Tôi đi tập quân sự

Tổng hợpThứ Sáu, 13/12/2013 08:57:00 +07:00

Và giây phút đó, chúng tôi tự hào rằng mình may mắn có một người "đại đội trưởng tuyệt vời"!

Ðang đèo bòng một nách hai anh, "giai nhớn" năm nay tròn 30, giai nhỏ mới 2 tuổi, ấy vậy mà một ngày đẹp trời, tôi nhận được "trát" gọi đi tập quân sự. Lòng chộn rộn chút hồi hộp, bởi lẽ thời sinh viên, trường Nhân văn cho tập quân sự ngay trên sân trường, bắn đạn điện tử, trải nghiệm không oách và cũng chẳng có gì đáng nhớ. Giờ tôi là phóng viên quân đội, mà nhà báo – chiến sĩ tức là luôn sẵn sàng nhận, thi hành nhanh chóng và chính xác mọi nhiệm vụ được giao. Sau buổi chiều và tối cật lực đi mượn cho đủ đồ quân trang quân dụng, người mẹ tuổi "băm" sẵn sàng lên đường…

Đi quay chương trình về chiến sĩ mới đã nhiều, nhưng phải đặt mình vào chính vị trí của họ, mới hiểu phần nào những gian nan của chương trình huấn luyện tân binh, cũng như những niềm vui, sự tự hào khi khoác trên mình màu áo lính. Ðứng dưới nắng tập đội hình đội ngũ, quay đi quay lại nhiều "đúp" mà sao thấy các em vẫn có thể tươi cười. Phải tự mình đứng ở vai trò tân binh, mới hiểu rằng đó là cả một sự nỗ lực rất lớn. Cơ thể nhức mỏi, khát khô cổ, nắng chói mắt, đó mới chỉ là những sự rèn luyện rất cơ bản ban đầu. Chặng đường rèn luyện trở thành người lính còn rất dài phía trước…

 

Nội vụ vệ sinh – chuyện nhỏ mà không nhỏ

Ðầu tiên là những bài học về nội vụ vệ sinh. Nghe thì có vẻ đơn giản, giữ gìn vệ sinh chung, nhưng đó là cả một câu chuyện dài đã làm chúng tôi tốn nhiều thời gian nhất. Cả 2 tiểu đội nữ được biên chế gọn gàng vào một căn phòng rộng. Với chăn đệm quân nhu đã chuẩn bị sẵn, đại đội phó quân sự bắt đầu hướng dẫn cách gấp chăn màn "cục gạch". Học viên lăm lăm điện thoại để ghi hình lại từng thao tác của chỉ huy. Ðã nghe rỉ tai nhau về tầm quan trọng của chăn màn đẹp, ai cũng tỏ ra lo lắng. Lần đầu sống trong môi trường quân đội, việc nhỏ như vậy mà không hoàn thành, thì việc lớn biết tính sao.

Sau ngày đầu làm quen, tổng vệ sinh doanh trại sau khi nhận quân, ngày thứ hai, thứ ba bắt đầu đi vào nề nếp. Sáng kèn báo thức điểm, một cơ số người mắt nhắm mắt mở nhỏm dậy, vừa ngủ vừa đi giày. Phân công vài đồng chí tay giẻ tay chổi ở lại quét phòng, số còn lại nhanh chân ra tập thể dục. Bài thể dục không dễ thuộc, nhưng sau vài hôm cũng quen dần. Mê nhất là phần hô khẩu hiệu, rất khỏe và đanh thép: "Rèn luyện thân thể/Xây dựng quân đội; Rèn luyện thân thể/Bảo vệ Tổ quốc, Thể dục… Khỏe, khỏe, khỏe".

Sau màn thể dục là ổn định nội vụ vệ sinh. Và chỉ sau ít ngày, một cơ số "nghệ nhân" gấp chăn màn đã lộ diện. Cùng là chăn đó, màn đó, mà sao qua bàn tay chuối mắn của mình thì chỗ lô nhô, chỗ móp méo, thế mà qua bàn tay vuốt ve "em thân yêu" của một số nàng khác lại vuông thành sắc cạnh nình nịch như bánh chưng. "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò", một số cách đối phó rất đáng yêu được tính toán. Có nàng cuối tuần được về thăm nhà, tức tốc mượn thêm bộ chăn màn nữa. Thế là yên tâm, một bộ nhờ "nghệ nhân" ra tay gấp hộ để "cúng cụ", một bộ đêm giở ra đắp vô tư. Rồi có cảnh thỉnh thoảng có nàng kêu oai oái vì nàng khác ngồi nhầm lên bộ "cúng cụ". Mà rồi tính toán thế cũng không thành, vì chăn màn hình như phải có hơi người đắp nó mới cứng cáp lên, mới gập đẹp được. Ðể dành vài hôm rồi bộ chăn màn cứ méo dần, méo dần. Ðấy, bộ đội là phải rèn luyện, không đối phó được đâu. Thế mới có cảnh sáng sáng chị em nhanh nhanh chóng chóng đánh răng rửa mặt qua quýt, vào tập trung vuốt ve chăn màn với vẻ chăm chú lắm. Anh nào mà nhìn thấy cảnh ấy, chắc cũng từng mơ mình được làm chăn màn...

 

Rồi chuyện phơi quần áo, nhỏ lắm, nhưng cũng quan trọng, đem lại nhiều điểm thi đua. Mỗi đứa phải thuộc nằm lòng thêm bao nhiêu nguyên tắc: rằng là quân phục phơi trước, thường phục phơi sau, dài tay phơi trước, ngắn tay phơi sau, quần dài trước, quần nhỏ sau, tiểu đội bao nhiêu người thì phải phơi bấy nhiêu cái khăn mặt, không thừa không thiếu, và đặc biệt, cái nào cũng phải ướt… Mưa ướt phải có người thường trực đưa quần áo lên dây phơi trên cao ngay. Và kể cả phơi tránh mưa, cũng phải phơi đúng ngần đó quy định. Vậy nên mới phải phân công một thành viên trong tiểu đội có tính cẩn thận, nhanh tay nhanh mắt, chuyên phụ trách phần phơi và kiểm tra quần áo.

Rồi còn cái balô chiến sĩ. Làm thế nào để nhồi được cái balô vuông thành sắc cạnh, dây balô gọn gàng cũng là cả một nghệ thuật. Nào thì chăn, rồi gối, rồi quần áo lèn chặt các góc hòng tìm lấy sự vuông vắn. Thế mà vẫn có những người suốt khóa được tuyên dương chăn đẹp, balô đẹp. Nhiều người… ghen tị, tự nhủ thôi không vượt qua được các nghệ "nhân" thì đành cố gắng để không bị chăn xấu balô xấu, không làm mất điểm thi đua. Nhiều đồng chí ở nhà có lẽ tiểu thư ít làm việc nhà, lên đơn vị thấy cái gì cũng mới, nhưng cũng phải tự rèn mình, vì xấu hổ nhất là mất điểm của tiểu đội.

Trước cửa doanh trại có bảng tin. Mỗi sáng, trực ban nội vụ sau khi cùng ban chỉ huy đại đội chấm điểm thi đua xong, sẽ nắn nót ghi báo cáo trong ngày lên đó. Báo cáo ghi xong, nhiều người hồi hộp ra xem. Và hạnh phúc biết bao nếu một lần được vinh danh chăn đẹp, balô đẹp hoặc một thành tích nào đó, dù là nhỏ xíu. Trong đại đội có những đồng chí đã lớn tuổi, sắp lên ông lên bà, đi học ôn lại kiến thức an ninh – quốc phòng. Nhưng rồi cùng một đại đội huấn luyện, cùng một tinh thần nỗ lực phấn đấu, ai cũng thấy mình như con trẻ đang đến trường, cũng có chút hiếu thắng, cũng hết lòng vì thành tích chung. Bản thân tôi cũng đã cố gắng học thuộc "Mười lời thề danh dự của quân nhân" thật sớm, ngay sau khi được giao bài. Lời dài và khó, nhiều ý tương đồng khiến việc học thuộc không dễ dàng. Nhưng an ủi lại, là lễ chào cờ thứ hai tiếp đó, được vinh dự phân công lên đọc 10 lời thề trước quân kỳ, thấy giọng mình cũng hào sảng và đanh thép thật lạ. Cảm giác xúc động lâu lắm rồi mới có từ khi chính thức rời khỏi ghế nhà trường để bước vào cuộc đời.

 

Những kỷ niệm bất ngờ

Ðại đội trưởng đã 30 năm huấn luyện cán bộ, chiến sĩ mới. Hơn 30 lần được bổ nhiệm chức đại đội trưởng. Ông tự gọi mình là đại đội trưởng già nhất toàn quân. Cũng đúng, đại đội trưởng gì mà mang quân hàm… thượng tá. Và vì đã quá giàu kinh nghiệm trong huấn luyện, có lẽ phải gọi ông là … giáo sư Biết Tuốt. Không có tâm tư tình cảm, hành động nào của chúng tôi mà ông không biết. Biết nhưng đôi khi ông cũng giả vờ ngó lơ, đằng sau cái khuôn mặt khó đăm đăm là những cái cười tủm cực kỳ duyên.

Hơn 1 tháng huấn luyện, thời gian không dài nhưng có biết bao nhiêu là dịp kỷ niệm. Ngày 20/10, ngày của chị em phụ nữ, cũng là dịp cuối tuần. Ðại đội trưởng một mình bắt xe buýt đi về Hà Nội, vào siêu thị Big C mua đồ ăn thức uống rồi mới gọi ô tô đón đưa lên cơ quan. Khệ nệ cơ man nào là đồ ăn ngon. Anh em bí mật sang các đơn vị hàng xóm xin hoa về kết một lẵng hoa rừng cực đẹp. Ðoàn đi học toàn cán bộ công tác trong các lĩnh vực báo chí, nghệ thuật nên nhiều tài lẻ. Ðàn, micro sẵn sàng và chuyên nghiệp. Lần đầu tiên được đón một 20-10 xa nhà, vui đến thế, nhảy và hát nhiều đến thế. Ðại đội trưởng vẫn điệu cười mủm mỉm nhưng đã ghi điểm tuyệt đối trong mắt học viên.

Sinh nhật đại đội trưởng, chúng tôi cũng tổ chức mừng ông một bữa tiệc bất ngờ. Các họa sĩ thuộc bảo tàng kẻ vẽ khẩu hiệu, chị em đặt bánh, trang trí bàn, hoa và nến đủ cả. Nhiều học viên cũ biết dịp kỷ niệm cũng tranh thủ lên thăm hỏi người chỉ huy năm nào đã rèn luyện cho họ những bài học đầu tiên trong quân ngũ. Còn chúng tôi, những phóng viên trẻ lần đầu làm bộ đội cũng cảm thấy vinh dự, tự hào vì đang sống trong những ngày ấm cúng và đáng nhớ, hiểu thêm về tình cảm đồng chí, đồng đội.

 

Và kịch bản hoàn hảo nhất phải kể đến dịp sinh nhật học viên trong tháng. Tôi sinh ngày 25/10, đúng dịp đang đi huấn luyện. Mọi năm ở nhà có chồng, có con, sum vầy dù đơn sơ giản dị thế nào cũng vẫn vui. Năm nay xa nhà, sáng ngủ dậy cũng lác đác có đồng đội chúc mừng, nhưng sao vẫn thấy hơi buồn buồn. Ðen đủi thế nào, sáng hôm ấy, ban chỉ huy đại đội đã chẳng hỏi han chúc mừng được câu nào, lại còn gọi lên… kiểm tra bài cũ. Bài cũ nhưng vừa học chiều hôm trước, các động tác với súng, tay chân gõ bàn phím suốt ngày giờ cầm súng lóng nga lóng ngóng. Thế là khẩu súng AK cứ xoay vòng vòng trên tay mà chẳng biết đeo vào người bên nào cho phải. Cả lớp lăn ra cười. Ðại đội trưởng thì lườm. Lại còn phê bình đại đội phó: "Ðồng chí xem kết quả huấn luyện như thế này đây". Thêm một cơ số học viên bị gọi lên khảo bài. Cũng với tình trạng tương tự. Mặt đứa nào đứa nấy thuỗn ra. Mình thì xấu hổ ghê gớm. Ðen đủi chưa, học dốt bị bêu danh này. Nhưng không hiểu sao đại đội phó hôm nay bị phê bình mà mặt vẫn cười cười. Ðại đội trưởng còn gọi cậu học viên có máy ảnh ra chụp ảnh các gương mặt này. Ðã bị bêu danh lại còn chụp ảnh dằn mặt! Muốn khóc quá… Trời nắng, thao trường oi ả, trong lòng thì buồn quá…

Bất ngờ, chiếc xe U - oát của đại đội từ đâu phi đến đỗ xịch một cái trước "đoàn quân thất trận". Và ô kìa, một rừng hoa tuôn ra. Ban chỉ huy đại đội mỗi người ôm vài bó hoa rất điệu đà. Và trên cao, loa của doanh trại bật bài hát mà ai cũng bất ngờ: "Happy birthday to you…". Hóa ra tất cả các đồng chí bị gọi lên kiểm tra bài đều sinh nhật tháng mười. Tất cả chúng tôi đã khóc, khóc vì quá bất ngờ, cả người được tặng hoa lẫn người chứng kiến đều khóc. Thao trường vẫn nắng nhưng sao từ giờ phút đó, không ai cảm thấy oi bức khó chịu nữa. Chúng tôi đứng bên nhau, đầu đội mũ cối, chân đi giày chiến sĩ, ôm những bó hoa tươi thắm để chụp ảnh mãi không thôi. Dân truyền hình xúm lại khen đại đội trưởng có "kịch bản hoàn hảo".

 

Và giây phút đó, chúng tôi tự hào rằng mình may mắn có một người "đại đội trưởng tuyệt vời"!


Những khó khăn khác mà chúng tôi đã vượt qua

Tất nhiên, đi tập quân sự không thể không kể đến những khó khăn vất vả. Nhưng khối lượng kiến thức nhiều, việc rèn luyện thể lực đã cuốn chúng tôi đi mãi. Mỗi sáng dậy, cơ thể có nhức mỏi nhưng theo không khí phấn đấu chung, tất cả lại cố gắng dậy đúng giờ, gương mẫu với chính bản thân mình trước. Có thành viên đau ốm, cả tiểu đội xúm vào chăm sóc. Người xuống nhà bếp đặt nấu cháo, người sang quân y xin thuốc, người đánh cảm giúp, người gác hộ buổi đêm… Những lúc xa nhà, ở bên nhau giữa rừng núi hoang vu, mới thấy tình cảm đồng đội sao mà đáng quý thế.

Ðây là là lần đầu tiên nhiều người trong chúng tôi được bắn đạn thật. Dán lên mũ cối giúp cho nhau những khẩu hiệu "Quyết tâm bắn giỏi", nhưng ai cũng lo lắng không biết mình có bắn trúng bia được viên nào. Người nhức mỏi sau nhiều ngày tì tay tập bắn súng trên thao trường. Mắt hoa lên vì "mắt tươi, mắt héo" tập ngắm bắn. Và ngày tập bắn đạn thật, với sự nỗ lực cố gắng, nhiều bạn đã đạt hoa bắn giỏi, được cài lên ngực áo. Nhiều ngày sau, bờ vai vẫn tím bầm, hậu quả của việc súng bị giật mạnh khi bóp cò, nhưng chúng tôi đã có thể tự hào với nhau, mình đã từng bắn đạn thật, đã từng cầm súng, và đã vượt qua thử thách ban đầu đó.


Nhớ lắm những ngày đầy nắng gió

 

Ðợt huấn luyện đã kết thúc. Ðêm chia tay, chúng tôi đã ôm nhau khóc ròng. Sương đêm xuống ướt đẫm sân huấn luyện, nhưng không ai muốn ngủ đêm ấy. Ðã văn nghệ, đã liên hoan, rồi vẫn còn ôm đàn hát đến gần sáng. Ðây cũng là khóa đầu tiên chúng tôi làm kỷ yếu bằng hình ảnh. Một anh bạn đồng nghiệp, đúng tính chất nhà báo – chiến sĩ đã tranh thủ ghi hình mọi khoảnh khắc trong sinh hoạt hàng ngày. Ðó là quà tặng vô giá đến mỗi thành viên của đại đội. Ðể bây giờ, các con của chúng tôi, khi xem đoạn phim về những ngày bố mẹ huấn luyện, có thể kể thuộc lòng tên các cô chú trong đại đội, biết bố mẹ bắn súng ra sao, tập đội hình đội ngũ thế nào… Và con trai tôi, mới hơn 2 tuổi, đã rất thích đội mũ bộ đội có gắn ngôi sao. Có lẽ việc đầu tiên tôi sẽ thử thách con trai mình, khi nó đủ lớn, đó là cho con tham gia học kỳ quân đội. Ðể con cũng có cơ hội được sống, được vui, được khóc vì hạnh phúc như mẹ nó. Chồng tôi đã post bức ảnh tôi mặc quân phục lên mạng và đề tựa dòng Status: "Người chiến sĩ ấy…". Và bạn bè vào comment rằng tôi trông thật là khác. Làm sao mà không khác được, khi được vinh dự khoác lên mình màu áo lính, và phía trước còn biết bao nhiệm vụ mà Tổ quốc phân công chúng tôi thực hiện với sự tận tâm và đầy phấn khích.

Tân Binh

Bình luận
vtcnews.vn