Tổng Bí thư: Sẽ kiểm tra dấu hiệu vi phạm của ông Trần Văn Truyền

Thời sựThứ Ba, 01/07/2014 04:42:00 +07:00

Liên quan đến vụ việc của ông Trần Văn Truyền, Tổng Bí thư cho biết sẽ quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm.

Liên quan đến vụ việc của ông Trần Văn Truyền, Tổng Bí thư cho biết sẽ quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Dù có về hưu vẫn phải làm, vẫn phải kiểm điểm ở cơ quan kiểm tra của Đảng.

Tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn ĐBQH Hà Nội ngày 1/7, một lần nữa tình hình Biển Đông lại là vấn đề quan tâm lớn nhất của cử tri quận Tây Hồ.

Theo ông Bùi Đức Thập (phường Xuân La), trước tình hình nóng bỏng ở Biển Đông khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, Quốc hội đã có những quyết sách để người dân yên tâm. Tuy nhiên trước thực tế hiện nay, cử tri đề nghị cần có thái độ kiên quyết hơn.

Khi ông Dương Khiết Trì sang Việt Nam, thái độ của Trung Quốc ra sao cần mổ xẻ để thấy được dã tâm của Trung Quốc. Đồng thời cần phải có công hàm để thế giới biết và ủng hộ Việt Nam.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết sẽ tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của ông Trần Văn Truyền

Đề cập đến phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, cử tri Tây Hồ đề cập đến việc Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh nói về tài sản của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền thuộc quyền quản lý của Uỷ ban kiểm tra Trung ương. Cử tri Thập cho rằng, ông Tranh nói như vậy là “đá quả bóng sang chỗ khác”. Vấn đề tài sản và việc bổ nhiệm ồ ạt 60 cán bộ trước khi nghỉ hưu của ông Truyền ra sao, cử tri đề nghị Tổng Bí thư phải làm rõ vấn đề này.

Liên quan đến việc chống tham nhũng, cử tri Tây Hồ đề nghị cần có chính sách bảo vệ cho chính người tố cáo tham nhũng. Cử tri Nguyễn Thị Hoà (phường Yên Phụ) nói: “Vụ kè Hồ Tây cả nước đã biết. Tôi đã tố cáo việc thu hồi đất nhưng chưa có trả lời của Hà Nội. Tại sao tệ nạn chống tham nhũng từ cơ sở vẫn chưa được chú ý?”.

Trước những ý kiến của cử tri về tình hình Biển Đông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đây là vấn đề rất lớn, hệ trọng và nhạy cảm. Có thể nói trên thế giới rất nhiều nước quan tâm. Điều này còn liên quan tới sự ổn định và phát triển của đất nước, giữ gìn độc lập chủ quyền quốc gia.

Do hai quốc gia là láng giềng nên có thế nào cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau. Có ai không có láng giềng đâu? Vì thế, chúng ta phải tìm cách làm sao chung sống hoà bình, song cũng đồng thời phải giữ được độc lập, chủ quyền…


Theo Tổng Bí thư, ngay từ những ngày đầu tiên Quốc hội đã bổ sung vào chương trình nội dung nghe báo cáo, thảo luận và đã ra thông cáo tuyên bố việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng ta phản đối, kịch liệt lên án và đòi Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam.

“Chúng ta có chủ trương đấu tranh một cách toàn diện, cả trên thực địa, cả bằng chính trị, ngoại giao. Nhưng với tinh thần tỉnh táo, kìm chế, không để xảy ra xung đột, chiến tranh. Nếu xảy ra chiến tranh sẽ trái với mục tiêu hoà bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Chúng ta chủ trương đấu tranh bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và thoả thuận cấp cao giữa hai nước. Mọi hành động, lời nói, việc làm cần tính toán tổng thể, phối hợp nhịp nhàng trên các mặt trận. Việc đấu tranh còn lâu dài, phức tạp" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Về vấn đề chống tham nhũng, lãng phí, theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là sự quan tâm chung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. Chúng ta gọi tham nhũng là giặc nội xâm, là kẻ thù trong mỗi chúng ta và trong mỗi đơn vị, cơ quan, tổ chức.

“Đánh giặc trong lòng mình mới khó. Giặc nội xâm liên quan tới người có chức, có quyền, lợi ích nhóm… Đây cũng là một mặt trận nóng bỏng, lâu dài. Thời kỳ nào cũng có, chế độ nào cũng có tham nhũng. Cả lãng phí đôi khi còn nặng nề hơn cả tham nhũng”.


Cho rằng chủ trương phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có nhiều chuyển biến, điển hình là việc xét xử những vụ án lớn, song Tổng Bí thư cũng nhìn nhận, việc kê khai tài sản còn yếu và tới đây cần công khai hoá. Trước hết cần phát hiện, rồi điều tra ra một cách chính xác, tránh oan sai để lọt tội phạm.

“Điều tra rất khó và dễ tiêu cực ở khâu điều tra. Điều tra rồi khởi tố, điều tra tiếp rồi truy tố, đưa ra xét xử sao cho kịp thời, nghiêm minh. Ngày xưa người ta thường nói "án bỏ túi", khi ra xét xử chỉ việc công bố. Vừa rồi vụ án Nguyễn Đức Kiên, có dư luận cho rằng vẫn còn nhẹ. Việc này đang được làm tiếp".

Tổng Bí thư cũng cho biết, khi xử xong rồi thì thi hành án cũng khó khăn. Hàng tỉ tỉ đồng đã chi tiêu đi hết rồi, giờ sao thu hồi lại được? Có những vụ án chỉ thu hồi được mấy phần trăm. Như thế là ít quá. Năm nay Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ lại thành lập các đoàn đi kiểm tra ở các cấp. Không chỉ Trung ương mà còn ở các địa phương, cơ sở. Chống tham nhũng cần phải kiên trì, kiên quyết và dựa vào dân.

Liên quan đến vụ việc của ông Trần Văn Truyền, Tổng Bí thư cho biết việc này đang giao cho Ủy ban kiểm tra Trung ương xác minh, rồi sắp tới cũng quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Dù có về hưu vẫn phải làm, vẫn phải kiểm điểm ở cơ quan kiểm tra của Đảng. Quan trọng là phải đúng người, đúng tội!

Theo Infonet
Bình luận
vtcnews.vn