Tổng công ty Sông Hồng thua lỗ nặng nề hậu cổ phần hoá

Kinh tếThứ Sáu, 23/02/2018 11:48:00 +07:00

Sau cổ phần hoá, Tổng công ty Sông Hồng từ một thương hiệu xây lắp uy tín, nhanh chóng rơi vào 'vũng lầy' thua lỗ, nợ nần.

Lỗ âm vốn 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2017 công bố, doanh thu trong nửa đầu năm 2017 của Tổng công ty Sông Hồng chỉ đạt 101 tỷ đồng, bằng gần 1/3 cùng kỳ năm trước (289 tỷ đồng). Lỗ sau thuế ở mức 33,8 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế đến cuối kỳ lên 476,7 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 156,8 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn là 1.291 tỷ đồng, vượt xa tài sản ngắn hạn (1.012 tỷ đồng), đe doạ khả năng hoạt động liên tục của thành viên Bộ Xây dựng. 

Tình hình tại Tổng công ty Sông Hồng bi đát đến mức Bộ Tài chính vào giữa năm ngoái đã phải phát đi cảnh báo về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp này. 

Tổng công ty Sông Hồng là một trong những đơn vị thành viên đầu tiên của Bộ Xây dựng, được thành lập vào tháng 8/1958 với tên gọi Công ty Kiến trúc Việt Trì. Tháng 8/2006, doanh nghiệp này được chuyển đổi sang mô hình công ty mẹ - con và lấy tên là Tổng công ty Sông Hồng như hiện nay.

Cuối năm 2009, Tổng công ty Sông Hồng cổ phần hóa thành công, với kỳ vọng thương hiệu Sông Hồng sẽ ngày càng mạnh hơn. 

tong-cong-ty-song-hong-nhadautuvn-1708-0035

Trụ sở Tổng công ty Sông Hồng tại 70 An Dương, Tây Hồ, Hà Nội  

Tuy nhiên, kể từ khi được cổ phần hóa, Tổng công ty Sông Hồng ngập chìm trong 'vũng lầy' thua lỗ, ngoại trừ các năm 2011, 2014 lãi nhẹ vài trăm triệu đồng, Sông Hồng đều phải ghi nhận những kết quả kém khả quan trong các năm còn lại, trong đó đáng chú ý hai năm 2015-2016 lỗ sau thuế lần lượt 85 tỷ đồng và 187 tỷ đồng, cuốn bay vốn điều lệ của doanh nghiệp (270 tỷ đồng). 

Tổng công ty Sông Hồng giải trình rằng doanh nghiệp này tiếp tục gặp nhiều khó khăn do công nợ kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến tình hình tài chính chung.

Nhiều khoản vay bị xếp vào nợ xấu nhóm 5 dẫn đến không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng, việc phát hành các loại bảo lãnh để thực hiện công trình cũng rất khó khăn. Do vậy, các dự án mà Tổng công ty cũng như các đơn vị thành viên nhận thầu thi công đa số đều chậm tiến độ, uy tín của Sông Hồng giảm sút nặng nề. 

Trả lời báo giới, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Hồng ông Trần Huyền Linh cho biết thêm rằng trong những năm vừa qua, đơn vị đã thực hiện thi công một số công trình nguồn vốn Nhà nước.

Trong đó có những dự án bị Chủ đầu tư chậm thanh toán, phát sinh khối lượng không lường trước trong quá trình thi công chưa được giải quyết kịp thời, Tổng công ty đã phải vay vốn ngân hàng và chịu chi phí lãi vay lớn như công trình Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (giá trị phát sinh tăng thêm khoảng gần 300 tỷ đồng chưa được thanh toán)… dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ và ảnh hưởng đến tình hình tài chính.

Nhà nước mất quyền kiểm soát?

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, nhằm bù đắp phần vốn giảm xuống sau khi chuyển Trường trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Sông Hồng về trực thuộc Bộ Xây dựng, Tổng công ty Sông Hồng vào đầu năm 2018 đã phát hành riêng lẻ thành công 6,52 triệu cổ phần cho 2 lãnh đạo doanh nghiệp, gồm Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT ông Lã Tuấn Hưng mua 2,5 triệu cổ phần để nâng tỷ lệ từ 0,26% lên 9,56% và thành viên HĐQT Phan Việt Anh mua 4,02 triệu cổ phần SHG để nâng tỷ lệ sở hữu từ 0,07% lên 14,93%.

Cả ông Hưng lẫn ông Việt Anh đều là người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Hồng.

Với vốn cổ phần vẫn giữ nguyên ở 270 tỷ đồng, vốn Nhà nước thông qua Bộ Xây dựng nắm giữ theo đó giảm từ 73,2% về dưới mức chi phối 49% sau đợt phát hành cổ phần cho các lãnh đạo Tổng công ty Sông Hồng. Theo lộ trình thoái vốn đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Xây dựng sẽ sớm thoái hết vốn tại Tổng công ty Sông Hồng trong thời gian tới.

Được biết, Tổng công ty Sông Hồng sắp tới sẽ tiếp tục phát hành riêng lẻ thêm 18 triệu cổ phần để nâng vốn điều lệ lên 450 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu Nhà nước bởi vậy sẽ còn giảm mạnh. 

(Nguồn: Nhà Đầu Tư)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn