Tổng Công ty Sông Hồng kém minh bạch, chìm nghỉm trong lỗ

Kinh tếChủ Nhật, 27/05/2018 16:12:00 +07:00

Thua lỗ triền miên, nợ lớn, âm vốn sở hữu và kém minh bạch… đang nhấn chìm Tổng CTCP Sông Hồng, “đại gia” ngành xây dựng có gốc gác Nhà nước một thời.

Tiếp tục hạn chế giao dịch

Mã chứng khoán SHG của Tổng CTCP Sông Hồng tiếp tục bị hạn chế giao dịch UpCom do chậm công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 quá 45 ngày và không có biện pháp khắc phục, theo tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, ngày 25/5.

A11

 Bộ Tài chính từng bày tỏ quan ngại trước hiệu quả hoạt động đầu tư của Tổng CTCP Sông Hồng.

Doanh nghiệp này, năm 2017 cũng bị Ủy ban chứng khoán nhà nước phạt 85 triệu đồng do không công bố thông tin hàng loạt tài liệu gồm báo cáo tài chính năm 2015 đã được kiểm toán, báo cáo tài chính bán niên soát xét các năm 2015 và 2016, báo cáo tài chính quý 1, 2, 3/2016, báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2015, báo cáo thường niên năm 2015.

Tổng CTCP Sông Hồng tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần từ giữa năm 2010, giao dịch cổ phiếu trên UpCom khoảng giữa 2015 với giá 9.700 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, do kinh doanh bết bát, nợ nần ngập đầu nên thị giá cổ phiếu liên tục giảm. Hiện giao dịch tại mức giá 2.600 đồng/CP (cập nhật ngày 25/5). Từ ngày 11/5/2017, cổ phiếu SHG rơi vào tình cảnh bị hạn chế giao dịch.

Hiện tại, đã gần hết tháng 5 song Tổng CTCP Sông Hồng vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 1/2018.

Nợ nần lớn

Tổng CTCP Sông Hồng vẫn đang nợ hơn 1.308 tỷ đồng, trong đó hơn 988 tỷ đồng là nợ ngắn hạn và hơn 320 tỷ đồng nợ dài hạn, khiến doanh nghiệp này phải trả 32 tỷ đồng lãi suất vốn vay, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán cho năm kết thúc tài chính ngày 31/12/2017.

A22

 Kết quả kinh doanh bết bát của Tổng CTCP Sông Hồng trong năm 2017.

Cũng theo báo cáo, doanh thu thuần bán hàng doanh nghiệp trong năm 2017 là 130 tỷ đồng, thấp hơn con số 545 tỷ đồng của năm 2016.

Doanh thu hoạt động tài chính hơn 4 tỷ đồng, tăng nhẹ so 3 tỷ đồng của năm 2016.

Chi phí quản lý doanh nghiệp là 27 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số 144 tỷ của năm 2016.

Nợ lên tới hơn 1.308 tỷ đồng nhưng Tổng CTCP Sông Hồng đang bị âm vốn chủ sở hữu 128,5 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc năm tài chính 2017.

Doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn lớn khi lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bị âm 455,8 tỷ đồng, trong đó, tính riêng trong kỳ là âm 48,7 tỷ đồng.

Video: Tàu câu mực bốc cháy dữ dội, 10 tỷ đồng thành tro

Đây không phải là năm đầu tiên Tổng CTCP Sông Hồng lỗ. Giai đoạn 2015 – 2016, theo báo cáo tài chính riêng, lợi nhuận sau thuế năm 2015 âm 129,1 tỷ đồng, năm 2016 âm 170,6 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận sau thuế năm 2015 âm 85,2 tỷ đồng, năm 2016 âm 187,1 tỷ đồng.

Thời điểm cuối năm 2016, theo kết quả sản xuất - kinh doanh hợp nhất, Tổng CTCP Sông Hồng lỗ lũy kế 425,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 78,5 tỷ đồng.

Lo mất vốn Nhà nước, Bộ Tài chính “tuýt còi”

Trước tình trạng kinh doanh bết bát của Tổng CTCP Sông Hồng, năm 2017, Bộ Tài chính đã có văn bản cảnh báo.

Theo Bộ Tài chính, năm 2016, doanh thu của Tổng CTCP Sông Hồng là hơn 564 tỷ đồng, tăng hơn 28 tỷ so với năm 2015, tức tăng 5,3%. Tuy nhiên tổng chi phí trong thời gian trên cũng lên tới hơn 723 tỷ đồng, tăng tới 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Mức tăng của chi phí cao hơn mức tăng của doanh thu, dẫn tới lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty Sông Hồng năm 2016 âm tới hơn 170 tỷ đồng, theo Bộ Tài chính.

Tính đến thời điểm hết năm 2016, lỗ lũy kế của công ty Sông Hồng lên tới gần 390 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu bị lâm vào tình trạng âm nặng là hơn 63 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ ngắn hạn của Sông Hồng tại thời điểm hết năm 2016 lên tới gần 900 tỷ đồng, cao hơn số dư tài khoản ngắn hạn.

Điều này khiến Bộ Tài chính lo ngại tổng công ty này đang bị mất cân đối tài chính, một phần nợ ngắn hạn được tài trợ cho tài sản dài hạn, dẫn tới rủi ro trong thanh toán.

Bên cạnh đó, bộ Tài chính cũng bày tỏ quan ngại trước hiệu quả hoạt động đầu tư của Tổng CTCP Sông Hồng, nên đề nghị rà soát các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, không hiệu quả.

Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo người đại diện vốn Nhà nước tại Tổng CTCP Sông Hồng có giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, kiểm soát chi phí, giảm lỗ tối đa, tiến tới kinh doanh có lãi trong các năm tiếp theo.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn