Tội ác thấu tận trời xanh của tập đoàn ác thú Pol Pot

Khám pháThứ Tư, 16/09/2015 06:44:00 +07:00

Trong đêm thảm kịch 38 năm trước, một mình bà Cư chạy thoát, cả gia đình bà 9 người đã bị bọn ác thú Khmer Đỏ giết sạch.

(VTC News) - Trong đêm thảm kịch 38 năm trước, một mình bà Cư chạy thoát, cả gia đình bà 9 người đã bị bọn ác thú Khmer Đỏ giết sạch.

Kỳ 5 (kỳ cuối): Thảm cảnh của một gia đình

Hôm nay, khi cuộc sống đã yên bình, nhưng với nhiều người đã từng trải qua thời khắc ấy, họ không dám quay trở về mảnh đất Tân Lập (Tân Biên, Tây Ninh), nơi ghi hằn tội ác của Khmer Đỏ.

Ông Ba Hạnh kể lại, sau khi bộ đội Việt Nam đánh đuổi tập đoàn ác thú Pol Pot về bên kia biên giới, việc thu gom những thi thể của người dân vô tội mới chính thức được tiến hành. Nhưng ai cũng thấy nghẹt thở, ai cũng muốn ngất xỉu bất kỳ lúc nào. Bởi còn lại chỉ là những đống đổ nát, những xác chết bốc mùi hôi thối nặng nề. Ánh nắng thiêu đốt đã nhanh chóng khiến thể xác của họ bị thối rữa.

Có những gia đình chết sạch cả nhà, không còn người thân thích, ông Ba Hạnh cùng dân làng phải đào hố chôn ngay tại chỗ. Những căn hầm chứa 16,17 người bị bọn ác thú ném mìn, ném lựu đạn xuống cho tan nát, ông Hạnh chỉ còn biết đổ đất lấp kín, rồi đánh dấu ghi nhớ.

Bia chứng tích tội ác Khmer Đỏ  ở Tân Lập
Bia chứng tích tội ác Khmer Đỏ ở Tân Lập 

Suốt những năm sau đó, thỉnh thoảng, ông Hạnh lại thấy có người tìm đến những cánh rừng cao su. Họ mặc đồ trắng, đồ đen cũng có, cứ như mất hồn. Họ đi thất thểu, lúc thì kéo cả người thân về lập đàn thắp nhang khấn vái, lúc kéo nhị, lúc la hét, ai oán cả cánh rừng. Họ đi tìm lại thân nhân của mình, nhưng dấu tích đã bị tàn phá nặng nề bởi những cuộc giao tranh ác liệt giữa bộ đội Việt Nam và bọn ác thú Khmer Đỏ sau cái đêm tàn sát kinh hoàng đấy. Gần như những cuộc tìm kiếm đều diễn ra trong vô vọng.

Tội ác trời đất không dung thứ của ác thú Pol Pot
Tội ác trời đất không dung thứ của ác thú Pol Pot. Ảnh tư liệu

Ở xã Tân Lập, không ai là không biết đến bà Nguyễn Thị Cư. Trong đêm thảm kịch 38 năm trước, một mình bà Cư chạy thoát, cả gia đình bà 9 người đã bị bọn ác thú Pol Pot giết sạch. Một năm sau, bà quay lại dựng nhà ở trung tâm xã, cách địa điểm vụ thảm sát 6km.

Mặc dù sợ hãi quân Pol Pot có thể quay lại bất cứ lúc nào, nhưng bà bất chấp tính mạng những mong tìm lại được di cốt của bố mẹ, anh em. Thế nhưng, bao nhiêu năm qua, cái ước nguyện nhỏ nhoi ấy cũng không thể thực hiện, khi mà người thân của bà vẫn đang nằm hoang lạnh đâu đó dưới những tán rừng cao su xanh ngút ngàn ở cây số 39.

Năm 1977, bà Cư mới 22 tuổi, theo bố mẹ từ miền Bắc vào làm kinh tế. Bà được bố mẹ phân cho miếng đất ngay sát bìa rừng cao su để phát rẫy, với ý định về sau khẩn hoang làm kinh tế lâu dài. Bình thường, bà vẫn sinh hoạt cùng gia đình ở ấp Tân Thành. Nhưng vào ngày 24/9/1977, không hiểu có linh cảm kiểu gì mà lúc ăn cơm tối xong, bà Cư lại nằng nặc đòi lên trông coi nương rẫy, nên bà thoát chết.

Đêm hôm đó, bà Cư dù đang ở xa hàng km nhưng vẫn bật dậy khi nghe thấy những tiếng nổ rất to, như bom. Nghe tiếng súng, bà khiếp đảm vùng dậy bỏ chạy vào rừng. Cũng chả biết là bà chạy được bao xa, đang ở đâu nữa, đến lúc kiệt sức bà bất tỉnh.

Sáng tỉnh dậy, ánh mặt trời đã lên cao, ngồi định thần mới nhớ đến gia đình đang ở cả dưới ấp Tân Thành, bà hoảng hồn tìm đường chạy thoát ra khỏi khu rừng. Mãi đên trưa, thì có du kích của xã chặn lại, bảo bà không được xuống, phía dưới 2 bên đang giao tranh, dễ bị đạn lạc.

Mặc kệ lời can ngăn, bà Cư quên hết nguy hiểm, chỉ biết lo cho số phận của bố mẹ, nên men theo nương lúa bò xuống. Trước mắt bà là ngôi nhà cháy đen thui, dưới hầm chỉ còn toàn là xác người.

Bà Nguyễn Thị Cư
Bà Nguyễn Thị Cư 

Sau này nghe mọi người kể lại, bố bà cư thấy quân Khmer Đỏ tràn vào nên tức tốc chạy ra cắt dây cho bò chạy lên núi, xong vào đánh động gia đình tìm chỗ trú ẩn. Một quả đạn pháo rơi ngay đầu nhà, bố bà bị mảnh đạn găm trúng bụng. Ông chấp nhận nằm chờ chết trong đau đớn, chứ không dám bò vào hầm theo mọi người, vì sợ chúng sẽ lần theo vết máu tìm đến.

Thế nhưng, 9 người trong căn hầm đó cũng bị bọn ác thú phát hiện ra. Chỉ duy nhất em gái bà Cư là bà Nguyễn Thị Lán còn sống sót. Bà Lán là một trong 3 trường hợp thoát chết hy hữu trong cái đêm đó.

Lúc bà Cư tìm thấy em gái mình bên miệng giếng, bà Lán thều thào: “Chị ơi, bố mẹ, anh trai, chú bác, không còn ai nữa”, rồi ngất xỉu. Bà Cư tức tốc đưa em mình về trạm xá cứu chữa.

Sở dĩ bà Lán thoát chết một cách kỳ diệu như vậy vì bà nằm ở chính giữa căn hầm. Lúc quân Khmer Đỏ phát hiện ra miệng hầm, gọi không ai dám ra, tức thì chúng cứ đứng trên miệng hầm cầm giáo đâm xuống dưới, rồi xả một tràng súng. Bà Lán cũng bị trúng đạn ở bụng, ở đùi, nhưng xác người thân nằm đè lên trên che chở, nên bà sống sót.

Đến gần sáng, cơ thể khát khô vì mất máu trầm trọng, dù biết quân Khmer Đỏ đang giao tranh với bộ đội Việt Nam, bà Lán vẫn gắng gượng trườn ra khỏi hầm tìm đến giếng nước. Thế nhưng, đến gần giếng thì ngất xỉu, cho đến lúc bà Cư chạy đến.

Video giải cứu 10 người Việt ở Campuchia


Lúc đó chiến sự đang ác liệt, bà Cư nhìn thấy trong hầm, xác người lẫn lộn, không phân biệt được ai với ai. Bà Cư đành nhờ người lấp đất hết hầm, rồi mang thi thể của bố chôn cất ở góc vườn, để mấy viên đá làm dấu hiệu nhận biết, rồi đi theo đoàn người chạy loạn vào sâu trong nội địa Việt Nam.

“Một năm sau, lúc tình hình đã tạm yên ổn, bom mìn cũng được tháo gỡ phần lớn, tôi mới dám quay về, tìm lại những dấu tích cũ, thế nhưng tất cả đã thành bình địa, không biết giờ bố mẹ tôi, anh em tôi đang nằm ở đâu nữa. Người ta đã tìm thấy xác mang đi mà không báo lại với tôi, hoặc cũng có thể còn nằm dưới những tán rừng cao su ở đó”, bà Cư bật khóc cho biết.

Bà Cư cùng mọi người tổ chức tìm kiếm hàng trăm lần, đào được nhiều xác chết bị vùi lấp, nhưng không sao tìm lại được di cốt của những người thân trong gia đình mình. Điều đó khiến 38 năm qua, chưa đêm nào bà yên giấc.

Ông Phạm Văn Cần, ông Phạm Văn Đắc, hai anh em ruột trong vụ thảm sát may mắn sống sót, nhưng bố mẹ, người thân mất sạch. Khi tôi hỏi đến, cả hai đau đớn khóc nức nở. Họ bảo rằng biết bố mẹ đang nằm lại ở cây số 39, ở mấy ngôi mộ, nhưng đó toàn là mộ tập thể, không phân biệt được đâu là người thân của mình, đành để nguyên như vậy chứ không dám cất bốc.

“38 năm rồi, cứ đến ngày 24, 25/9, nếu có dịp nhà báo quay lại lần nữa, sẽ thấy suốt dải biên giới Tây Ninh, sâu cả vào trong đất liền, chỗ nào cũng có giỗ. Cả những người mãi về sau mới chuyển về đây làm trang trại, buôn bán, đến ngày đó họ cũng làm lễ tưởng niệm. Đó là ngày ghi nhớ tội ác không đội trời chung của ác thú Pol Pot với nhân dân Tân Lập”, ông Cần cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, nguyên chủ tịch xã Tân Lập năm 1977: Tội ác Khmer Đỏ, nhân dân Tân Lập ghi nhớ suốt đời
Ông Nguyễn Văn Hạnh, nguyên chủ tịch xã Tân Lập năm 1977: "Tội ác Khmer Đỏ, nhân dân Tân Lập ghi nhớ suốt đời" 

Bản thân ông Cần, ông Ba Hạnh, bà Cư… hay bất cứ những người mà tôi đã gặp ở Tân Lập trong chuyến đi tìm hiểu về vụ thảm sát kinh hoàng đêm 24/9/1977, đều bảo rằng, nhân dân Tân Lập quá căm phẫn với tội ác ghê rợn của bọn ác thú Pol Pot. Đó là cái giá quá đắt cho những ngày bình yên nơi biên giới như hôm nay.

Họ là nhân chứng đanh thép tố cáo tội ác của một trong những chế độ diệt chủng tàn ác khủng khiếp nhất lịch sử loài người. 


Hải Minh
Bình luận
vtcnews.vn