Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh: Khóc được, cười được, quên ngay được

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 02/10/2015 08:01:00 +07:00

Phim Toi thay hoa vang tren co xanh - Có lẽ người xem chờ đợi nhiều hơn ở Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, bởi phim mượt mà, nên thơ nhưng chưa tới.

(VTC News) - Có lẽ người xem chờ đợi nhiều hơn ở "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", phim khiến khán giả cười được, khóc được nhưng quên ngay được.

Chiếc vé đi tuổi thơ

Có lẽ, không nhiều phim Việt trước khi ra mắt lại nhận được sự quan tâm và háo hức chờ đợi của khán giả như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". 
Bởi bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học được nhiều người yêu mến của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – cây bút nổi tiếng với những ký ức tuổi thơ nhiều màu sắc qua từng trang viết.

Người mang những trang văn nhẹ nhàng, giàu chất thơ lên màn ảnh lại là Victor Vũ - vị đạo diễn đã thành công với nhiều bộ phim trước đó, như một sự đảm bảo kỳ vọng của khán giả đã đặt đúng chỗ.
tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, victor vũ, nguyễn nhật ánh
Thêm vào đó, những thông tin và hình ảnh được hé lộ trước khi công chiếu, càng khiến khán giả chờ đợi một tác phẩm điện ảnh Việt hay, đẹp và ấn tượng, giữa những bộ phim chán ngắt được sản xuất nhằm mục đích “cúng cụ” đầy khiên cưỡng về đề tài và thể loại ra mắt khoảng thời gian trước đó.

Từ ngôn ngữ văn học, Victor Vũ đã chuyển thể "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" thành ngôn ngữ điện ảnh một cách mềm mại và đầy chất thơ.

Khá trung thành với nguyên tác, Victor Vũ đã kể lại câu chuyện về tuổi thơ rất bình dị quanh 3 nhân vật chính là Thiều, Tường và Mận, tại một làng quê nghèo ven biển vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.
tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
(VTC News) - Có lẽ người xem chờ đợi nhiều hơn ở "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", phim khiến giả khóc được, cười được, nhưng quên ngay được.
Nếu ai đã từng một lần nhung nhớ đến cồn cào những ký ức tuổi thơ không bao giờ trở lại, hay từng day dứt những vụng dại non nớt thuở hồn nhiên trong trẻo, thì "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", như một tấm vé để quay lại sống giữa những ngày vô tư lự ấy.


Victor Vũ đã đưa tuổi thơ của biết bao người về lại, với cánh đồng biếc xanh, với mạ non mùa cấy, với thả diều, làm đèn ông sao, với mót khoai ngoài đồng, bắt hến giữa sông…với cả cái đói, cái nghèo, cái nhọc nhằn của đói cơm và áo vá suốt một thời.

Và hơn tất cả, với những ngây thơ trong trẻo của Thiều, Tường hay Mận khi cùng chơi, khi hờn giận, thậm chí cả những rung động đầu đời đẹp đẽ hẳn ai cũng bắt gặp mình trong ấy.

Nếu như Thiều luôn ra dáng một người anh, chăm học, đi đâu cũng cho em trai đi cùng, nhưng nhát ma, thì Tường, lẽo đẽo theo anh như cái đuôi, thông minh, láu lỉnh và dễ thương, luôn muốn dùng mưu mẹo để anh trai không bị bắt nạt. 
Hai anh em quấn quýt chơi đùa, cả đánh lộn. Tính cách nhân vật và bước ngoặt câu chuyện xảy ra khi cô bé hàng xóm tên Mận mà Thiều thầm mến bấy lâu sang ở nhờ sau một biến cố gia đình.

Cứ thế, "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" diễn biến đầy nhân văn, đẹp đẽ, giữa những mối quan hệ giữa con người với con người.

Cái chất êm đềm cứ quẩn quanh với người xem, với diễn xuất rất ngọt của ba diễn viên nhí, với hình ảnh được quay bằng flycam mượt mà, và người làm nhạc - Christopher Wong & Garrett Crosby đã truyền tải rất đầy đủ cảm xúc của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, bằng âm nhạc.

Nhưng…

Hụt hẫng, và chưa tới

Nếu ai đó hỏi người viết, bộ phim có hay không, có hấp dẫn không? Thì câu trả lời là bộ phim sạch sẽ, nhưng không thể nói là hay. Phim làm người xem khóc được, cười được, nhưng cũng quên ngay được. 
Bởi phim trong trẻo, nhưng càng về sau càng sa đà lan man, vụn và không đọng lại nhiều. Phim kết rồi, mà vẫn thấy có gì hụt hẫng, vì cảm xúc đứt quãng và thiếu liền mạch.

Nếu như chia bộ phim của Victor Vũ thành hai phần, bỏ qua một vài tiểu tiết thiếu logic thì nửa đầu của bộ phim, là bức tranh đẹp về ký ức tuổi thơ êm đềm, còn phần sau, với cách chuyển đoạn đột ngột, nhiều tình huống lan man, dẫn đến câu chuyện phim lê thê, càng về sau càng đuối.

Có thể, cái khó của nhà biên kịch Việt Linh ở chỗ bản thân tác phẩm văn học đã là những mảnh ghép, không dễ để sắp xếp lại thành mạch phim theo cấu tứ điện ảnh. Nhưng nếu biết tiết chế tình huống và dừng lại đúng chỗ, phim hẳn sẽ để lại nhiều cảm xúc cho người xem.
tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Để trung thành với nguyên tác của tác phẩm văn học, đoạn cuối của phim được xây dựng nhằm nổi bật tình tiết “hoa vàng trên cỏ xanh”. Nhưng vô tình, cách làm này đã làm hỏng bố cục phim. 
Người xem có cảm giác, phần đầu và phần sau của phim, có thể tách riêng để đứng độc lập. Nhưng giả sử, bỏ phần sau để lắng lại cảm xúc ở phần đầu, thì tên phim sẽ không thể là "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", và khi ấy, liệu có nhiều người quan tâm?

Để đẩy tình huống lên đến cao trào, Victor Vũ đưa vào những cảnh quay về lũ lụt, đói nghèo; nhưng thiên tai dưới ngôn ngữ điện ảnh của vị đạo diễn trẻ, không những không tiêu điều, tàn khốc, mà ngược lại vẫn đầy chất thơ, khiến phim thiếu đi sự chân thực.

Có thể nói, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một bộ phim sạch sẽ, nhưng khó có thể nói là hay. Có thể vì cái đẹp của hình ảnh và âm nhạc không khỏa lấp được sự hụt hẫng về cảm xúc, và người ta kì vọng nhiều hơn ở Victor Vũ.

Nhưng giữa mặt bằng chung phim Việt, thì tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh bằng ngôn ngữ điện ảnh vẫn là phim đáng xem, để tìm về trong trẻo của con người, giữa rất nhiều tác phẩm điện ảnh cố nhồi nhét vào đầu người xem về đề tài chiến tranh hay lịch sử nửa vời.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, văn học - hay điện ảnh, cũng thuần khiết và đầy chất thơ:

An Yên
Bình luận
vtcnews.vn