Tôm Việt gặp ‘hạn’ tại Hoa Kỳ: Bộ Công Thương nói gì?

Kinh tếThứ Sáu, 10/10/2014 06:47:00 +07:00

(VTC News) – Đại diện Bộ Công Thương đã lên tiếng trước vụ việc các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá quá cao tại thị trường Mỹ.

(VTC News) – Đại diện Bộ Công Thương đã lên tiếng trước vụ việc các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá quá cao tại thị trường Hoa Kỳ.

Ngày 24/9/2014, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ 8 (POR8) đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam.

Cụ thể, hai bị đơn bắt buộc là Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chịu mức thuế chống bán phá giá 4,98% và Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) chịu mức thuế 9,75%. Mức thuế suất bình quân 6,37% được áp dụng cho gần 30 nhà xuất khẩu khác không được chọn làm bị đơn bắt buộc.

Mức thuế CBPG mà DOC áp dụng đối với các doanh nghiệp tôm Việt Nam trong đợt POR8 được cho là bất hợp lý, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam và chính người tiêu dùng Mỹ.

VTC News đã phỏng vấn bà Nguyễn Chi Mai, đại diện Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) xung quanh vụ việc này.
Chế biến tôm xuất khẩu   - Ảnh internet

- Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ đang bị DOC áp thuế CBPG quá cao. Nguyên nhân có phải do phương pháp tính toán của DOC “có vấn đề” như phản ánh của doanh nghiệp, thưa bà?


Trong lần POR8 này thì DOC đã áp dụng một phương pháp biên độ phá giá mới cho các doanh nghiệp Việt Nam, được gọi là định giá phân biệt.

Với Phương pháp này, họ đưa ra cách tính toán dựa trên việc bán hàng cho các khách hàng khác nhau, cho các thời điểm khác nhau và tại các khu vực khác nhau. Nếu DOC nhân thấy có sự chênh lệch giá thì họ sẽ áp dụng cách tính mới.


Bà Nguyễn Chi Mai
Theo thông tin từ luật sư tư vấn cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam, bằng phương pháp tính mới này thì DOC đã quay lại áp dụng phương pháp quy về 0 (Zezoing) cho việc tính toán biên độ phá giá của các doanh nghiệp.

Phương pháp quy về 0 trước đó đã bị cơ quan giải quyết tranh chấp WTO ra phán quyết vi phạm Điều 2.4.2 của Hiệp định CBPG của WTO.

Để tuân thủ phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO, DOC đã ban hành một Quyết định sửa đổi mới, không áp dụng phương pháp zeroing khi tính toán biên độ phá giá. Tuy nhiên, trong Quyết định sửa đổi này DOC vẫn quy định một số trường hợp ngoại lệ, phương pháp “định giá phân biệt” là một trong những trường hợp ngoại lệ đó.


Ở lần POR8, mặc dù DOC không áp dụng phương pháp tính quay về 0 nhưng  cơ quan này lại sử dụng phương pháp định giá phân biệt. Theo đó, trong quá trình tính toán các chuyến hàng để bán cho các khách hàng khác nhau tại thời điểm khác nhau, khu vực khác nhau, thì họ đã quay lại phương pháp quy về 0. Đây chính là một trong những nguyên nhân đã dẫn đến việc mức thuế CBPG của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam cao như vậy.

- Hiện các doanh nghiệp đã cùng ký vào đơn kháng kiện gửi lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT). Bộ Công thương sẽ hỗ trợ gì cho doanh nghiệp trong vụ việc này?


Việc các doanh nghiệp gửi đơn kháng kiên lên CIT hoàn toàn do sự tự quyết định của doanh nghiệp. Trên cơ sở những dữ liệu thực tế của vụ việc, những tài liệu chứng minh và chính quy định của pháp luật chống bán phá giá Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam đã đưa ra quyết định của mình nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp ngay tại thị trường nước nhập khẩu.

Thực ra, đây cũng không phải là việc mới. Trước đó các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đã từng gửi đơn kháng kiện lên CIT và tại đây họ cũng đã đạt được những kết quả tích cực từ các phán quyết của CIT.

Hiện nay các doanh nghiệp tôm Việt Nam đã luôn chủ động, đưa ra những ứng xử rất nhanh để bảo vệ quyền lợi của mình là việc rất đúng và thể hiện rằng các doanh nghiệp Việt Nam đã đủ trình độ, năng lực, bản lĩnh, nhận thức được có trách nhiệm với chính quyền lợi của họ. Họ đã biết tự bảo vệ quyền lợi của họ tại chính nước Mỹ. Đó là một điều rất tốt, qua đó nâng cao được vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động thương mại quốc tế.

Quan điểm của Cục Quản lý cạnh tranh là hoàn toàn ủng hộ việc doanh nghiệp tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

- Bộ Công Thương đang chuẩn bị những gì để phản ứng lại với vụ áp thuế chống bán phá giá phi lý của DOC đối với tôm Việt Nam?

Như tôi đã nói, trong lần POR 8 này thì DOC đã sử dụng một phương pháp tính toán khác là định giá phân biệt. Bằng Phương pháp này thì DOC đã  quay lại được phương pháp quy về 0 đã bị coi là vi phạm quy định điều 2.4.2 của Hiệp định chống bán phá giá WTO. Vì vậy, Cục quản lý cạnh tranh đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương để có những phản ứng tích cực, kịp thời.

Sắp tới tại các diễn đàn, các phiên họp tại WTO, Bộ Công Thương sẽ đưa ra quan điểm này, không chỉ là song phương mà đa phương để thể hiện rõ sự quan ngại của chính phủ Việt Nam về việc DOC áp dụng phương pháp quy về 0 vốn đã bị coi là vi phạm quy định của WTO.

- Bà có khuyến cáo gì đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tránh bị áp thuế phi lý trong những lần xem xét hành chính sắp tới?

Trên thực tế các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã bắt đầu tiến hành các vụ kiện đầu tiên từ năm 2002 đối với cá tra, năm 2003 đối với tôm. Đến bây giờ gần như các doanh nghiệp thủy sản đã “sống chung” với các vụ kiện kiểu này.

Trong những năm đầu tiên, việc kiện cáo cũng đã gây ra rất nhiều khó khăn với các doanh nghiệp. Tuy nhiên sau 12 năm, mặc dù các doanh nghiệp bị kiện CBPG nhưng các họ vẫn tiếp tục giữ được thị trường Hoa Kỳ, đây là điều rất đáng khích lệ.
 

Bộ Công Thương sẽ đưa ra vấn đề này ra các diễn đàn, phiên họp của WTO, không chỉ là song phương mà đa phương để thể hiện rõ sự quan ngại của chính phủ VN về việc DOC áp dụng phương pháp quy về 0 vốn đã bị coi là vi phạm quy định của WTO.


 


Vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp nhưng nói cho cùng, nó là một vụ việc mang tính pháp lý (litigation) của Hòa Kỳ, một đất nước được coi là có một trong những hệ thống pháp lý và thông lệ áp dụng  phức tạp nhất, khó nhất và theo án lệ.

Những  thuật ngữ chuyên ngành pháp lý được sử dụng trong vụ việc điều tra CBPG, chống trợ cấp thường rất kỹ thuật và đặc định.


Do vậy xuất phát từ thực tiễn các vụ việc điều tra CBPG trong thời gian qua, một trong những khuyến nghị mà Cục Quản lý cạnh tranh đưa ra là các doanh nghiệp Việt Nam nên cân nhắc khi tham gia vào công tác kháng kiện là thuê luật sư, mặc dù chi phí thuê luật sư là khá đáng kể.

Với sự hỗ trợ, tư vấn của luật sư các doanh nghiệp sẽ hiểu biết hơn và nắm rõ hơn về các quy định pháp luật cũng như các thông lệ áp dụng của DOC cho các vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và có thể đưa ra được những biện pháp, những chiến lược thích hợp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp mình tốt hơn.


Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật CBPG, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, hàng năm DOC sẽ tiến hành rà soát hành chính theo đề nghị của các bên có liên quan. Vì vậy, để có thể đạt được những kết quả tích cực và bảo vệ được những lợi ích hợp pháp của mình, các doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, các hồ sơ, các dữ liệu, số liệu thông tin bán hàng, thông tin mua hàng để cơ sở chứng minh chúng ta không bán phá giá. Chủ động chuẩn bị và đầu tư nguồn nhân lực, thời gian và nguồn lực thích hợp cho công tác rà soát hành chính hàng năm.

Bên cạnh việc đưa các vụ việc khiếu nại lên CIT thì các doanh nghiệp có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của Chính phủ để đưa các vụ việc này ra WTO nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình theo các quy định của Hiệp định chống bán phá giá WTO.

Lan Uyên (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn