Tổng Giám đốc VOV: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi

Đời sốngThứ Ba, 01/02/2022 07:00:00 +07:00
(VTC News) -

Ông Đỗ Tiến Sỹ - Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ về tinh thần đoàn kết, nhân ái, nhân văn của dân tộc trong đại dịch COVID-19.

Xin mượn lời một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Lưu Quang Vũ để đặt tiêu đề cho bài viết này. Bài thơ đã cuốn hút tôi ngay từ những khổ thơ đầu tiên. Từ khi đại dịch COVID-19 càn quét cả thế giới, chứng kiến những gì đã diễn ra hơn 2 năm qua, tôi lại càng thêm yêu bài thơ với cảm xúc dâng trào.

Đất nước của sự quật cường, nhân ái

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi

Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục

Đất nước giống như con thuyền xuyên gió mạnh

Những mối tình trong gió bão tìm nhau.

Tổng Giám đốc VOV:  Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - 1

Ông Đỗ Tiến Sỹ - Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Đất nước quật cường của 4.000 năm dựng nước và giữ nước, đổ bao xương máu để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc thời kỳ hiện đại. Đến đại dịch COVID-19, đất nước vẫn giữ nguyên tư thế quật cường của một dân tộc chưa bao giờ chịu khuất phục trước mọi gian lao, khó nhọc, như anh Lưu Quang Vũ ví “Đất nước giống như con thuyền trong gió mạnh”.

Và vẫn nguyên vẹn truyền thống, mỗi khi đất nước gặp gian nguy, tinh thần đoàn kết, nhân ái, nhân văn của dân tộc chúng ta lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chúng ta đã chứng kiến trong đại dịch COVID-19 tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái rõ rệt thế nào. Lời kêu gọi, hiệu triệu chung tay chống dịch của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm nức lòng đồng bào. Cả đất nước đồng lòng hướng về TP.HCM, nơi đại dịch hàng ngày, hàng giờ cướp đi bao sinh mạng con người.

Gió và tình yêu chính là hiện thân của tình đoàn kết, nhân văn, tương thân tương ái từ ngàn đời của dân tộc, đất nước này

Ông Đỗ Tiến Sỹ

Những lá đơn tình nguyện viết vội tràn đầy khí thế, quyết tâm lao vào tâm dịch góp sức cứu đồng bào. Những sáng kiến, những tấm lòng chứa chan tình cảm góp phần giúp nhiều người không bị đói. Chiếc áo ướt đẫm mồ hôi của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi đi sâu đi sát kiểm tra công tác chống dịch của chính quyền địa phương nơi tâm dịch… Những cuộc vận động liên tục, chuyến đi ngoại giao vaccine của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội…

Tất cả đã được Lưu Quang Vũ gói vào câu thơ từ rất lâu trước đó: “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi/ Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục”. Gió và tình yêu chính là hiện thân của tình đoàn kết, nhân văn, tương thân tương ái từ ngàn đời của dân tộc, đất nước này.

Với bao nỗ lực, hy sinh của các lực lượng tuyến đầu và cả nước, đại dịch cơ bản được kiểm soát cũng là lúc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Mục tiêu là “Bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.”

Thay đổi, thích ứng, vươn lên

Với những gì đang diễn ra trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 128, có thể thấy “trạng thái bình thường mới” là cuộc sống mà ở đó các hoạt động, hành vi, thói quen được thay đổi để thích ứng với mục tiêu kép “vừa chống dịch, đảm bảo an toàn sức khoẻ nhân dân; vừa phát triển kinh tế xã hội”.

Theo tôi, “trạng thái bình thường mới” có những đặc điểm như sau: 1. Người dân thay đổi trong hoạt động, hành vi, thói quen hàng ngày. 2. Doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng. 3. Sẵn sàng cho những kịch bản khi xuất hiện những dịch bệnh nguy hiểm tiếp theo.

Điều dễ nhận thấy là cuộc sống đời thường của chúng ta đã thay đổi rất nhiều từ 2 năm qua. Ra đường, bất cứ ai đều không quên đeo khẩu trang. Khẩu trang đã trở thành vật bất ly thân đối với hầu hết mỗi chúng ta tự lúc nào. Những hoạt động, hành vi, thói quen đời thường cũng không còn như trước đây nữa.

Chúng ta ít gặp gỡ, tiếp xúc, thăm hỏi nhau hơn. Thú vui với cốc bia hơi bên bạn bè giờ trở thành dĩ vãng. Nhiều địa điểm vui chơi ồn ào náo nhiệt trước đây đã biến mất, thay vào đó là sự vắng lặng, đìu hiu. Những chuyến du ngoạn từng là thói quen của nhiều người bỗng chốc chỉ còn là những ước mong… Nhưng bù lại, đại dịch đã làm cho ngôi nhà trở nên gần gũi hơn, gắn kết các thành viên trong gia đình hơn.

Chúng ta bắt đầu quen với thuật ngữ “làm việc online”, “họp online”, “tổ chức sự kiện online”, “dạy và học online”… Nhiều người từ không biết đến máy tính nay đã sử dụng thành thạo phương tiện này do yêu cầu công việc, học tập. Hơn 2 năm qua, học sinh và giáo viên gần như không được đến trường mà phải dạy và học qua các nền tảng mạng. Lẽ dĩ nhiên là việc dạy và học online không thể cứ kéo dài mãi, và việc dạy học theo cách này đã bắt đầu gây ra nhiều hệ luỵ xấu.

Tuy nhiên, mặt tích cực của dạy học online là học sinh và giáo viên đều nắm được kỹ năng học mọi nơi, mọi lúc, tạo tiền để tích cực cho phương pháp học tập suốt đời.

Trong gian khó, không khoanh tay bất lực mà ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp Việt thể hiện bản lĩnh vững vàng, chủ động đương đầu với khó khăn, thử thách; sáng tạo, linh hoạt thay đổi thích ứng với hoàn cảnh để vươn lên, chung tay đồng hành cùng cả nước chống dịch. Những tập đoàn kinh tế lớn của đất nước như Vingroup, Sungroup, T&T… đã đóng góp cả ngàn tỷ mỗi tập đoàn thông qua việc mua sắm trang thiết bị, lập bệnh viện dã chiến, đóng góp tiền mặt khi cuộc chiến chống dịch đang ở tình thế “nước sôi lửa bỏng” nhất.

Đó là "ATM oxy" của Tập đoàn Thành Thành Công cung cấp oxy miễn phí cho hơn 400 trạm y tế lưu động, tương đương với việc hỗ trợ oxy miễn phí cho khoảng 4.000 bệnh nhân COVID-19 mỗi ngày. 

Đó là “ATM gạo” của hãng Khóa điện tử PHG tại TP.HCM, mỗi ngày phát hàng tấn gạo tới tay người nghèo. Đó là sự xuất hiện của hàng loạt "siêu thị mini 0 đồng” cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu khiến người dân vô cùng xúc động. Chủ nhân của ý tưởng này là doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Gian khó không thể quật ngã được doanh nghiệp Việt mang tinh thần quật cường của dân tộc. Càng gian khó, doanh nghiệp càng đổi mới, sáng tạo, thích ứng với hoàn cảnh.

Khi đại dịch càn quét, những khu du lịch khổng lồ, nổi tiếng của Sungroup vắng bóng khách cũng là lúc doanh nghiệp này chuyển hướng sang bất động sản. Tập đoàn này tận dụng thời gian giãn cách để nâng cao văn hóa doanh nghiệp, tăng cường gắn kết nội bộ bằng nhiều phong trào thi đua, đào tạo nâng cao chất lượng nhân sự. Điều này, trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp khó có đủ thời gian làm được. Và họ đã gặt hái quả ngọt.

Còn Vingroup thì tập trung sản xuất xe điện với thời gian nhanh nhất để đưa ra thế giới những mẫu xe được đánh giá là không kém cạnh so với những đối thủ sừng sỏ, có hàng trăm năm kinh nghiệm trên thương trường quốc tế. Không còn nhiều nguồn khách, Vietnam Airlines chuyển sang chuyên chở hàng hoá. Nhờ đó mà doanh nghiệp này vẫn duy trì được dòng tiền chờ thời điểm sáng sủa hơn.

Theo thông tin báo chí, ngay cả lúc cao điểm nhất của dịch bệnh, T&T Group vẫn liên tiếp ghi dấu ấn trên thương trường với hàng loạt hoạt động sản xuất kinh doanh nổi bật như: Khánh thành và đưa vào vận hành 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 245 MWp; khởi công hàng loạt dự án bất động sản quy mô lớn trên toàn quốc; thông qua phương thức làm việc trực tuyến đàm phán, ký kết hợp đồng với nhiều đối tác lớn trên thế giới để nhập khẩu điều thô và thức ăn chăn nuôi, giúp ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước… Doanh nghiệp này vững vàng “biến nguy thành cơ”.

Phải thay đổi hành vi, thói quen đã đi sâu vào tiềm thức quả thực không dễ dàng gì. Ngay như việc đơn giản là phải đeo khẩu trang mọi lúc, mọi nơi khiến chúng ta luôn cảm thấy gò bó, khó chịu. Đặc biệt là với những gương mặt đẹp, phải được tự do khoe sắc cho đời thì việc luôn phải khẩu trang quả thực là cực hình. Không phải doanh nghiệp nào cũng thích ứng và thay đổi nhanh chóng như Vingroup, Sungroup, T&T… Đặc biệt là với doanh nghiệp thuần kinh doanh về du lịch - ngành chịu ảnh hưởng toàn diện, nặng nề nhất từ đại dịch giống như Viettravel thì việc chuyển hướng, thích ứng là cực kỳ khó khăn.

Tuy nhiên, mỗi cá nhân, tổ chức chúng ta cần phải thay đổi, phải thích ứng để chờ đón tương lai tươi sáng đang rất gần ở phía trước, khi mà đại dịch được kiểm soát. Chúng ta đang thấy điều này ở TP.HCM. Những đau thương, mất mát đang lùi lại phía sau, nhường chỗ cho cuộc sống mới, đầy hối hả, tấp nập, tiếp nối dòng chảy không dứt như nó vốn có ở thành phố này. 

Những câu thơ trong “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” của Lưu Quang Vũ như dự cảm về thời điểm này lại vang lên trong tôi. Đất nước còn bộn bề vất vả, lo toan vì dịch bệnh, nhưng vẫn hiên ngang vượt sóng gió.

Dẫu đêm nay ngọn gió mùa hè

Còn bề bộn một vùng gạch ngói

Lịch sử quay những vòng xoáy gian nan

Đất nước tôi như một con thuyền

Lướt trên sóng những ngực buồm trắng xoá.

Đỗ Tiến Sỹ(Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp