Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT: 'Chấn chỉnh bóng đá chuyên nghiệp cần cả hệ thống vào cuộc'

Thể thaoThứ Ba, 28/02/2017 08:48:00 +07:00

Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng thừa nhận vòng nào Tổng cục, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cùng Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đều “run lên”, “mệt quá đi mất”, vì sợ lại xảy ra sự cố.

V-League trải qua 7 vòng đấu nhưng chưa có cuối tuần, bóng đá Việt Nam được hít thở bầu không khí yên ả. Sau đây là cuộc phỏng vấn của TTVH với Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng. 

- Ngày 24/2 vừa qua là đến hạn Tổng cục, VFF phải gửi báo cáo giải trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao&Du lịch (VH, TT&DL) liên quan đến sự cố Long An “đình công”, liên qua đến hoạt động bóng đá nội đang gây bức xúc dư luận. Xin ông cho biết báo cáo đã gửi chưa, nội dung thế nào?

- Cuối tuần qua, VFF đã gửi báo cáo lên Bộ VH.TT&DL. Riêng Tổng cục cũng gửi một báo cáo riêng. Thực ra đây là hoạt động báo bình thường như nhiều lần trước đây. Nội dung chủ yếu liên quan đến những án phạt kỷ luật dành cho Long An mà thôi.

Có những việc chỉ xử lý nội bộ và phạm vi hẹp thôi. Có những bất cập trong bóng đá đã tồn tại rất lâu, không thể xử lý nhanh chóng được.

Chan-chinh-bong-da-chuyen-nghiep-can-ca-he-thong-vao-cuoc

Hình ảnh đáng xấu hổ của V-League 2016. 

Ví dụ vấn đề đạo đức, văn hóa, ý thức, thái độ, tính chuyên nghiệp của cầu thủ đang đi xuống, nó khởi nguồn do từ lâu các địa phương chỉ chú trọng đến năng khiếu, đến tài đá bóng mà thôi. Việc một số trung tâm gần đây đã quan tâm hơn đến việc dạy văn hóa cho cầu thủ, chúng ta có thể thấy sự khác biệt trong thái độ, hành vi của cầu thủ đó.

- Trong những tồn tại của bóng đá chuyên nghiệp qua 17 năm, nhức nhối nhất vẫn là công tác trọng tài, ông đánh giá năng lực trọng tài Việt Nam thế nào?

Tôi không phủ nhận trình độ chuyên môn của trọng tài nội còn yếu kém. Có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ do sự thay đổi các thế hệ trọng tài diễn ra thường xuyên. Công tác đào tạo bị đứt đoạn. Cho nên dẫn đến bản lĩnh, kinh nghiệm và trình độ còn non.

Một bộ phận trọng tài tư tưởng có vấn đề. Những hạn chế đó Tổng cục thường xuyên nhắc nhớ VFF quan tâm.

Nhưng có lý do khách quan chúng ta cần chia sẻ với đội ngũ trọng tài, về chuyên môn bóng đá chuyên nghiệp cũng có nhiều tiến bộ, như tốc độ trận đấu tăng lên, tính quyết liệt, cạnh tranh cao nên trọng tài rất dễ mắc những sai phạm.

Năm ngoái VPF mời trọng tài ngoại sang, tôi có xem một số trận thấy họ cũng sai rất sơ đẳng. Chỉ có điều ai cũng thừa nhận họ vô tư, trong sáng  nên không bị chỉ trích mà thôi. Đấy là điều trọng tài nội cần suy nghĩ.

Trọng tài Nguyễn Trọng Thư trong vòng vây cầu thủ và lãnh đội Long An trên sân Thống Nhất. Ảnh Liêm: Hồ 

- Bóng đá chuyên nghiệp đã bước sang tuổi 17 nhưngvẫn phát triển chậm, nhiều bê bối, rõ ràng cần chấn chỉnh mạnh mẽ. Như trên ông đã nói, có những bất cập trong bóng đá đã tồn tại rất lâu, không thể xử lý nhanh chóng được. Phải chăng cần một “Hội nghị Diên Hồng bóng đá”?

(Cười!). Câu hỏi này thì thôi, cho tôi xin khất.

van-dong-vien-cung-la-nguoi-lao-dong-tai-sao-thieu-bhyt

 

Chấn chỉnh nền bóng đá nói chung và bóng đá chuyên nghiệp nói riêng phụ thuộc vào cả một hệ thống vào cuộc.

Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng

Thực ra chúng tôi  vẫn theo dõi các ý kiến góp ý, phản biện, hiến kế của mọi thành phần xã hội trên các phương tiện truyền thông, trên dư luận. Phía Tổng cục rất tiếp thu. Tuy nhiên, việc chấn chỉnh nền bóng đá nói chung và bóng đá chuyên nghiệp nói riêng phụ thuộc vào cả một hệ thống vào cuộc.

- Về phía VFF, các ban chuyên môn cũng như Ban lãnh đạo VFF cần phải nhận thức những vấn đề, tồn tại, hạn chế gì của mình cần sửa. VPF hạn chế ở những mặt nào? Trách nhiệm nào thuộc về các tổ chức thành viên, như các liên đoàn bóng đá địa phương...

Mọi người hay nghĩ VFF là của anh Lê Hùng Dũng và các thành viên trong Thường trực. Thực ra VFF là tổ chức bao gồm các tổ chức thành viên, khoảng trên dưới 70 thành viên, trong đó có các CLB cấu thành, chứ không chỉ có mấy anh đứng đầu VFF.

Các thành viên trong tổ chức VFF đều phải nhận thức và ý thức trách nhiệm với Liên đoàn.

Tôi lấy ví dụ, nếu anh Dũng ra văn bản yêu cầu CLB chú trọng nâng cao đạo đức cầu thủ, hay vấn đề thế này, thế kia, nhưng các CLB không thực hiện nghiêm túc thì cũng chịu.

Ban lãnh đạo của VFF là Ban chấp hành (BCH) gồm các ủy viên, BCH là cao nhất giữa hai kỳ đại hội, các Ủy viên phải ý thức cao nhất, trách nhiệm cao nhất trong công cuộc chấn chỉnh, xây dựng nền bóng đá.  

Các Ủy viên không thể tư duy kiểu tôi là Ủy viên BCH VFF nhưng tôi chỉ biết bảo vệ quyền lợi CLB tôi, còn lại là việc của thiên hạ.

Video: Thủ môn Minh Nhựt xin lỗi người hâm mộ sau hành xử tệ hại trên sân Thống Nhất

Các tổ chức thành viên hàng năm có Đại hội thường niên, phải có những ý kiến phê phán, phản biện những gì  VFF chưa làm được, nhưng cũng cần có ý kiến xây dựng. Đặc biệt, bản thân mình phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp quy.

Chứ CLB nào cũng chỉ nghĩ cho CLB mình, lúc nào cũng sẵn sàng phản ứng thiếu chuyên nghiệp, thì không thể phát triển bóng đá chuyên nghiệp đúng nghĩa.

Tóm lại, tất cả một hệ thống đang tham gia hoạt động bóng đá phải chuyên nghiệp, thì tự khắc nền bóng đá sẽ có sự thay đổi.

Mỗi mùa giải đều nảy sinh những tồn tại mới, mâu thuẫn mới,  VFF và cơ quan quản lý nhà nước sẽ có trách nhiệm giải quyết.

- Vai trò quản lý nhà nước của Tổng cục với VFF có “thuận buồm, xuôi gió” không, thưa ông? Có ý kiến cho rằng  VFF luôn lấy “bình phong” là những Quy định  của FIFA ra che đỡ những hạn chế, khi bị cơ quan quản lý yêu cầu chấn chỉnh.

VFF là thành viên của FIFA nên những Quy định của FIFA mình phải tuân thủ. Tôi nhấn mạnh quy định thôi chứ không phải “bình phong”.

Nhưng dù luật FIFA  hay luật của Việt Nam chắc chắn đều đều ủng hộ cho cái đúng, cái đẹp, cái nhân văn, cao cả... Tổng cục tôn trọng hoạt động chuyên môn của VFF, nhưng có vai trò định hướng, tham gia cùng VFF một số vấn đề để  bóng đá không đi lệch chuẩn. Ví dụ, yêu cầu phải xử lý mạnh tay các hành vi coi thường khán giả, các dạng tiêu cực, bóng đá bạo lực...

- Dư luận đang rất quan tâm đến động thái của các lãnh đạo VFF, như  sức khỏe Chủ tịch Lê Hùng Dũng, như ông Đoàn Nguyên Đức không còn dành nhiều thời gian cho công việc ở VFF, rồi VFF thực sự chưa đoàn kết...

Cá nhân tôi cũng  thường xuyên trao đổi với các anh bên VFF, và có thể nói rằng sức khỏe anh Dũng đã tốt lên rồi. Việc anh Dũng do VFF quyết định. Nếu thấy đủ sức khỏe, đảm đương nhiệm vụ thì VFF tự chủ  mà quyết.

Còn thời gian dành cho công việc ở mức độ nào thì VFF cần điều chỉnh cho phù hợp, nhưng tôi thấy anh nào cũng bận, mỗi người mỗi việc thực ra các anh cũng có nhiều đóng góp nhiều cho nền bóng đá, cũng vô tư, tốt đấy chứ không này nọ đâu.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Bình luận
vtcnews.vn