Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước: Đại biểu Quốc hội có thêm điều kiện giám sát quyền lực

Thời sựThứ Ba, 23/10/2018 17:03:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội cho rằng việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước thì các đại biểu có điều kiện tốt hơn để giám sát Chủ tịch nước thực hiện quyền hạn của mình theo Hiến pháp và pháp luật.

Các đại biểu Quốc hội đã bình luận về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016- 2021.

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện: Việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là việc làm quan trọng và cần thiết trong thời điểm hiện nay để khẳng định với đồng bào, thế giới, rằng chúng ta kiên định đi theo con đường CNXH, con đường của Bác Hồ. Bác Hồ cũng là người từng giữ trọng trách vừa là Chủ tịch Đảng vừa là người đứng đầu Chính phủ.

Đồng thời tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội giám sát cùng lúc 2 chức danh, một là người đứng đầu Đảng, một là nguyên thủ Quốc gia. 

luu-binh-nhuong

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. 

Chủ tịch nước là Tổng Bí thư có rất nhiều điều kiện triển khai nhanh chóng các đường lối, chính sách của Đảng, giải quyết vấn đề trong phạm vi, quyền hạn của Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước là chức danh đứng ở ngã 3 quyền lực, vừa là người có liên hệ đến quá trình lập pháp, vừa là người liên quan đến hệ thống hành pháp, liên hệ mật thiết với hệ thống tư pháp của Việt Nam.

Chủ tịch nước có nhiều điều kiện thực hiện quyền hạn của mình, kiểm soát 3 hệ thống này với tư cách nguyên thủ Quốc gia.

Hiện nay, Tổng Bí thư đang là Trưởng ban Phòng chống tham nhũng, sắp tới là Trưởng ban Cải cách Tư pháp Trung ương, nên càng có nhiều điều kiện thi hành chính sách pháp luật.

Khi quyền lực tập trung vào một người, nếu là người yếu kém hay độc đoán chuyên quyền đều rất nguy hiểm.

Nhưng chúng ta chưa bao giờ nghe có ý kiến đồng chí Tổng Bí thư là người độc đoán chuyên quyền, mà là người cực kỳ phát huy dân chủ.

Ông là người có học hàm học vị cao nhất trong lĩnh vực xây dựng Đảng, đảm bảo dân chủ. Ông cũng đang truyền đạt thông điệp lớn về dân chủ và phòng chống tham nhũng.

Về mặt Đảng, Tổng Bí thư chịu sự giám sát của các Đảng viên và tổ chức Đảng. Còn vị trí Chủ tịch nước chịu sự gíam sát trực tiếp của nhân dân và Quốc hội.

Và như vậy, Đại biểu Quốc hội có điều kiện tốt hơn để giám sát đồng chí Chủ tịch nước thực hiện quyền hạn của mình theo Hiến pháp và pháp luật.

Tôi nghĩ rằng, câu chuyện độc đoán, chuyên quyền ở đây là rất khó. Vì chúng ta đang theo cơ chế tập trung dân chủ, phát huy vai trò giám sát của Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội.

Video: Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức

Ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ: Việc Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước là phù hợp với yêu cầu xu thế đổi mới, hội nhập của Đất nước ta hiện nay, chủ trương chung của Đảng và Nhà nước trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, làm sao để bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực hiệu quả.

ngo-sach-thuc

Đại biểu Ngô Sách Thực.

Đảng có trách nhiệm chính trị trước nhân dân. Việc phân công sẽ bảo đảm trách nhiệm trong việc thực hiện công việc của người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Nhất là trong công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay, rất cần phải có sự chỉ đạo tập trung, có sự lan toả từ Trung ương đến địa phương.

Những người đứng đầu có trách nhiệm nêu gương, thực hiện chủ trương nhân dân gửi gắm, tin tưởng, cần phải có sự tập trung thống nhất.

Kiểm soát quyền lực là cả một nội dung lớn cần tiếp tục nghiên cứu, phải có thể chế trong đó có sự giams sát trong nội bộ bằng quy chế, quy định, phải thể chế bằng pháp luật, có sự giám sát của nhân dân trong việc thực hiện lời hứa, trách nhiệm trước cử tri và nhân dân.

Đảng và Nhà nước đang tiếp tục có biện pháp thể chế. Chúng tôi tin tưởng những nội dung này sẽ được thể chế bằng pháp luật trong tương lai.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng và Trưởng ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương.

Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng còn diễn ra lâu dài. Thời gian qua, đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Để làm tốt việc này, cần có những bước đi vừa quyết liệt, vừa phải căn cơ lâu dài. Trong đó vừa phải có thể chế chính sách, vừa phải có quyết tâm trách nhiệm trong bộ máy.

Thể chế chính sách làm sao để ngăn ngừa nguyên nhân dẫn đến tham nhũng đồng thời trách nhiệm rõ hơn là kiểm soát quyền lực sẽ tốt hơn. Đồng thời, cần sự tham gia vào cuộc của xã hội, đồng tình hưởng ứng như vậy, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tin tưởng sẽ đạt nhiều kết quả trong tương lai.

Phạm Thành
Bình luận
vtcnews.vn