Tổng Bí thư: 'Cần làm rõ ai chạy chức chạy quyền, chạy ai?'

Thời sựThứ Sáu, 19/01/2018 17:13:00 +07:00

Người đứng đầu Đảng hoan nghênh Ban tổ chức Trung ương xây dựng dự thảo chuyên đề về kiểm soát quyền lực.

Sáng 19/1, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hoan nghênh Ban tổ chức Trung ương xây dựng dự thảo chuyên đề về kiểm soát quyền lực và phòng, chống "chạy chức, chạy quyền"; đưa ra thảo luận tại Hội nghị.

Theo Tổng Bí thư, ngành tổ chức xây dựng Đảng cần đi sâu làm rõ nội hàm và biểu hiện của vấn đề nêu trên, mức độ tình hình hiện nay ra sao và đặc biệt là đề xuất hướng xây dựng cơ chế để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này như thế nào... Qua đó, góp phần tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành quy định về vấn đề này một cách phù hợp. 

MG-0139-JPG-7349-1516350053

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng chạy chức, chạy quyền còn diễn biến tinh vi. (Ảnh: P.V)

"Từ năm 2014, cũng dự họp tổng kết cuối năm của ngành tổ chức xây dựng Đảng, tôi đã nêu vấn đề này, trong nhân dân, dân gian râm ran chuyện chạy chức chạy quyền, do vậy cần làm rõ có hay không, ai chạy, chạy ai; đến nay đã làm rõ được một bước", Tổng Bí thư nói và cho rằng, thực tế hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế; hiện tượng chạy chức, chạy quyền còn diễn biến tinh vi, phức tạp.

Người đứng đầu Đảng cũng đề cập đến hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn. "Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai? Vậy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của ngành tổ chức xây dựng Đảng trong việc này thế nào?", ông nêu câu hỏi.

"Tổng duyệt lại đội ngũ" giữa nhiệm kỳ

Trong năm 2018, Tổng Bí thư yêu cầu ngành tổ chức xây dựng Đảng tích cực, chủ động chuẩn bị nội dung trình các Hội nghị Trung ương sắp tới, trước mắt là Đề án "Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" để  trình Hội nghị Trung ương 7.

"Tinh thần là chuẩn hoá và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và tình hình mới đặt ra, giải phóng được nguồn lực, phát huy tiềm năng, trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực", ông nói. 

Default-jpeg-1421-1516347001

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại bỉểu dự Hội nghị. (Ảnh: TTX)

Ngoài nhiệm vụ trọng tâm này, ngành Tổ chức xây dựng Đảng cần bắt tay vào chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 với quan điểm kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. 

Tổng Bí thư cũng nêu rõ, việc kiểm điểm, đánh giá và lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ phải tiến hành một cách nghiêm túc, dân chủ, công khai, minh bạch, chặt chẽ và trung thực, thực sự là cơ hội quý để chia sẻ, học tập lẫn nhau, là một dịp tổng duyệt lại đội ngũ.

Ban tổ chức Trung ương cũng được giao chủ động tham mưu xây dựng Quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt, thường vụ cấp uỷ, ban chấp hành các cấp, nhất là quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và những nhiệm kỳ tiếp theo để có thể lựa chọn được các nhân sự xứng đáng nhất, thực sự có đức, có tài, trong đó lấy đức làm gốc. 

Chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà ngành tổ chức xây dựng Đảng đang phải đối mặt, Tổng Bí thư lưu ý các cán bộ làm việc trong lĩnh vực này phải công tâm, khách quan, tận tuỵ với công việc; không chịu bất cứ sức ép, sự tác động không lành mạnh nào.

"Chúng ta phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn cái sai, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen nào không trong sáng", ông nói.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn