"Tôi sẽ mua hàng Việt nếu được luật pháp bảo vệ"

Kinh tếChủ Nhật, 21/11/2010 07:04:00 +07:00

(VTC News) - 65% NTD Việt từng mua phải hàng giả, hàng xấu, tuy nhiên chỉ 33% vui vẻ vì được giải quyết khiếu nại, 45% nhận được thái độ khó chịu của DN.

(VTC News) - “Nếu luật pháp bảo vệ được NTD thì tôi sẽ tin dùng hàng VN”, đó là quan điểm mà PGS.TS Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra trong buổi tổng kết 1 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt".

Bảo vệ NTD chính là khuyến khích tiêu dùng

Theo PGS.TS Lê Xuân Bá: Để người VN ưu tiên dùng hàng VN trước hết phải bảo vệ NTD. Ông đưa ra ví dụ: “Tôi đi siêu thị và mua một
phải hàng VN nhái, kém chất lượng, tôi lại không được pháp luật bảo vệ thì đương nhiên lần sau tôi sẽ không chọn hàng của nước mình nữa, mà chọn mua hàng ngoại. Dùng hàng giả, hàng nhái đôi khi còn gây cho ta sự bực mình mà sự bực mình này không thể tính được bằng tiền”.

Hiện nay, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ quyền của NTD (như Pháp lệnh bảo vệ về quyền lợi NTD 1999 hay Pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm 2007), nhưng việc thực thi các quy định đó còn nhiều bất cập, vướng mắc chưa được tháo gỡ. “Sự thờ ơ của NTD trong việc sử dụng các công cụ pháp lý để tự bảo vệ; sự lãnh cảm của nhiều công chức và của các cơ quan có trách nhiệm; vai trò mờ nhạt của một số tổ chức bảo vệ NTD” khiến “vấn đề vi phạm quyền của NTD vẫn ngày càng nghiêm trọng”, ông Lê Xuân Bá nhận xét.

NTD chưa được bảo vệ khi giá sữa vẫn từng ngày tăng lên chóng mặt.

Trong năm 2010, nhóm nghiên cứu của Hội Siêu thị Hà Nội tiến hành điều tra và khảo sát người tiêu dùng (NTD) về dịch vụ sau khi bán hàng của doanh nghiệp (DN). Kết quả có tới 93% số người được hỏi nói đã yêu cầu DN bảo hành khi mua hàng, chỉ có 7% NTD không yêu cầu bảo hành. Điều này cho thấy, NTD VN cũng rất quan tâm đến việc ràng buộc DN khi bán hàng.

Tuy vậy, khi bị khách hàng phàn nàn về chất lượng sản phẩm của dịch vụ được cung cấp bởi DN thì 49% số NTD cho biết, đã được DN đổi lại hàng hóa khác, 31% cho rằng, DN không giải quyết khiếu nại của khách hàng về sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mà DN đã cung cấp và 20% khách hàng được trả lại tiền.

Có 45% số người cho rằng, khi giải quyết kiếu nại của họ đối với hàng hóa, dịch vụ DN đã cung cấp, DN tỏ ra rất khó chịu. 33% khách hàng cho biết, DN tỏ ra khá vui vẻ khi có khiếu nại và 22% khẳng định: DN không tỏ thái độ gì.

Kết quả trên cho thấy, số người không hài lòng về chất lượng dịch vụ, hàng hóa vẫn rất cao và nhiều DN chưa thực sự quan tâm tới khâu hậu mãi của sản phẩm.

 Hàng loạt vụ xâm phạm nặng nề đến quyền lợi NTD như xăng dầu, điện nước, điện thoại, đặc biệt là VSATTP chưa bị xử lý (Ảnh: Phúc Hưng).

Hàng loạt vụ xâm phạm nặng nề đến quyền lợi NTD như xăng dầu, điện nước, điện thoại, VSATTP chưa bị xử lý thích đáng, rất ít trường hợp nhà sản xuất bồi thường cho NTD. Ông Lê Xuân Bá cho biết: Tại Bộ luật Hình sự, điều 162 qui định về tội lừa dối khách hàng, nhưng điều luật này chưa giúp được NTD yên tâm và tin cậy hơn khi mua hàng hóa. Thực trạng hàng nhái, giả, kém chất lượng, các hành vi gian lận trong cân đo, đong, đếm, thông tin về hàng hóa thiếu trung thực, quảng cáo sai sự thật vẫn diễn ra phổ biến. “Chúng ta thiếu hoạt động kiểm soát các sản phẩm quảng cáo, sản phẩm nào cũng nhận là siêu rẻ, là tốt nhất, do vậy, trên thực tế không ai bảo vệ NTD”, ông Lê Xuân Bá nhận định.

65% NTD đã từng mua phải hàng giả, hàng xấu

Theo số liệu thống kê khảo sát của nhóm nghiên cứu của Hội Siêu thị Hà Nội, có tới 65% số người được hỏi cho biết: Họ đã từng mua phải hàng giả, hàng xấu (hàng kém chất lượng) và 35% số còn lại thừa nhận chưa rơi vào tình trạng “thiếu may mắn” này. Điều đó cho thấy NTD không hài lòng đối với chất lượng sản phẩm của hàng hóa tiêu dùng ngay tại thị trường nội địa.

Hiện số vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã đạt đến con số 3.000 – 5.000 vụ/năm. Với kĩ thuật tinh vi, hàng giả, nhái xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều và công khai bày bán tại các chợ, cửa hàng thậm chí ở cả các trung tâm mua sắm thương mại sang trọng. Vấn nạn này không chỉ gây thiệt thòi cho NTD và nhà sản xuất chân chính mà còn là rào cản đối với các DN trong việc nỗ lực tìm kiếm thị trường, phát triển và giữ gìn thương hiệu.

Sức khỏe NTD không được coi trọng, nhiều đồ ăn, thức uống được sản xuất với công nghệ "siêu bẩn" (Ảnh: Phương Thảo)

Ông Lưu Song Hùng (Phó phòng kinh doanh Công ty nhựa Chí Thành), nơi chuyên cung cấp mũ bảo hiểm - cho biết: Nếu như trước đây doanh số của Chí Thành đạt khoảng 200.000 mũ/tháng thì trước vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng như hiện nay, doanh số của Chí Thành giảm tới gần 4-5 lần (chỉ còn khoảng 70.000 – 100.000 mũ/tháng).

Ngoài ra, lượng công nhân của Chí Thành từ 800 người, giờ chỉ còn khoảng 200, sản xuất cũng không được liên tục. Công nhân phải nghỉ ca, nghỉ ngày chứ không làm việc thường xuyên như trước (nếu trước đây, công nhân  làm việc 26 ngày/tháng thì nay chỉ còn 20 ngày hoặc cao lắm là 22 ngày/tháng). Nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại được đầu tư để sản xuất phải "đắp chiếu", không sử dụng được.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hương - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thời trang Việt Nam (Vinatex Mart) cũng bộc bạch: Hàng Trung Quốc được bày bán tràn lan trên thị trường hiện nay như căn bệnh ung thư nguy hiểm. Áo quần xuất xứ từ Trung Quốc (hoặc không rõ xuất xứ) đều có giá rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm nội địa cùng loại (thường chỉ ở mức bằng 1/3). Giá rẻ, mẫu mã, màu sắc đa dạng hợp với thị hiếu NTD VN. Nhưng ẩn dưới đó là rất nhiều nguy cơ khác mà NTD không được biết.

Theo thông tư 34/2009 của Bộ Công thương, ông Hoàng Lâm - Phó Giám đốc Quates 3 - cho biết: Qua kiếm tra, nhiều lô hàng Trung Quốc phát hiện ra các hóa chất formaldehyt và amin thơm độc hại có thể gây ung thư.

Gần đây, nhiều nhà kinh doanh nhập hàng trăm tấn thịt, ngũ tạng động vật, mỡ quá đát, hoặc cận đát nhiễm vi sinh bị phát hiện. Trong đo lường, ngoài chất lượng xăng kém hành vi, đong thiếu có DN còn cố tình gắn chip điện tử để gian lận trong bán xăng hay gian lận trong đo đếm tính cước taxi. NTD không được bồi thường về những hành vi gian lận thương mại trong các lĩnh vực này.

Qua khảo sát, ông Lê Xuân Bá chia sẻ thực trạng đáng buồn tại thị trường hàng hóa VN: Khá phổ biến hiện tượng đưa thông tin không trung thực, đánh lừa NTD về xuất xứ hàng hóa, về thành phần, tính năng công dụng, về bán “sale”, khuyến mại giá “cắt cổ” trong việc bán sữa ngoại, trong thuốc tân dược, lừa dối NTD vì ham lợi nhuận trong bán hàng đa cấp. Về trách nhiệm bảo hành: Mập mờ nội dung bảo hành, địa chỉ bảo hành, né tránh trách nhiệm bảo hành, kéo dài việc giải quyết khiếu nại của NTD hay bồi thường không thỏa đáng.

Nhiều cửa hàng treo biển "Sale off" với giá rẻ bất ngờ, hấp dẫn để "câu khách", đánh lừa với tâm lý NTD (Ảnh minh họa, Khuê Hạ)

“Trong thực tế có rất nhiều vụ việc cần phải có vai trò trách nhiệm của Nhà nước như: Làm sao NTD biết được nước tương có chứa chất gây ung thư hay phân biệt hàng thật và hàng giả khi thấy chúng y hệt nhau, hoặc người mua xăng làm sao biết được xăng có chứa chất Aceton.
NTD cũng khó biết giá sữa, giá thuốc hiện nay là cao hay thấp để khiếu nại”, ông Bá nói.

Thực tế, một số DN không dám chung tay cùng NTD chống hàng giả. Họ sợ khi công bố sản phẩm giả, NTD quá cẩn thận mà quay sang tẩy chay hàng thật. Tuy nhiên, theo quan điểm của một số DN, nhà sản xuất phải có trách nhiệm công bố rõ ràng đặc điểm sản phẩm để NTD biết, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái. Đó không chỉ là trách nhiệm đối với khách hàng mà cũng là cách bảo vệ thương hiệu, uy tín cho chính DN.

Ngoài ra, ông Ba cũng cho rằng: Để bảo vệ NTD, Nhà nước cần quy định rõ chức năng của cơ quan nào được quyền kiểm tra, giám sát để người dân khi phát hiện được vi phạm thì báo ngay cho cơ quan quản lý. Hơn nữa, phải có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, thậm chí cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng.

Thực tế cho thấy, ở Việt Nam mức xử phạt không tương xứng với lợi nhuận mà DN thu được từ hành vi vi phạm, do đó, có nhiều DN chấp nhận bị phạt để vi phạm. Để làm rõ nhận xét này, ông Bá đưa ra ví dụ: tại một điểm bán xăng dầu, sai số đo lường bình quân khoảng 5%, với mức tiêu thụ xăng dầu hiện nay, số tiền mà NTD bị thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Phương Hạ
Bình luận
vtcnews.vn