Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị tổng kết phòng, chống tham nhũng

Chính trịThứ Bảy, 12/12/2020 10:32:00 +07:00
(VTC News) -

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020.

Sáng 12/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020. 

Hội nghị cũng được truyền trực tuyến tới 80 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các quân khu, quân chủng, binh chủng, binh đoàn, bộ tư lệnh và tương đương trong quân đội với khoảng 5.000 đại biểu tham dự.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị tổng kết phòng, chống tham nhũng - 1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự hội nghị (Ảnh: TTXVN)

Thông tin về những nội dung cơ bản của Báo cáo tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết: Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (tháng 2/2013), nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Trong giai đoạn 2013 đến 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đã tập trung hoàn thành kết luận thanh tra, kiểm toán, xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm sai phạm tại nhiều dự án, vụ việc gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm.

Qua công tác thanh tra, kiểm toán, các cơ quan đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700 nghìn tỷ đồng, hơn 20 nghìn ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14 nghìn tập thể, nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).

Kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian qua đã thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta là "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Cùng với đó là khắc phục tư tưởng “hạ cánh an toàn” trong xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm; truy bắt, xử lý các đối tượng phạm tội tham nhũng, sau đó bỏ trốn ra nước ngoài.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn