"Tôi không hối tiếc khi rời Ngân hàng Nhà nước"

Thời sựThứ Ba, 21/09/2010 06:15:00 +07:00

(VTC News) - Sau 15 năm, nhìn lại quyết định từ chức Trưởng phòng tư vấn và xây dựng pháp luật Ngân hàng Nhà nước, LS Trần Đình Triển nói, ông không tiếc nuối.

(VTC News) - Sau 15 năm, nhìn nhận lại quyết định xin từ chức Trưởng phòng tư vấn và xây dựng pháp luật Ngân hàng Nhà nước, Luật sư Trần Đình Triển nói, ông không hối tiếc về quyết định đó của mình.

- Cách đây 15 năm, khi đang là Trưởng phòng tư vấn và xây dựng pháp luật Ngân hàng Nhà nước – một nơi mà nhiều người mơ ước được vào, nhưng ông lại bất ngờ xin thôi việc trong khi nếu ở lại, con đường thăng tiến có thể rộng mở vì lúc đó ông mới chỉ 35 tuổi, vậy điều gì khiến ông đã quyết định như vậy?

 

Có nhiều lý do mà nếu cứ xoáy vào thì sẽ rất đau lòng. Tôi là người không tham vọng chức này chức kia với ai và không thể chấp nhận được hiện tượng người không học thì chỉ đạo người có học, người học thấp hơn thì chỉ đạo người học cao hơn, người học trái nghề chỉ đạo người học đúng chuyên môn.

 

Tôi là trưởng phòng pháp chế, nhưng các công việc phải thông qua người học cao đẳng. Nếu quá trình làm văn bản, phát hiện sai, mình góp ý thì họ lại tự ái, tình cảm anh em sứt mẻ, va chạm, thành ra làm việc với nhau không thuận.

 

Những điều đó dễ khiến ta buồn chán. Vì lòng tự trọng và danh dự của mình và để cho trong ấm ngoài êm, không gây căng thẳng, quan điểm của tôi là mình làm cái gì có ích cho nước cho dân mới là quan trọng nên tôi quyết định khăn gói ra đi.

 

LS Trần Đình Triển: "Làm được việc gì có ích cho nước cho dân thì đều tốt cả" (Ảnh: Nh.A) 

- Là người trong cuộc, và sau này từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp và những người khác bỏ nhà nước ra ngoài làm việc, theo ông, vấn đề thu nhập hay môi trường làm việc là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”?

 

Thu nhập không tương xứng đóng góp là một trong những nguyên nhân dẫn đến cho nhiều người có năng lực trình độ như bác sỹ giỏi từ bệnh viện công bỏ ra bệnh viện tư nhân, kỹ sư tin học từ DN nhà nước ra ngoài công ty TNHH và cổ phần, hoặc những người ở những tổ chức kinh tế trong nước ra làm cho các doanh nghiệp nước ngoài, v.v… Họ phải đi tới chỗ có thu nhập cao hơn để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống cũng là lẽ thông thường.

 

Nguyên nhân thứ hai, theo tôi, là lề lối làm việc, cách thức đề bạt để thể hiện việc trọng người tài chưa rõ ràng. Từ đó, vì lòng tự trọng bị tổn thương, họ cũng tìm cách ra đi.

 

- Sau khi rời bỏ Ngân hàng Nhà nước, ông sang làm ở Hiệp hội Ngân hàng rồi chuyển hẳn sang hành nghề luật sư, tại sao ông lại quyết định từ bỏ hẳn con đường “quan trường” của mình?

 

Những người có bản lĩnh, tư duy dứt khoát người ta tìm cho mình một chỗ nương thân. Tôi chọn nghề luật sư vì đó là nghề tự mình quyết định giúp cho dân được gì thì làm. Đó mới là điều quan trọng.

 

Tôi cho rằng, nói những điều đó có thể chạnh lòng nhiều người, nhưng theo tôi, tất cả các cán bộ nhà nước, những cán bộ làm ở các doanh nghiệp hay những người công nhân bình thường cũng hiểu được một điều rằng giá trị của một con người trong xã hội chính là đạo đức và sự đóng góp cho đất nước và cho xã hội, chứ không phải là chức vụ. Chúng ta nhìn nhận như thế để thấy xã hội có một sự cạnh tranh làm ra sản phẩm cho xã hội, đưa đất nước giàu mạnh lên chứ không phải bon chen chức vụ.  

 

- Có bao giờ ông cảm thấy hối tiếc về quyết định từ chức và rời khỏi Ngân hàng Nhà nước trước đây của mình?

 

Không. Tôi quan niệm rằng, với một công dân, phải có một năng lực trình độ phù hợp với công việc của mình. Thứ hai là làm gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của đất nước, của nhân dân, trong đó có lợi ích của riêng mình. Làm được việc gì có ích cho nước cho dân thì đều tốt cả.

 

Do đó, về mặt đạo đức, đừng đánh giá chức vụ cao thì đạo đức cao. Đã là con người thì phải đánh giá mối quan hệ giữa người với người, xem mối quan hệ trong gia đình và xã hội, để đánh giá đạo đức của một người. Thứ hai là đánh giá sự cống hiến, xem người đó làm được gì để đưa lại lợi ích cho đất nước. Ví dụ có những người khuyết tật mang huy chương vàng về cho đất nước, những học sinh đi thi giành huy chương vàng về cho đất nước thì chúng ta phải vinh danh và trân trọng.

 

Nếu mọi người được nhìn nhận như thế, thì mới sàng lọc được người tài, người giỏi hơn những người khác để giữ chức vụ cao hơn. Nếu chỉ nghĩ ngồi vào một vị trí nào đó để đánh bóng mình thì rất trống rỗng, không có vị trí nào trong lòng dân.

 

- Trên quan điểm đó, ông có cảm nhận gì khi gần đây một số người giữ trọng trách lớn trong cơ quan Nhà nước đã làm đơn xin thôi việc. Cũng từng là người “dứt áo ra đi”, ông nhìn nhận việc này như thế nào?

 

Có lẽ trong bộ máy nhà nước, về chức vụ, tôi là người làm đơn từ chức đầu tiên. Nhưng với hàm thứ trưởng như anh Trần Đăng Tuấn thì cũng là một trường hợp hy hữu nên có người cảm nhận đó là một cú “sốc”. Chúng ta chưa quen với văn hóa từ chức nhưng ở nước ngoài thì điều này là hết sức bình thường.

 

Tôi đánh giá cao và thông cảm cho quyết định đó của anh Tuấn.

 

- Xin cảm ơn ông!

 

Nhật Anh

Bình luận
vtcnews.vn