Tổng cục Thuế phản hồi thông tin buông lỏng kiểm soát thuế với hộ kinh doanh

Kinh tếThứ Ba, 11/12/2018 07:42:00 +07:00

Trước thông tin cho rằng ngành Thuế đã bỏ sót hơn nửa triệu hộ kinh doanh không đưa vào diện quản lý thuế, đại diện Tổng cục Thuế cho biết đó là con số chênh lệch giữa số liệu điều tra thống kê và số quản lý của cơ quan thuế, không phải do ngành thuế buông lỏng quản lý.

Theo Tổng cục thuế, sự khác nhau về số hộ kinh doanh là do tiêu chí thống kê và tiêu chí quản lý thuế khác nhau. Việc một số báo đăng cơ quan thuế đưa vào tầm ngắm các cá nhân kinh doanh tự do như xe ôm, quán cóc, bán ở vỉa hè…là chưa chính xác gây hoang mang cho người dân.

27_12

Một hộ kinh doanh trên đường Trần Phú - TP.Đà Nẵng. (Ảnh: NM) 

Có sự khác nhau về số hộ kinh doanh là do sự khác nhau về tiêu chí thống kê và tiêu chí quản lý thuế

Theo bà Lan, mục tiêu của việc thống kê là để nhằm đánh giá sự phát triển về lao động, thu nhập trong dân cư, từ đó xác định mức độ đóng góp vào GDP, cơ cấu và sự phân bổ theo địa bàn, ngành nghề của thành phần kinh tế. Do đó, bất cứ thành phần dân cư nào có phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ có phát sinh thu nhập, dù là chỉ đủ nuôi sống bản bản thân và gia đình cũng thuộc diện được tính vào điều tra thống kê.

Trong khi đó, tiêu chí quản lý của cơ quan thuế là những đối tượng thuộc diện chịu thuế theo Luật thuế. Ngoài ra, vì tính hiệu quả trong công tác quản lý thuế, ổn định tình hình kinh tế, chính trị - xã hội, đặc biệt là trong điều kiện số lượng hộ kinh doanh quá lớn, nhân lực ngành thuế có hạn, thì việc quản lý thuế hiện nay chủ yếu tập trung vào các hộ kinh doanh có tính thường xuyên, ổn định, quy mô lớn và vừa, các hộ kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp.

“Đối với nhóm hộ kinh doanh quy mô nhỏ, chỉ đủ bù đắp cuộc sống bản thân và gia đình, cơ quan thuế chưa đưa hết vào diện quản lý như: cá nhân tại các làng nghề truyền thống; cá nhân làm nghề xây dựng tư nhân; cá nhân kinh doanh không thường xuyên tại chợ tạm, chợ cóc, các khu vực giải tỏa, vỉa hè; cá nhân làm nghề xe ôm, bốc vác, làm thuê trong lúc nông nhàn tại bến xe, bến tàu, đầu đường; cá nhân kinh doanh lưu động trên đường phố như các xe hàng rong, gánh hàng rong; hộ kinh doanh có hoạt động tại nhiều địa điểm trong cùng địa bàn mà cơ quan thuế chỉ đang tính là một hộ kinh doanh; các hộ kinh doanh có tính chất thời vụ tại thời điểm điều tra thống kê; cá nhân làm nghề giúp việc gia đình”, bà Lan nói.

Ngoài ra, việc rà soát số liệu chênh lệch với cơ quan thống kê cũng sẽ gặp nhiều khó khăn như thời điểm điều tra thống kê đã qua (thời gian tổng điều tra thống kê là từ năm 2017), có nhiều hộ mới ra kinh doanh nhưng cũng có nhiều hộ đã ngừng hoạt động, có nhiều hộ không tìm thấy tại địa chỉ điều tra thống kê.

Rà soát để xác định doanh thu, đưa vào diện quản lý

“Việc rà soát và đưa vào diện quản lý chỉ bao gồm các hộ kinh doanh có địa điểm cố định, thường xuyên, nếu hộ kinh doanh có mức doanh thu trên 100 triệu/năm thì cơ quan thuế mới ra thông báo để yêu cầu nộp thuế. Đối với các trường hợp hộ kinh doanh quy mô nhỏ, không thường xuyên việc rà soát chỉ nhằm mục đích đưa vào diện quản lý để có cơ sở giải trình số liệu chênh lệch với số liệu của cơ quan thống kê”, bà Lan nói.

Cũng theo bà Lan, công tác rà soát này là một trong những công việc thường xuyên của cơ quan thuế, đặc biệt vào những dịp cuối năm dương lịch để chuẩn bị cho kỳ lập Bộ thuế khoán và công khai thông tin đối với hộ kinh doanh của năm tiếp theo.

“Việc thực hiện công khai thông tin hộ khoán thuộc diện quản lý thuế nhằm mục đích tăng cường khả năng giám sát của người dân, các hộ kinh doanh cùng địa bàn, chính quyền địa phương, qua đó cơ quan thuế có thể nhận được các ý kiến phản hồi, phát hiện hộ kinh doanh chưa đưa vào quản lý và ngăn chặn sự thỏa thuận ngầm (nếu có) giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh”, bà Lan nói.

Theo quy định hiện hành, quy trình ấn định thuế và các hình thức công khai thông tin như sau: căn cứ trên tờ khai và cơ sở dữ liệu quản lý của cơ quan thuế để ấn định doanh thu và mức thuế khoán. Doanh thu và mức thuế khoán sẽ được công khai lần 1 (từ 20 - 31/12 hàng năm) và công khai lần 2 (chậm nhất là ngày 30/1 và thời gian duy trì công khai đến hết năm).

Các hình thức công khai bao gồm: Dán niêm yết tại cơ quan thuế, hội đồng nhân nhân, chợ; gửi danh sách toàn bộ hộ kinh doanh tại địa bàn tới Hội đồng nhân dân và mặt trận tổ quốc quận, huyện thị xã; gửi trực tiếp đến từng hộ kinh doanh danh sách 200 hộ kinh doanh cùng địa bàn, cùng ngành nghề; công khai toàn bộ tình hình quản lý thuế đối với hộ kinh doanh trên toàn quốc trên website ngành thuế.

Để phục vụ cho công tác chỉ đạo lập Bộ thuế hộ kinh doanh năm 2019, trong công tác chỉ đạo thường xuyên, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục có yêu cầu các cơ quan thuế địa phương thực hiện việc rà soát tại địa bàn quản lý, tăng cường công khai thông tin, phối hợp với chính quyền địa phương, hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn để đưa vào diện quản lý đối với những hộ kinh doanh ổn định, thường xuyên, đảm bảo mục tiêu quản lý thuế và chống thất thu đối với những hộ có quy mô kinh doanh lớn.

Ngoài ra, để thực hiện vai trò chỉ đạo và giám sát trong toàn ngành thì Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục tập trung rà soát và nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo có cơ sở dữ liệu để thực hiện quản lý hộ kinh doanh theo rủi ro, đồng thời rà soát thông tin công khai trên website ngành thuế, qua đó phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những cơ quan thuế còn sai phạm trong quy trình cập nhật cơ sở dữ liệu quản lý thuế và công khai thông tin hộ kinh doanh./.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn