Tôm càng xanh VietGap giá như tôm thường, dân tính trở về cách làm cũ

Kinh tếThứ Năm, 05/07/2018 15:32:00 +07:00

Khát vọng nâng tầm giá trị cho tôm đặc sản, người dân áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn VietGap; tuy nhiên, nông sản này không có đầu ra nào khác ngoài phụ thuộc thương lái.

Xã Trà Cổ (huyện Tân Phú, Đồng Nai) là vùng nuôi tôm càng xanh đặc sản lớn nhất của Đồng Nai. Cả xã có khoảng 32 hộ nuôi tôm với diện tích trên 50 ha.

Năm 2015, huyện Tân Phú đã thành lập Tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh ở xã Trà Cổ và kêu gọi người chăn nuôi sản xuất tôm theo tiêu chuẩn sạch VietGap.

Tom cang xanh VietGap gia nhu tom thuong, dan tinh tro ve cach lam cu hinh anh 1

Giá tôm càng xanh đặc sản được nuôi ở xã Trà Cổ theo mô hình VietGap chỉ bằng giá tôm thường. (Ảnh: Ngọc An)   

Có khoảng 20 dân sau đó tham gia mô hình VietGap với diện tích áp dụng khoảng 36 ha. Tuy nhiên, giá trị mà tôm VietGap mang lại không cao đã khiến người dân rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”.

Nông dân Trần Văn Nơi nói rằng, vì muốn nâng tầm chất lượng cho tôm, nâng giá trị nông sản nên ông từ bỏ cách làm truyền thống để làm VietGap.

“Khi thực hiện mô hình, tôi phải bỏ nhiều công sức, tiền bạc. Phải cải tạo ao nuôi một cách khoa học. Cách nuôi cũng phải tỉ mỉ, tuân theo nhiều quy định. Vậy nhưng tôm làm ra cũng chỉ biết bán cho thương lái với giá ngang tôm sản xuất truyền thống”, nông dân nuôi tôm nhiều năm nói.

Theo ông Nơi, giá tôm càng xanh VietGap chỉ bằng tôm thường và dao động từ 160.000-180.000 đồng/kg.

Nông dân Lương Văn Thạch cho biết địa phương có 3 thương lái đứng ra mua tôm càng xanh VietGap và họ ép giá, chỉ chấp nhận lấy hàng khi giá bằng tôm thường.

Ông Thạch nói: “Nuôi theo VietGap là hướng tốt nhưng chúng tôi không có đầu ra ổn định. Ngoài bán cho thương lái, chúng tôi không biết bán cho ai. Tôi và nhiều hộ dân khác đang chán nản mô hình này và dự tính bỏ để trở về sản xuất theo cách truyền thống”.

Tom cang xanh VietGap gia nhu tom thuong, dan tinh tro ve cach lam cu hinh anh 2

Người dân thu hoạch tôm càng xanh. (Ảnh: Ngọc An) 

Phó chủ tịch UBND xã Trà Cổ Lương Chí Bình nói rằng, năm 2017, có doanh nghiệp về đặt vấn đề bao tiêu tôm càng xanh VietGap cho nông dân với giá cao. Doanh nghiệp đòi hỏi nguồn cung ổn định cả năm nên nông dân không thể đáp ứng.

Theo ông Bình, nghề nuôi tôm ở Trà Cổ phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên. Vì ở địa hình cao nên nông dân chỉ nuôi được tôm vào mùa mưa (tháng 6 đến tháng 11). Vào mùa khô, vì không chủ động được nguồn nước nên ao hồ bị trơ đáy, bỏ hoang, dân không có tôm để cung cấp cho doanh nghiệp.

Để giúp nông dân, chính quyền xã Trà Cổ đã đã kiến nghị cấp trên cho xây dựng hệ thống cấp nước cho các ao tôm để việc nuôi tôm không bị gián đoạn.

Theo ông Phùng Cẩm Hà, Chi cục trưởng chi cục thủy sản Đồng Nai, nuôi tôm càng xanh VietGap ở Trà Cổ sẽ mang lại nhiều lợi ích. Để nông dân có thể nuôi cả năm, đáp ứng nguồn hàng cho doanh nghiệp thì việc xây dựng kênh mương cung cấp nước là cần thiết.

Video: Nhiều địa phương cầu cứu giải cứu nông sản

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn