đi khỏi khu nhà tăm tối của mình. Việc thiếu kết nối cũng đã dẫn đến nhiều phiền toái và ức chế không đáng có.

“Trong đêm Halloween, chúng tôi nghĩ rằng mọi người sẽ tập trung ở một quán bar nhưng khi chúng tôi đến đó thì chẳng gặp ai cả,” Steve Juh, một người dân sống ở vùng Lower East Side, kể lại, “Mọi người gửi cho nhân viên pha chế một tờ giấy ghi nơi họ đang ở nhưng chúng tôi không nhận được.”


 
Trên con phố Bleecker Street ở vùng West Village, New York, rất nhiều người dân địa phương và cả những du khách không may gặp bão cùng nhau tụ tập ở quán bar Wicked Willy – nơi chạy máy phát điện cho mọi người thoải mái sạc pin điện thoại, máy tính và thậm chí còn cho cả những khách hàng quen gọi điện thoại cố định miễn phí. Tuy nhiên với một số người, việc hệ thống mạng di động hoạt động trở lại khi có điện khiến họ có một cảm giác thật khó tả. Tất nhiên, ai cũng vui vẻ và yên tâm hơn khi có thể kết nối trở lại với gia đình, bạn bè và bắt đầu cuộc sống bình thường như trước đây song nhiều người cho rằng, việc mất kết nối trong một thời gian ngắn giữa cuộc sống hối hả và hiện đại này hóa ra không phải hoàn toàn là cơn ác mộng.

Chị Amelia Erwitt, một cư dân vùng West Village, chia sẻ, vợ chồng chị thích cuộc sống “offline” trong những ngày vừa rồi - sáng dậy sớm ngắm mặt trời, khám phá khu phố, hỏi thăm bạn bè, soi đèn pin nấu ăn và đi ngủ ngay sau khi mặt trời lặn. Hàng ngày, hai anh chị cập nhật thông tin từ chiếc đài chạy pin cũ kỹ và kiểm tra thư điện tử bằng cách đi bộ qua hai dãy nhà đến một điểm truy cập mạng.

Có lẽ họ cũng sẽ chẳng buồn quan tâm đến điện thoại nếu không có quá nhiều chuông báo tin nhắn hay cuộc gọi đến. Đôi khi, những tin tức mà họ có được đến từ những nguồn rất thú vị. “Tôi đứng xếp hàng 30 phút tại bốt điện thoại công cộng để gọi một cú điện thoại cho bố. Đứng trước tôi là một du khách người Pháp, sau khi gọi điện về nhà, anh ấy quay lại và nói rằng: “Người nhà tôi ở Paris vừa bảo ba ngày nữa chúng ta sẽ có điện”. Mặc dù vậy, Erwitt vẫn phải thừa nhận: “Chúng tôi không rời nhau nửa bước trong năm ngày qua vì tôi sợ sẽ không tìm được chồng. Ai mà biết cuộc sống sẽ ra sao nếu dịch vụ điện thoại di động cứ bị cắt mãi như thế này.”

Anh Juh, một người dân khác cũng cho biết cảm xúc lẫn lộn khó tả của mình: “Thật lạ, thế nào mà cuối cùng tôi lại có cảm giác mình bị lệ thuộc hoàn toàn vào những thiết bị di động này. Hóa ra, đó là thứ tôi mong không bị trục trặc gì nhất, hơn rất nhiều thứ khác.”

Nếu như trước kia, những chiếc hộp lớn đặt dọc các con đường đã từng là một biểu tượng văn minh của thành phố New York thì khi điện thoại di động trở nên phổ biến, điện thoại trả tiền dần rơi vào quên lãng và cùng với đó, chính quyền các thành phố bắt đầu rục rịch chiến dịch khai tửc bốt điện thoại. Tuy nhiên, không ai ngờ, sau cơn bão Sandy, khi các nhà mạng di động hoàn toàn bị tê liệt, những bốt điện thoại công cộng lại trở thành phương tiện thông tin liên lạc vô cùng hữu ích đối với người dân Mỹ.   

Vốn là người rất am hiểu về các loại điện thoại thông minh và máy tính nhưng biên tập viên của một tạp chí – chị Alison Caporimo - lại chưa từng quan tâm đến việc học cách sử dụng điện thoại công cộng. Sức tàn phá ghê gớm của siêu bão Sandy đã biến chiếc smartphone của Caporimo trở nên vô dụng và lúc này, chị buộc phải tìm đến những bốt điện thoại công cộng gần nhà mình.

"Tôi đã mất khá nhiều tiền xu mới biết cách sử dụng điện thoại công cộng. Lúc này, nó trở thành phương tiện cứu giúp rất nhiều người, trong đó có tôi và bạn có thể dễ dàng nhìn thấy hàng dài người đứng chờ tại các trạm điện thoại công cộng.”

Có thể nói, những thảm họa thiên nhiên như bão Sandy đã “minh oan” cho “sự vô dụng của điện thoại công cộng” như nhiều người vẫn nghĩ. Nhờ được lắp đặt kiên cố từ những bộ phận chắc chắn, các bốt điện thoại công cộng vẫn có thể hoạt động bình thường dù quanh đó không có điện hay nước ngập cao. Duy chỉ có điều thử thách lớn nhất lúc này là làm thế nào để các bốt điện thoại không bị quá tải tiền xu.

Theo ông Peter Izzo thuộc hãng viễn thông Van Wagner, bình thường mỗi ngày, số tiền thu được từ một bốt điện thoại công cộng chỉ khoảng 2 đôla Mỹ nhưng bây giờ, con số này lên tới 50 đôla Mỹ. Cũng giống như vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ hồi năm 2001 và cơn bão lịch sử Katrina năm 2005, bão Sandy đã phần nào cho thấy những hạn chế của điện thoại di động. Ngoài việc cần nguồn điện để sạc pin, điện thoại di động sẽ bị vô hiệu hóa nếu bão lớn tàn phá cơ sở hạ tầng viễn thông. Hơn nữa, trong bão, pin điện thoại sẽ bị hao nhanh hơn vì nó phải liên tục tìm bắt tín hiệu. Chính vì thế mà hầu như ngày nào cũng vậy, điện thoại công cộng đã trở thành chủ đề bàn tán của rất nhiều người dân New York.

Thiết bị vốn đang dần chìm vào quên lãng này bỗng chốc được nhắc đến liên tục trong mục hỏi- đáp trên các trang web chính thức của thành phố. Trên thực tế, khoảng 12 nghìn bốt điện thoại công cộng vẫn đang tồn tại ở New York dù con số này đã giảm đi rất nhiều so với 35 nghìn bốt cách đây 20 năm. Theo dự kiến, kể từ tháng 10/2014, lượng bốt điện thoại công cộng tại New York sẽ giảm đáng kể do hợp đồng của 13 đơn vị sở hữu và điều hành điện thoại công cộng sẽ hết hạn.

PV

Bình luận
vtcnews.vn