Tôi tự hào là Phóng viên - Chiến sĩ Trường Sa

Thời sựThứ Hai, 21/06/2010 05:38:00 +07:00

(VTC News) - Riêng đối với tôi, cảm xúc lúc đó thật thiêng liêng và tự hào vì là một trong những phóng viên trẻ nhất được nhận huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa.

(VTC News) - "Lính hải quân phải thử thách và chiến đấu trên đảo 18 tháng mới được nhận huy hiệu đấy, nhưng các đồng chí là những phóng viên, những nhà báo có tinh thần thép trong mặt trận tư tưởng của Đảng cũng đã không ngại khó, ngại khổ để ra với Trường Sa, để ghi lại một Trường Sa đang ngày càng giàu mạnh cho nhân dân ở trong đất liền được biết rõ, nên chúng tôi đã quyết định trao cho các đồng chí huy hiệu này.” Đại tá Đỗ Văn Thành, Chủ nhiệm hậu cần Quân chủng hải quân dõng rạc nói khi trao huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa cho đoàn phóng viên.

Con tàu HQ 996 chở đoàn công tác số 10 ra thăm Trường Sa tăng tốc sau hai ngày đêm lướt sóng giữa đại dương để kịp giờ đến với Trường Sa Lớn. Đại tá Đỗ Văn Thành đoàn trưởng đoàn công tác cho biết, đã thông báo với quân dân trên đảo sáng mai 5 giờ tàu sẽ cập cảng rồi, phải nhanh hơn nữa mới kịp không nhân dân họ đợi…

Tâm trạng tôi háo hức, cả đêm không ngủ được, lại cùng mấy anh em phóng viên trong đoàn lên boong ngồi bàn chuyện thế sự. Ai cũng háo hức và hồi hộp. Trong đầu chúng tôi cứ băn khăn hình dung về một Trường Sa với nhiều hình ảnh khác nhau. Đối với nhiều người chưa từng được đến Trường Sa, mới chỉ được đọc qua sách báo thì cái miền đất nằm giữa đại dương của đất nước này vẫn còn là một bí ẩn.

PV VTC News cùng các các đồng nghiệp đang tác nghiệp tại Trường Sa

Đoàn công tác chúng tôi có tất cả 23 nhà báo và phóng viên, tất cả họ đều là những người lần đầu tiên được tới Trường Sa, đa phần còn rất trẻ, tuổi đời mới chỉ 25 – 26 tuổi. Trên con tàu có tất cả phóng viên của ba miền Bắc – Trung – Nam của nhiều báo khác nhau, tụ họp thành đoàn phóng viên Trường Sa. Lên chuyến tàu này ra đảo ai cũng mong muốn sẽ khai thác được nhiều tư liệu để về đất liền viết bài, giới thiệu tới độc giả về một Trường Sa thân yêu giữa lòng đại dương bạt ngàn sóng vỗ.

Đồng chí Lê Trọng Kinh, Trưởng phòng hành chính của Quân chủng hải quân, người đã từng trên 10 lần dẫn ra trường Sa cho biết, đây là đoàn công tác có kỷ lục về số lượng phóng viên đi đông nhất từ trước đến nay mà lại toàn là phóng viên trẻ.

Đoàn Phóng viên phải xuống thuyền để cập đảo Đá Tây.

Gần ba ngày lênh đênh trên biển không có sóng điện thoại di động, chúng tôi gần như không có liên lạc với đất liền. Có lẽ trong cái tâm trạng ấy mà phóng viên Quỳnh Trang của báo Pháp luật TPHCM “vừa đi đã nhớ nhà”, chị chia sẻ vừa xa bờ có ba ngày thôi mà đã thấy nhớ kinh khủng lắm rồi, thật khâm phục ý chí kiên cường của quân và dân trên đảo. Xa quê hương nhưng họ vẫn cố gắng kìm nén nỗi nhớ để hoàn thành nhiệm vụ lớn lao phục vụ Tổ quốc.

Khoảnh khắc con tàu cập cảng Trường Sa lớn, có lẽ là giây phút mà có lẽ chúng tôi sẽ không bao giờ quên. 4 giờ 30 phút sáng, loa phóng thanh thông báo, 20 phút nữa tàu sẽ cập cảng. Từ phía xa, dưới làn sương phủ, một vài đốm sáng nhỏ mờ mờ hiện ra. Không nén được sự sung sướng, phóng viên Tuấn Minh của Đài Truyền hình VTC hét lớn: “Trường Sa kìa! Đúng Trường Sa rồi đấy!”, nhiều người trên tàu nhao nhao chạy ra mạn phải chĩa máy ảnh về phía đảo, để làm sao chụp được những bức hình “độc” nhất về một Trường Sa mờ ảo trong đêm.

Đoàn Phóng viên chụp ảnh lưu niệm tại Trường Sa Lớn.

Con tàu tiến sát dần bến cảng, trước mắt tôi là một Trường Sa lộng lẫy, giống như một thiên đường mà tôi chưa từng bắt gặp ở trong đất liền. Nước biển Trường Sa xanh trong, nhẹ nhàng sóng vỗ. Xung quanh đảo là hệ thống cây xanh bao bọc. Dọc bờ biển là hệ thống đèn chiếu sáng được chạy bằng năng lượng gió và mặt trời vẫn đang trưng đèn.

Không đợi lệnh của đoàn trưởng, nhóm phóng viên chúng tôi đã nhanh chân xuống đảo để chuẩn bị chộp ngay những bức hình đẹp nhất về lễ đón đoàn của quân dân trên đảo. Những cái bắt tay thân tình của những người chiến sĩ với đoàn phóng viên trẻ chúng tôi khiến cho tôi có những cảm xúc khó tả. Nhiều chiến sĩ hải quân trên Trường Sa lớn còn rất trẻ, họ mới chỉ 19, đôi mươi tuổi. Có lẽ được gặp người từ trong đất liền ra là cảm giác vui khôn xiết của họ lúc này.

Không có nhiều thời gian ở Trường Sa lớn, chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào tác nghiệp. Trường Sa nhanh chóng được ghi lại qua những ống kính máy ảnh, máy quay, những máy ghi âm và cả những cây viết với cuốn sổ luôn thường trực bên mình. Háo hức nhất là mấy em bé trên đảo cứ bám lấy chúng tôi khi đang phỏng vấn những người lính Trường Sa. Các em chỉ đường cho chúng tôi tới trạm xá, tới UBND huyện và tới cái lớp học hàng ngày các em vẫn ê a đọc chữ và học những tri thức về đất liền qua những cuốn sách.

...và giúp đỡ cán bộ chiến sĩ vận chuyển quà từ đất liền lên đảo.

Chỉ kịp ghi lại trong chớp nhoáng, đoàn công tác đã phải vội lên đường sau 3 giờ làm việc trên Trường Sa lớn. Một lễ tặng quà thân tình cho quân dân trên đảo, một lễ tưởng niệm tại tượng đài liệt sĩ, đi thăm chùa và khu nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh trên đảo... chúng tôi phải chia tay Trường Sa lớn.

Ấn tượng nhất trong chuyến đi với đoàn là ở đảo Đá Tây, một đảo chìm nằm cách Trường Sa lớn chừng 30 hải lý. Không có cảng lớn để tàu có thể cập đảo, thế nên chỉ có nhóm phóng viên, đoàn văn công của Đoàn nghệ thuật Quân khu 2 được lên đảo bằng ca-nô CQ từ đảo ra đưa vào. Sóng biển dữ dội nên việc đưa người từ tàu xuống ca-nô phải rất cẩn thận, nếu sơ xẩy sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Khi tác nghiệp ở Đá Tây, điều khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên đó là đời sống sinh hoạt và chiến đấu của các chiến sĩ. Cả đảo chỉ chừng 0,2 km2, mọi diện tích có thể đều được các chiến sĩ tận dụng để trồng rau, nuôi vịt nước mặn. Ở Đá Tây nuôi rất nhiều chó, những chú chó ở đây đều được đặt tên như người. Như tâm sự của một chiến sĩ trên đảo, tiếng chó sủa vào mỗi đêm mỗi sáng khiến họ bớt nhớ nhà đi rất nhiều.

Một khoang rau được trồng ngay dưới cột đèn điện trên đảo Đá Tây.

Hơn 4 ngày công tác tại các đảo ở Trường Sa không phải là nhiều để chúng tôi có thể tìm hiểu được hết tâm tư nguyện vọng của các chiến sĩ trên đảo nhưng điều quan trọng hơn cả là chúng tôi đã mang được “hơi ấm quê hương” từ đất liền cho các chiến sĩ. Khi phóng viên Như Quỳnh của báo Dân trí phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Văn Phú tại đảo Song Tử Tây, vị bác sĩ 29 tuổi này đã xúc động nói: “Mỗi một lần nghe tin có đoàn công tác ra thăm là tôi mong ngóng lắm. Được gặp các đồng chí, những người tôi chưa từng biết tại một nơi xa xôi như thế này thật vui xiết khó tả. Điều này vừa giúp chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà, vừa có thêm tinh thần để chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ.”

Đầu thu của Đài TH KTS VTC đã có mặt ở Trường Sa

Con tàu chúng tôi tạm biệt Song Tử Tây để quay trở về đất liền. Cảm giác lưu luyến đến khó tả, đã có những giọt nước mắt lăn dài trong giờ phút chia tay.

Đêm cuối cùng trên tàu, đoàn công tác đã tổ chức lễ tổng kết chuyến ra thăm Trường Sa. Quân chủng hải quân quyết định trao huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa cho nhóm phóng viên chúng tôi. Khi trao huy hiệu, Đại tá Đỗ Văn Thành đã nhấn mạnh: “Lính hải quân phải thử thách và chiến đấu trên đảo 18 tháng mới được nhận huy hiệu đấy, nhưng các đồng chí là những phóng viên, những nhà báo có tinh thần thép trong mặt trận tư tưởng của Đảng cũng đã không ngại khó, ngại khổ để ra với Trường Sa, để ghi lại một Trường Sa đang ngày càng giàu mạnh cho nhân dân ở trong đất liền được biết rõ, nên chúng tôi đã quyết định trao cho các đồng chí huy hiệu này”.

Đại tá Đỗ Văn Thành trao huy hiệu và giấy chứng nhận Chiến sĩ Trường Sa cho các đồng chí trong đoàn công tác số 10.

Được gắn tấm huy hiệu trên ngực, chúng tôi ai nấy đều vui mừng và tự hào. Riêng đối với tôi, cảm xúc lúc đó thật thiêng liêng vì là một trong những phóng viên trẻ nhất được nhận huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa.

Dương Lãng Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn