Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý Hà Nội 7 vấn đề

Thời sựChủ Nhật, 01/11/2015 02:26:00 +07:00

Tổng Bí thư nêu những điểm còn hạn chế, yếu kém và lưu ý Hà Nội 7 vấn đề.

(VTC News) – Tổng Bí thư nêu những điểm còn hạn chế, yếu kém và lưu ý Hà Nội 7 vấn đề.

Sáng nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự Đại hội Đảng bộ Hà Nội. Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não về các mặt chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI là Đại vô cùng quan trọng, đóng góp quan trọng vào thành công ĐH Đảng toàn quốc trong thời gian tới.

Tổng Bí thư nhận định, 5 năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Thành phố phải giải quyết một khối lượng công việc rất lớn, nhiều việc mới, việc khó, phức tạp phát sinh, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Trung ương và của Đảng bộ, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cụ thể, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011 - 2015 tăng 9,3%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 5 năm (2011 - 2015) đạt 714,5 ngàn tỷ đồng, vượt dự toán, tăng bình quân khoảng 7,1%/năm.

Lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là công tác xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo sâu sát, quyết liệt. Đây là điểm nhấn của Thủ đô chúng ta trong thời gian vừa qua. Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị có nhiều tiến bộ, tập trung cho đầu tư, phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là xây dựng hạ tầng giao thông, điện, cấp thoát nước, cải thiện môi trường..

Trong lĩnh vực phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có nhiều tiến bộ; nhiều chỉ tiêu về văn hóa, giáo dục - đào tạo, thể thao thành tích cao, tiếp tục dẫn đầu cả nước.

Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực; quan hệ đối ngoại được tăng cường; phối hợp với các Ban, Bộ, Ngành, liên kết, hợp tác các tỉnh, thành phố trong cả nước được mở rộng; vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Hà Nội là một trong những Đảng bộ gương mẫu, đi đầu trong việc triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo được những chuyển biến tích cực trong việc khắc phục những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên; thực hiện tốt công tác cán bộ, bao gồm cả công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí và thực hiện chính sách cán bộ.
Đông đảo lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới tham dự Đại hội Đảng bộ Hà Nội.

Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được tăng lên; phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp có nhiều đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền có chuyển biến. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Truyền thống đoàn kết, thống nhất, hợp tác, trách nhiệm trong cấp ủy và các tổ chức đảng các cấp được giữ vững và ngày càng được phát huy.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá Đảng bộ Hà Nội đã vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, bám sát thực tiễn phong phú, sinh động của Thủ đô; đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, tạo sự chuyển biến toàn diện, rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội Thủ đô, đóng góp tích cực vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của cả nước, xứng đáng với vai trò, trách nhiệm và vị thế của Thủ đô.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng nhận định, bên cạnh những thành tựu và tiến bộ đã đạt được, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Hà Nội cũng còn những hạn chế, yếu kém.

Cụ thể, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh chưa cao; chuyển dịch cơ cấu còn chậm so với yêu cầu.

Quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường một số mặt chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn.

Phát triển văn hóa - xã hội chưa thực sự xứng tầm với vai trò, tiềm năng, vị thế của Thủ đô. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả mong muốn.

Chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị có mặt chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đòi hỏi thực tiễn. Công tác quản lý, điều hành của bộ máy hành chính ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả thấp. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chất lượng của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa ngang tầm yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.

Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị số 3 của Bộ Chính trị của một số cấp ủy còn hạn chế. Những biểu hiện suy thoái, tiêu cực trong Đảng, trong xã hội, nhất là về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa được ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả.

Tổng Bí thư thay mặt Bộ Chính trị  chúc mừng, biểu dương những kết quả lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã đạt được trong những năm qua. Tuy nhiên, Tổng bí thư cũng đề nghị Đảng bộ Hà Nội cần rút kinh nghiệm, khắc phục khuyết điểm trong thời gian tới.

“Tôi đề nghị các đồng chí cần đi sâu phân tích thành quả và những yếu kém, đề ra biện pháp tích cực, kiên quyết khắc phục hạn chế, yếu điểm,” Tổng bí thư nói.
Cũng trong buổi lễ khai mạc sáng nay, Tổng Bí thư tán thành những giải pháp, phương hướng mà Đảng bộ Hà Nội nêu trong Đại hội và cũng là quyết tâm chính trị của Đảng bộ Thủ đô trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Tổng Bí thư  Nguyễn Phú Trọng lưu ý Hà Nội 7 vấn đề như sau:

Thứ nhất, Hà Nội cần phát huy truyền thống Anh hùng vai trò vị thế của thủ đô quát triệt sâu sắc các chỉ thị, nêu cao tinh thần sáng tạo, đổi mới tư duy lãnh đạo điều hành, xác định rõ trọng tâm trọng điểm để tập trung chỉ đạo các chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước, xây dựng Hà Nội với vai trò vị thế Thủ đô.

Tiếp tục chủ trương cơ cấu kinh tế với mô hình tăng trưởng, tiếp tục thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển giáo dục và công nghệ, phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, những ngành công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao thân thiện môi trường, nâng cao giá trị gia tăng gắn với vùng chuyên canh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Đảng bộ Hà Nội cần có biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại.

Thứ hai, Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, tạo áp lực đô thị hóa và dân số. Vì vậy, Hà Nội phải làm tốt hơn nữa công tác quản lý đô thị, đặc biệt là trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông; tập trung vấn đề dân sinh, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thứ ba, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, an toàn xã hội, bảo vệ an toàn tuyệt đối cơ quan đầu não, các hoạt động đối ngoại quốc gia, sự kiện chính trị lớn diễn ra trên địa bàn TP Hà Nội, kiên quyết làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.

Thứ tư, Hà Nội là bộ mặt, là niềm tự hào của quốc gia. Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc. Dó là lối sống nhân ái nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, tôn trọng pháp luật. Trong quá trình hội nhập, chúng ta cần giữ gìn vấn đề này. Bên cạnh đó, việc giữ gìn truyền thống Hà Nội, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch.

Thứ năm, thực hiện nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị phát huy tính tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng viên, kiên quyết đẩy lùi suy thoái về chính trị, lối sống trong cán bộ đảng viên, chăm lo đời sống của Nhân dân…

Thứ sáu, đặc biệt chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp của Thành phố trong sạch, vững mạnh; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, trọng tâm là thực hiện nghiêm túc và nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực khác trong cán bộ, đảng viên; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết là người đứng đầu cấp ủy cơ quan, đơn vị thực sự gương mẫu, trong sạch vững mạnh; tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu… củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Thứ bảy, xây dựng phát triển Thủ đô là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Hà Nội cũng là nhiệm vụ của Trung ương và cả nước. Vì vậy, Hà Nội cần chủ động hơn nữa trong việc tranh thủ sự giúp đỡ của các Ban, Bộ, ngành, Trung ương.
 

Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các Ban, Bộ, ngành Trung ương cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng Thủ đô Hà Nội, quan tâm phối hợp chặt chẽ hơn với thành phố, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách, quy hoạch, các nguồn lực đầu tư, đáp ứng tốt nhu cầu xây dựng và phát triển thủ đô.

Cán bộ công chức, viên chức, học sinh sinh viên, các tầng lớp Nhân dân đang sống ở Thủ đô cũng phải gương mẫu thực hiện các quy định, pháp luật của Nhà nước và TP.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn