Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước - cơ hội lớn cải cách bộ máy Nhà nước

Thời sựThứ Sáu, 05/10/2018 07:05:00 +07:00

Cơ cấu Tổng Bí Thư làm Chủ tịch nước được các chuyên gia nhận định là cơ hội để cải cách bộ máy Nhà nước.

Kỳ họp Quốc hội khoá XIV khai mạc ngày 21/10 tới đây sẽ có nội dung về việc bầu Chủ tịch nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người được Ban chấp hành Trung ương Đảng tại phiên làm việc chiều thứ tư 3/10, thống nhất 100% giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức danh người đứng đầu Nhà nước.

Trả lời VTC News, ông Nguyễn Túc, Nguyên Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rất vui mừng khi biết thông tin trên. Trước đó, ông Túc nghĩ sẽ giới thiệu người khác theo thông lệ cũ.

"Điều này thể hiện sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng mà những kỳ đại hội trước mọi người còn ngần ngại", ông Nguyễn Túc nói.

Video: 'Lúc này là thời điểm tốt nhất để thực hiện Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước'

Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là tất yếu

Trước đây, Bác Hồ từng giữ chức Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước. Nhưng điều này không còn sau khi Bác mất, vì điều kiện lúc đó Đảng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố ba miền Bắc, Trung, Nam khác biệt rất lớn. 

Sau khi thống nhất đất nước, từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV diễn ra năm 1976 ở Hà Nội cho đến nay, để đảm bảo cho việc đoàn kết ba miền nên thường một người sẽ không giữ hai chức Tổng Bí thư và Chủ tịch nước.

Nguyen Tuc

 Ông Nguyễn Túc, Nguyên Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (Ảnh: Công Khanh)

Các nhiệm kỳ gần đây, chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội thường do bốn nhà lãnh đạo khác nhau đảm nhận.

Vì vậy, với sự kiện Ban chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước vào chiều 3/10, thì kể từ sau khi Bác Hồ mất đây là trường hợp đầu tiên, duy nhất.

"Giai đoạn chín muồi để thực hiện cơ cấu Tổng Bí thư là Chủ tịch nước đã đến", ông Nguyễn Túc nói. 

Đồng tình với quan điểm này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 nhận định, cơ cấu Tổng Bí thư là Chủ tịch nước là tất yếu.

"Một chế độ mà Đảng trực tiếp cầm quyền, lãnh đạo thì phải thống nhất chức danh của người lãnh đạo và người chỉ huy là một, vì Đảng và Nhà nước là một chứ không nên chia làm hai”, tướng Thước nói.

Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước giúp cuộc chiến chống tham nhũng hiệu quả

Ông Nguyễn Túc cho rằng, Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước sẽ làm cho cuộc chiến chống tham nhũng, chống thoái hóa, chống tiêu cực của Đảng ta có hiệu quả hơn nữa.

Câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Lò đã nóng thì củi khô củi tươi cũng cháy cả" khiến ông càng có hy vọng hơn quá trình chống thoái hóa biến chất trong Đảng và trong nhà nước ta hiện nay sẽ được đẩy nhanh hơn cùng với sự quyết tâm nhiều hơn nữa.

Về vấn đề này, tướng Thước phân tích, vừa qua Tổng Bí thư đã lãnh đạo công cuộc chống tham nhũng quyết liệt có hiệu quả, bảo đảm cho Nhà nước trong sạch. Cuộc chiến này do Tổng Bí thư đứng đầu không chỉ là xây dựng Đảng mà trước hết là xây dựng bộ máy Nhà nước.

Điều này chứng tỏ, Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ là cơ chế rất phù hợp phát huy được hiệu quả trong việc chống tham nhũng.

ongthuoc

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4. 

“Trước kia cũng là chống tham nhũng Đảng chỉ đạo Nhà nước chống tham nhũng nhưng hiệu quả không cao, phải đến lúc chuyển vấn đề sang Tổng Bí thư nắm quyền trực tiếp, tức là giải quyết vấn đề chống tham nhũng trong bộ máy Nhà nước thì rõ ràng là có hiệu quả. Mảng này hiệu quả thì việc điều hành ở các lĩnh vực chắc chắn cũng như vậy", tướng Thước nói.

“Tôi tin chắc rằng với sự thống nhất 100% của Trung ương và sắp tới ra Quốc hội bầu mà thống nhất nữa thì ý Đảng, lòng dân qua Quốc hội sẽ hoàn toàn giống nhau. Hiệu lực của bộ máy lãnh đạo của Đảng và bộ máy điều hành của Nhà nước sẽ càng ngày tốt hơn”, tướng Thước nói.

Video: Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, sự giám sát phải cao hơn

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng cho rằng, mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước nếu thực hiện được thì không những phù hợp tính quy luật khách quan của vấn đề một Đảng độc tôn lãnh đạo, mà chính là cả một hệ thống bộ máy sẽ giảm được rất nhiều, hạn chế được sự cồng kềnh của bộ máy Đảng, bộ máy Nhà nước.

Cơ cấu Tổng Bí thư là Chủ tịch nước ở cấp cao sẽ lan toả đến các cơ quan của Đảng ở các cấp phải đơn giản đi. Nhiều tổ chức được sinh ra nhưng không thấy hiệu quả, hàng vạn người từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở vẫn ngồi ăn lương.

"Đây là cơ hội lớn để cải cách bộ máy nhà nước. Đây là khởi điểm đột phá, với cơ cấu này chúng ta sẽ thống nhất từ cơ quan đầu não Trung ương trở xuống. Trên như thế nào thì ở dưới cũng phải như thế", tướng Thước nói.

tongbithu 3

Các chuyên gia cho rằng việc Tổng Bí thư thực hiện công cuộc chống tham nhũng có hiệu quả thì việc điều hành toàn bộ xã hội trên các lĩnh vực chắc chắn là cũng hiệu quả. 

Người dân cần giám sát chặt chẽ

Theo ông Nguyễn Túc, để tránh những việc lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi vừa là Tổng Bí thư vừa là Chủ tịch nước, người dân phải thực hiện quyền làm chủ của mình, cần giám sát một cách thường xuyên và chặt chẽ hơn theo pháp luật của nhà nước. 

Trong điều kiện đó, ông Túc cho rằng quyền giám sát của người dân phải được đề cao hơn và thực chất hơn.

"Cần nhốt những quyền lực mà ta trao cho những người đó trong vòng giám sát của hệ thống chính trị, của nhân dân như nghị quyết 2017 - 2018 của Bộ chính trị về vấn đề giám sát, phản biện xã hội và về mặt trận các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch vững mạnh", ông Nguyễn Túc dẫn câu nói mà Tổng Bí thư đã từng nêu.

Tùng Lâm - Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn