Tổng giám đốc Vicoland: "Không chịu chơi chỉ tân thời"

Kinh tếThứ Sáu, 11/11/2011 06:18:00 +07:00

(VTC News) - Tự nhận mình không phải là người "chịu chơi", chỉ "tân thời", biết hưởng thụ thành quả bằng sức lao động của bản thân mình và sống hợp thời thế.

(VTC News) - Tự nhận mình không phải là người "chịu chơi", chỉ "tân thời", biết hưởng thụ thành quả bằng sức lao động của bản thân mình và sống hợp thời thế.

Là người đầu tiên xây nhà ở cho người thu nhập thấp (TNT), anh Bùi Đức Long, Tổng giám đốc Cty cổ phần tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland (trước đây là Cty Vincon) luôn tâm niệm “làm vì cái Tâm nên phải làm thế nào tạo ra được những căn nhà mà người mua mua được”.

Sinh năm 1975, ở tuổi 36, anh Bùi Đức Long hiện đang điều hành tập đoàn gồm 7 công ty thành viên chuyên đầu tư, xây dựng & kinh doanh bất động sản. Trong lúc thị trường bất động sản đang trầm lắng, PV VTC News đã có cuộc trò chuyện với vị Tổng giám đốc trẻ tuổi này về những hướng đi mới, nhằm đưa sản phẩm đến tay khách hàng.


Làm nhà thu nhập thấp khó lắm

- Chính phủ ban hành Nghị định 11 về nhà ở xã hội, nhưng sau 10 năm chương trình đó không thực hiện được (trong 10 năm đó, ở TPHCM mới xây được hơn 200 căn, Hà Nội không xây được căn nào), điều gì khiến anh quyết định “dấn thân” vào lĩnh vực không ai muốn làm này?

- Tôi quyết định làm nhà TNT vì đây là một trong những chương trình nhà ở xã hội. Vicoland là đơn vị tiếp cận đầu tiên với nhà TNT, nhưng với những chính sách hỗ trợ như trong quyết định 67 của Thủ tướng, chương trình này sẽ rất khả thi, phù hợp với đa số tầng lớp nhân dân, chương trình này đã triển khai ở một số địa phương.

Bất động sản Việt Nam còn non trẻ, các khu đô thị mọc lên nhan nhản, ai cũng lao vào bất động sản thương mại giá cao để kiếm lợi nhuận nhanh, nên bỏ qua mảng nhà ở xã hội.

Khi quyết định làm nhà TNT, tôi cũng đã nghiên cứu lĩnh vực nhà ở xã hội nhưng khó thực hiện vì không có nhóm khách hàng và chương trình cụ thể. Nhưng nhà TNT thì lại có.

Trước kia, Nhà nước định hình nhà ở xã hội chỉ giao cho doanh nghiệp Nhà nước và dùng vốn địa phương, chưa kêu gọi doanh nghiệp tự bỏ vốn ra làm. Quy định 67 đã lấp được các khiếm khuyết này.

Nhưng đến thời điểm này vẫn còn nhiều bế tắc. Vì chỉ có việc giao đất không tính tiền, thì doanh nghiệp cũng không tính tiền đất vào giá thành, nên chuyện đó là chuyện đương nhiên, chứ không phải là ưu đãi. Còn chính sách thuế, hỗ trỡ lãi vay, phê duyệt danh sách vẫn rất vướng.

Lúc công bố quyết định 67, có gần 300 doanh nghiệp đăng ký làm nhà ở xã hội với 370 dự án. Nhưng đến giờ, mới chỉ có hơn 30 dự án khởi công và một vài dự án hoàn thành, tức là có khoảng 1.700 căn hộ đựơc tung ra thị trường. Như vậy so với con số đăng ký và nhiều người kỳ vọng thì vẫn còn rất nhỏ, còn rất nhiều khó khăn.

- Còn nhiều khó khăn, nhưng anh vẫn “lao” vào làm?

- Công ty tôi khi định hướng sang nhà TNT là đã có chiến lược, nhưng thực ra muốn làm để nhân rộng mô hình được thì Nhà nước phải có sự hỗ trợ, để chuyển qua mô hình nhà ở giá rẻ.

Vicoland đang làm mô hình nhà thương mại giá rẻ cũng rất thành công. Với diện tích từ 50 – 70 m2, giá khoảng 500 triệu đồng trở lại, đây là sản phẩm rất thích hợp đến đúng người tiêu dùng. Thị trường hiện tại tuy trầm lắng, nhưng phân khúc này vẫn tiêu thụ được, hơn nữa, nó vừa làm thanh lọc thị trường đầu cơ, vừa làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, ở TP.HCM dễ làm hơn vì có quỹ đất, phát triển đều theo 4 mặt: Đông – Tây -  Nam - Bắc đồng đều, không có hướng trọng tâm. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng dàn trải ra làm thuận lợi hơn.

Ở Hà Nội thì khác, khi có trục trung tâm nào là các nhà đầu tư đổ xô về đó đầu tư, nên có một số thị trường như Hà Đông hay trục Ba Vì có thởi điểm đất “sốt” lên một cách chóng mặt. Tức là quy hoạch có vấn đề.

Lợi nhuận giảm, chứ lỗ thì không

- Làm nhà TNT, anh có sợ lỗ không?

- Thật ra, công ty tôi có cơ cấu khác các công ty khác. Chúng tôi có đến 11 đơn vị thành viên, trong đó cơ cấu là 30% đơn vị tự xây lắp, 70% là đầu tư. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cơ cấu lại: 50% đầu tư, 50% xây lắp.

Vì vậy, đối với các dự án mà Vicoland thực hiện thì chính các đơn vị thành viên sẽ thực hiện, chứ không cần thuê đơn vị ngoài. Với mô hình vòng quay khép kín này, lợi nhuận có thể giảm nhưng lỗ thì chắc chắn là không.

Khó nhất bây giờ là cơ chế chính sách, trong thời điểm này tắc đủ thứ như người dân không được vay nguồn vốn giá rẻ để mua nhà, nếu hộ dân bỏ 100% mua căn hộ của mình thì đâu là TNT nữa, nhưng nếu đi vay ngân hàng với lãi suất 20% thì cũng không phải là nhà TNT. Doanh nghiệp mà vay vốn cao để làm thì cũng không phải TNT.

Như vậy, nếu tôi làm có Tâm, thì không thể bán sản phẩm như vậy, vì bắt  người mua phải tiền 1 lần, nó không phải nhà theo tiêu chí nhà giá rẻ nữa mà phải có tiền mới mua được.

Thứ 2, Nghị quyết 11 của Chính phủ đã khiến cho tất cả các ngân hàng hầu như đóng băng, không cho vay bất động sản. Đặc biệt, thời gian gần đây, Chính phủ đang tái cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống ngân hàng.

Thú thực, tôi đang rất đau đầu những dự án đang triển khai chậm tiến độ bàn giao cho người dân. Thực ra nhu cầu nhà ở giá rẻ của người dân rất lớn, kinh tế càng khó khăn, thì nhu cầu có chỗ ở tốt lại càng cần thiết.

Nhà TNT nhưng chất lượng không thấp

- Thị trường đang trầm lắng, vậy Vicoland có hướng đi mới nào không?

- Ngay từ ban đầu, công ty tôi đã có chiến lược làm nhà giá rẻ, đến giờ vẫn kiên quyết bám theo định hướng này. Công ty vẫn làm bất động sản, nhưng sẽ nghiên cứu mô hình, cách làm theo thị trường.

Giai đoạn này, theo tôi nên tích lũy quỹ đất, vì giá đất đang đi xuống. Thứ hai là tập trung để đưa ra một sản phẩm trong thời kỳ khủng hoảng, thắt chặt tín dụng vẫn bán được.

Tuy nhiên, bây giờ thì phải đón đầu vì có những thông tin Nhà nước tái cơ cấu ngân hàng nên ngân hàng phải sắp xếp lại. Do đó, công ty tôi cũng phải cơ cấu lại kế hoạch của mình.

- Anh đánh giá thế nào về thị trường bất động sản năm nay?

- Năm nay khó khăn hơn nhiều so với các năm trước. Năm 2008, tuy khó khăn, nhưng sản phẩm nhà giá rẻ được hỗ trợ gói lãi suất 4% của Chính phủ. Năm nay, trong thời kỳ khó khăn như thế này, nhưng chưa gói hỗ trợ nào cho doanh nghiệp.

- Nhà TNT, giá rẻ, liệu chất lượng có tốt không?

- Để trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ các bạn phải đi thăm quan mô hình nhà ở xã hội ở Trung Quốc, thì mới thấy mô hình nhà TNT ở Việt Nam tốt hơn nhiều. Người tiêu dùng cũng nên thay đổi quan điểm “nhà TNT thì chất lượng thấp”.

Khi làm dự án phải theo các quy trình của Bộ Xây dựng, có định mức, có quy trình và kiểm tra theo tiêu chuẩn.

Chất lượng không chỉ là xem căn nhà vôi vừa thế nào, theo tôi chất lượng còn là xét xem cộng đồng sống ở đó như thế nào. Nhà TNT chủ yếu dành cho cộng đồng dân cư có thu nhập, là người trí thức. Đồng lương của họ đảm bảo họ có thể trả góp tiền mua nhà trong một khoảng thời gian nhất định.

Tôi không mê tín

- Anh có mê tín không?

- Tôi không mê tín dị đoan nhưng mảng Phật pháp hay những điều tâm linh ông bà trước dạy sao thì mình phải theo thế.

- Làm bất động sản thường phải kiêng kỵ nhiều thứ, anh thì kiêng gì?

- Tôi có 2 điều tối kỵ phải kiêng khi làm bất động sản là động chạm tới mồ mả và chùa chiền. Các đơn vị thành viên trong công ty, làm chỗ nào liên quan đến mồ mổ, chùa chiền là không bao giờ làm.

- Anh sinh năm 1975, vậy tính ra năm nay là “năm tuổi”. Người ta thường nói “năm tuổi” thì hay gặp nạn,  anh có lo không?

- Tôi nghĩ mỗi năm mình trưởng thành hơn, thì cũng phải khó khăn hơn, chứ không phải vì là “năm tuổi” mà khó khăn hay không khó khăn.

Ngay từ thời học đại học, tôi đã đặt cho mình chỉ tiêu là phải vượt lên chính mình, càng khó khăn càng phải tháo gỡ. Ai đó quan niệm năm tuổi thì khó khăn, hoạt động chậm lại. Anh thì khác.

- Anh có đi xem bói không?

- Không. Tôi bên Phật, chỉ đi chùa.

- Vậy năm nay anh đã gặp xui xẻo nào chưa?

- Chưa. Tôi mới chỉ có một số công trình chậm tiến độ, lỡ hẹn bàn giao nhà cho dân. Đấy là cái đang khiến tôi trăn trở.

“Chịu chơi” là thế nào? Tôi chỉ “tân thời”!

- Người ta thường đồn nhau, các Tổng giám đốc công ty bất động sản rất “chịu chơi”, anh thì sao?

- Tôi chưa hiểu khái niệm chịu chơi hay không chịu chơi là như thế nào. Trong cuộc sống cũng như ra thương trường là phải hòa đồng, tôi cũng như mọi doanh nhân khác, phải chăm chỉ làm, chăm chỉ hưởng thụ, bằng cách này, cách nọ, mình cũng phải tân thời, chứ không thể cổ lỗ quá.

- “Tân thời”? Cụ thể anh “tân thời” như thế nào?

- Như tôi có chơi golf, trước kia chưa có phong trào, thì tôi không chơi, nhưng giờ thì chơi, một phần vì ngoại giao, nhưng đây cũng là môn thể thao tốt cho sức khỏe. Rồi ăn, mặc, xe cộ cũng phải theo thời thế.
 
- Xin cảm ơn anh!


Nguyễn Yến




Bình luận
vtcnews.vn