Toàn cảnh thương vụ Mobifone - AVG

Kinh tếThứ Năm, 15/03/2018 07:56:00 +07:00

Ngày 14/3, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra Dự án Mobifone mua 95% cổ phần AVG để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm.

Ai thành lập AVG?

Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) được thành lập vào năm 2008 với số vốn ban đầu đến từ nhóm đầu tư An Viên (An Viên Group) là 1.800 tỷ đồng. Chủ tịch của AVG là ông Phạm Nhật Vũ.

images796209_avg6_anrw

AVG kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình và phát sóng thử nghiệm lần đầu vào năm 2010. 

AVG kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình và phát sóng thử nghiệm lần đầu vào năm 2010. Đơn vị này cung cấp các dịch vụ truyền hình trả tiền phát trên hệ thống truyền hình số mặt đất (DTT) và truyền hình số vệ tinh (DTH).

 AVG là đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số thứ ba tại Việt Nam có phạm vi phủ sóng toàn quốc. Doanh nghiệp này có tham vọng sẽ chấm dứt việc phát sóng analog theo chủ trương chung của Chính phủ và khán giả chỉ có thể xem truyền hình qua cáp hoặc đầu thu kỹ thuật số.

Mặc dù vậy, sau 5 năm phát sóng thử nghiệm, vào năm 2015, những tham vọng của AVG không đạt được thành công. Theo VNExpress, trong năm 2014, tổng thuê bao của AVG chỉ vào khoảng 450.000, một con số khá khiêm tốn so với thị trường 9,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền (gồm cả truyền hình cáp và số vệ tinh).

Năm 2016: Mobifone bất ngờ mua AVG

Bước sang năm 2016, Tổng công ty Viễn thông Mobifone bất ngờ công bố hoàn tất mua lại 95% cổ phần của Công ty CP Nghe nhìn toàn cầu (AVG).

Mục tiêu của Mobifone khi mua lại AVG là nhằm phát triển một triệu khách hàng đăng ký mới dịch vụ truyền hình trong năm 2016, nằm trong top 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam đến năm 2020.

mobifone1-15205694524331899258706-0-0-399-710-crop-1520569785190607571411

Bước sang năm 2016, Tổng công ty Viễn thông Mobifone bất ngờ công bố hoàn tất mua lại 95% cổ phần của Công ty CP Nghe nhìn toàn cầu (AVG). 

Giá trị thương vụ vào cuối năm 2016 được Mobifone công bố là 8.889 tỷ đồng, số tiền này bằng 60% vốn điều lệ của Mobifone. Trong đó, 450 tỷ Mobifone vẫn chưa thanh toán cho ông Phạm Nhật Vũ.

Cũng chính tại thời điểm này, AVG chính thức bị đổi tên thành MobiTV với mục tiêu là 1 triệu khách hàng đăng ký dịch vụ truyền hình vào năm 2016, tăng gấp đôi số lượng thuê bao hiện có là 400.000 khách hàng.

Đầu tháng 8/2016, Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện việc Mobifone mua AVG, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Năm 2017: Tổng Bí thư chỉ đạo thanh tra

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cuối tháng 7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã yêu cầu ban khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai về trách nhiệm trong dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.

Tháng 9/2017, Thanh tra Chính phủ cho biết, cơ quan này đã tổ chức công bố quyết định thanh tra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone, với nội dung thanh tra toàn diện dự án Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Thời hạn thanh tra là 50 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định.

Năm 2018: Khẩn trương xử lý "thương vụ Mobifone - AVG"

Ngày 8/3 vừa qua, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nghe Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ báo cáo kết quả việc thanh tra.

Tại cuộc họp, Ban Bí thư cho rằng, đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Ban Bí thư đề nghị Thường trực Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết luận thanh tra, sớm công bố theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, chính xác theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát.

Ngày 12/3, Mobifone và AVG ký thỏa thuận hủy hợp đồng dưới sự chứng kiến của Bộ Thông tin – Truyền thông.

Theo đó, Mobifone và AVG thống nhất huỷ việc chuyển nhượng 344,66 triệu cổ phần, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo thoả thuận. Tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng này là 8.889,8 tỷ đồng.

Các cổ đông đã chuyển nhượng (phía AVG) sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền MobiFone đã thanh toán. Còn Mobifone cũng trả lại AVG số cổ phần và các tài sản đã nhận chuyển nhượng. 

Đại diện của AVG cũng không đòi bồi thường hợp đồng trong thương vụ này. Ngoài số tiền đã thanh toán cho AVG, Mobifone cho biết đã phải trả một số chi phí liên quan như thuê tư vấn và đại diện AVG cũng đồng ý sẽ thanh toán cả những khoản này.

Theo đại diện của AVG, lý do dẫn đến việc hủy hợp đồng là  Mobifone đã không vận hành, phát triển đúng như kế hoạch và để lỡ nhiều cơ hội, tiềm năng của AVG.

Kể từ khi hợp đồng có hiệu lực, Mobifone mới thanh toán 95% giá trị hợp đồng. Quá thời hạn phải thanh toán theo hợp đồng nhưng đến nay, MobiFone vẫn chưa hoàn tất nghĩa vụ chi trả 5% còn lại dù AVG đã liên tục có văn bản đòi.

Bên cạnh đó, kể từ khi có yêu cầu thanh tra hợp đồng này, quá trình vận hành thương hiệu AVG phát sinh nhiều vấn đề gây tổn hại uy tín cho các bên liên quan. Theo cả Mobifone và AVG, việc huỷ hợp đồng nhằm đảm bảo uy tín cho cả hai đơn vị.

Trong khi đó, Mobifone và các cổ đông chuyển nhượng sẽ khẩn trương xem xét và thực hiện các việc cần thiết đảm bảo không bên nào chịu bất kỳ thiệt hại gì cũng như không ảnh hưởng tới nguồn vốn và lợi ích của nhà nước.

Ngày 13/3, Bộ Thông tin – Truyền thông có văn bản thông phát ra hôm nay cho biết, ngày 8/3, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn thông báo ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đảng về dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG. 

Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, việc Mobifone và nhóm cổ đông thống nhất chấm dứt hợp đồng là giải pháp tối ưu, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo thu hồi đầy đủ vốn mà MobiFone đầu tư, không làm thất thoát vốn của MobiFone, của Nhà nước theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn đã trao đổi với Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thông báo về những diễn biến mới của sự việc, để Thanh tra Chính phủ và Đoàn Thanh tra có căn cứ xem xét những thông tin, tài liệu bổ sung gửi tới người ra quyết định thanh tra. 

mobifone-3-2253459 3

Ngày 14/3, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ.

Ngày 14/3, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra Dự án Mobifone mua 95% cổ phần AVG để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm.

Về xử lý kinh tế, theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Mobifone chịu trách nhiệm xử lý, thu hồi số tiền mà Mobifone đã thanh toán trong việc mua 95% cổ phần AVG; thực hiện các kết luận, xử lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn