Tóm tắt vụ bắt con tin chấn động thế giới

Thế giớiThứ Bảy, 19/01/2013 03:26:00 +07:00

(VTC News) - 3 ngày kể từ lúc xảy ra, vụ bắt cóc con tin của phiến quân Algeria đang làm các nhà chức trách quốc tế đau đầu với hàng chục người vẫn mất tích.

(VTC News) - 3 ngày kể từ lúc xảy ra, vụ bắt cóc con tin của phiến quân Algeria đang làm các nhà chức trách quốc tế đau đầu với hàng chục người vẫn mất tích.

Sáng sớm 16/1, các phiến quân vũ trang hạng nặng bất ngờ tấn công 2 xe bus chở công nhân nhà máy khai thác khí đốt địa phương đang trên đường ra sân bay In Amenas. Trong vụ giao tranh này đã có một người Anh và một người Algeria thiệt mạng.

Sau đó, những kẻ bắt cóc di chuyển con tin đến vùng Tigantourine, bao gồm cả người Algeria và các công dân nước ngoài. Chúng chia nạn nhân thành 2 nhóm và giam giữ ở 2 khu vực, một phần ở khu ở của các công nhân nhà máy, phần còn lại bị bọn bắt cóc đưa đến nhà máy khai thác khí gần đó.

Khi nhận được thông tin về vụ bắt cóc, quân đội Algeria, cụ thể là lực lượng đặc nhiệm đã đến hiện trường và triển khai đội hình bao vây toàn bộ khu vực.

Sơ đồ khái quát vụ bắt cóc con tin ở Algeria:
1. Địa điểm 2 xe bus bị tấn công
2. Các khu vực giam giữ con tin, bao gồm khu ở công nhân và xưởng chính của nhà máy khai thác khí
3,4,5: Các địa điểm triển khai và tổ chức bao vây của đặc nhiệm Algeria

Trong khi đó, quan chức của các quốc gia có công dân bị bắt, tiêu biểu là Thủ tướng Anh David Cameron đã yêu cầu Algeria nên tổ chức đàm phán trước khi quyết định sử dụng vũ lực.

Đầu giờ chiều ngày 17/1, đặc nhiệm Algeria nhận lệnh tấn công sau khi nghe tin những kẻ bắt cóc đang bắt đầu di chuyển con tin.

Theo báo cáo của chính quyền địa phương, cuộc đột kích đã giải thoát được 650 con tin, trong đó có 70 công dân nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người khác thiệt mạng sau vụ tấn công của quân đội.

Hiện nay, tình hình cụ thể của vụ bắt cóc vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, chính quyền Algeria khẳng định họ sẽ không thương lượng và quyết tâm dùng vũ lực với những kẻ bắt cóc.

Thông tin từ BBC cho biết, hiện còn 14 người Nhật và 8 người Na Uy mất tích, khoảng 10 người Anh được tin là vẫn còn bị phiến quân giam giữ. Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa cụ thể hóa được số công dân của mình liên quân đến vụ khủng hoảng con tin này.

Tùng Đinh

Bình luận
vtcnews.vn