Toà nhà 8B Lê Trực không phải công trình duy nhất chây ì, bất tuân luật pháp

Thời sựThứ Sáu, 09/10/2015 08:12:00 +07:00

Chủ đầu tư dự án số 8B Lê Trực không phải là trường hợp duy nhất thể hiện sự chây ì, bất tuân pháp luật tại Hà Nội.

(VTC News) – Nhiều công trình xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội cũng xảy ra tình trạng chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ các quyết định xử lý sai phạm của cơ quan chức năng. 

Xây vượt 16m vẫn chưa chịu phạt

Thời gian gần đây, những lùm xùm xung quanh sai phạm tại công trình xây dựng số 8B Lê Trực khiến dư luận quan tâm. Câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất là tại sao với hàng loạt sai phạm rõ ràng, chủ đầu tư toà nhà số 8B Lê Trực vẫn có thể xây dựng công trình cao sừng sững như vậy rồi cơ quan chức năng mới thành lập đoàn thanh tra.

Đến ngày 30/9 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về tòa nhà số 8B Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.


Trong báo cáo này, Hà Nội đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư dự án là Công ty CP May Lê Trực. Trong đó, chủ đầu tư đã tự nâng chiều cao mỗi tầng, xây dựng thêm 1 tầng, không thực hiện khoảng lùi, giật cấp… theo giấy phép.

Đáng chú ý, UBND TP Hà Nội khẳng định, trong quá trình xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng, Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình, UBND phường Điện Biên nhiều lần kiểm tra, xử lý các vi phạm. Cụ thể, các cơ quan này đã có 27 văn bản xử lý. Nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình xây dựng sai phép như trên, việc xử phạt của cơ quan chức năng trước đó gần như là không có tác dụng.

Chỉ đến khi báo chí đưa tin, dư luận bức xúc, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo làm rõ thì chủ đầu tư dự án này mới gửi báo cáo lên Thủ tướng thừa nhận sai phạm. Lúc này toà nhà tại số 8B Lê Trực đã cao 19 tầng, vượt 16m chiều cao, tăng 6.126 m2 so với giấy phép xây dựng.

Tòa nhà 8B Lê Trực

Đó là biểu hiện của sự chây ì, bất tuân pháp luật của chủ đầu tư dự án xây dựng công trình số 8B Lê Trực. Và đây không phải là trường hợp duy nhất tại Hà Nội mà cơ quan quản lý cứ xử phạt, còn chủ đầu tư cứ xây sai phép. Nhiều dự án, chủ đầu tư xây nhiều tòa nhà không phép, hoặc sai phép tới vài tầng, thậm chí là vài chục tầng… Những sai phạm này được phát hiện từ nhiều năm trước, nhưng tới nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Dự án có tới 5 công trình sai phép

Trong số này, phải kể tới Dự án Chung cư cao tầng và Trung tâm thương mại văn phòng do Công ty cổ phần may Thăng Long làm chủ đầu tư tại số 250 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng.

Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã thực hiện một số hạng mục vi phạm trật tự xây dựng. Theo đó, chủ đầu tư đã xây công trình Trung tâm thương mại, văn phòng gây lún, nứt các công trình lân cận liền kề.

Đặc biệt, chủ đầu tư đã cho xây dựng tới 5 công trình không phép và không đúng quy hoạch tổng mặt bằng  đã được chấp thuận. Cụ thể như sau:

- Công trình trụ sở Ban Quản lý dựa án (đã hoàn thành, đưa vào sử dụng), quy mô 03 tầng khung bê tông cốt thép; Diện tích xây dựng tầng 1 là 175,89 m2; Tổng diện tích sàn là 554,13 m2; Tổng chiều cao công trình đến đỉnh mái: 10,3m.

- Công trình sử dụng làm nhà tập thể hình, trên mái tầng 1 làm sân tennis (đang xây dựng) với quy mô 01 tầng khung bê tông cốt thép, Diện tích xây dựng tầng 1 là 587,40m2, Diện tích sàn mái tầng 1 là 644,15m2; Chiều cao đến đỉnh mái: 4,50m.

- Khối nhà WC thuộc khu vực sân tenit với quy mô 02 tầng, diện tích 12,75 m2/ 1 tầng (đã hoàn thiện).

- Công trình xây dựng khối nhà ăn (đã hoàn thiện) với quy mô 02 tầng + tum; Diện tích xây dựng 9,9m x 3,9m = 38,61m2; Chiều cao công trình đến đỉnh tum 7.1m.

- Trạm điện với quy mô 03 tầng; Diện tích xây dựng khoảng: 170m2; Diện tích sàn xây dựng khoảng 510m2; Tổng chiều cao đến đỉnh mái: 10,3m ( Mục đích sử dụng: Chủ đầu tư sử dụng làm trạm điện tại tầng 1 trên kích thức 8x14m= 112m2 tại tầng 1. Còn lại đang sử dụng làm ban quản lý dự án tại tầng 2, tầng 3).

Tòa nhà 3 tầng làm trụ sở Ban Quản lý dự án số 250 Minh Khai vẫn hoạt động bình thường, chưa bị cưỡng chế phá dỡ.

Liên quan đến những sai phạm nói trên, từ tháng 8/2014, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc kiểm tra đối với dự án. Ngày 7/8/2014, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc họp đối với các ngành chức năng của UBND Thành phố (Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc), thống nhất hướng xử lý đối với các vi phạm tại Dự án số 250 Minh Khai, Hà Nội.

Tại cuộc họp, Thanh tra Bộ Xây dựng đề xuất xử phạt đối với các vi phạm của chủ đầu tư theo quy định tại khoản 6 điều 13 (50.000.000 đồng) và khoản 9 điều 13 (1.230.000.000 đồng) Nghị định 12/2013/NĐ-CP. Sau khi chấp hành xong việc nộp phạt, chủ đầu tư có nghĩa vụ và được hưởng quyền theo quy định của pháp luật.

Các ngành chức năng của thành phố Hà Nội không thống nhất với phương án trên, đề nghị Thanh tra Bộ Xây dựng áp dụng pháp luật hiện hành để giải quyết, đồng thời có trao đổi với UBND thành phố Hà Nội để thống nhất phương án xử lý.

Ngày 14/5/2015 Thanh tra Bộ Xây dựng có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện xử lý phá dỡ. Trường hợp Chủ đầu tư không tự phá dỡ thì tổ chức cưỡng chế phá dỡ theo quy định của pháp luật.

Ngày 25/5/2015, UBND Thành phố có văn bản giao nhiệm vụ cho các sở, ngành xử lý công trình xây dựng không phép và không đúng quy hoạch tổng mặt bằng tại Dự án trên.

Sở Xây dựng đã chỉ đạo Thanh tra Sở thiết lập hồ sơ, chuyển UBND phường Minh Khai để ban hành các quyết định xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Ngày 17/6/2015, Sở Xây dựng đã có văn bản đôn đốc UBND quận Hai Bà Trưng chỉ đạo UBND phường Minh Khai đình chỉ có hiệu lực đối với công trình Trung tâm thương mại, văn phòng; Ban hành quyết định xử lý vi phạm theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện.

Trong một buổi tiếp xúc cử tri hồi đầu tháng 7/2015, đích thân Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã trực tiếp chỉ đạo Sở Xây dựng và quận Hai Bà Trưng áp dụng các biện pháp cứng rắn, xử lý nghiêm công trình vi phạm tại 250 Minh Khai.

“Ngay sau buổi họp này, phường và quận cần mời chủ đầu tư đến truyền đạt tinh thần chỉ đạo, yêu cầu chủ đầu tư tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Nếu chủ đầu tư không tự tháo dỡ thì xử lý theo đúng quy trình, Công ty sẽ phải chịu toàn bộ phần kinh phí phá dỡ,” Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Sau khi Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, UBND phường Minh Khai đã ban hành các Quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với các công trình xây dựng vi phạm quy hoạch được duyệt.

Sau hàng loạt các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, đến tháng 8/2015 một năm sau khi kiểm tra phát hiện sai phạm, Công ty CP May Thăng Long mới phá dỡ phần kết cấu của hai công trình vi phạm là nhà ăn 2 tầng và nhà kho bê tông cốt thép. Còn 2 công trình vi phạm còn lại là Khu nhà 3 tầng (Trụ sở Ban QLDA) và Trạm điện thì vẫn tồn tại, khiến dư luận bức xúc.

Chủ đầu tư bất hợp tác với các đoàn Thanh tra

Một dự án xây dựng khác cũng mắc nhiều sai phạm đó là công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội do Liên danh Công ty cổ phần đầu tư Hải phát và Công ty cổ phần sản xuất thương mại Đại Thanh làm chủ đầu tư.

Trong quá trình thực hiện dự án, Liên danh có ký Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đầu tư 100% cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên.

Dự án nằm trên khu đất do Công ty gốm xây dựng Đại Thanh (nay là Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Đại Thanh) ký hợp đồng thuê với Sở Địa chính – Nhà Đất (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) từ năm 2000. Tổng diện tích đất là 127.903m2. Mục đích sử dụng sản xuất vật liệu gạch ngói.

Dự án đã được UBND Thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và Điều lệ quản lý quy hoạch tại các Quyết định số 1066/QĐ-UBND và Quyết định 1067/QĐ-UBND ngày 06/3/2012.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chủ đầu tư có sai phạm gồm: Chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước; Xây dựng các công trình sai quy hoạch đã được phê duyệt.

Nhiều tòa nhà tại dự án Đại Thanh, Thanh Trì xây dựng sai phép hàng chục tầng. Ảnh: Infonet

Các công trình xây dựng sai quy hoạch bao gồm:

- Ô đất A1-HH1: Theo quy hoạch là Nhà ở với các khối nhà có số tầng cao: 5 tầng, 11 tầng, 18 tầng và 29 tầng; Thực tế: đã xây dựng và đưa vào sử dụng 03 khối nhà cao 32 tầng (không kể tầng hầm).

- Ô đất D1-HH2: Theo quy hoạch là Nhà ở với các khối nhà có số tầng cao: 5 tầng, 18 tầng và 29 tầng; Thực tế: đã xây dựng và đưa vào sử dụng 03 khối nhà cao 32 tầng (không kể tầng hầm).

Ở nhóm nhà ở thấp tầng, tổng số căn hộ biệt thự, liền kề (theo quy hoạch với quy mô là 3 tầng) tại Dự án Đại Thanh là 583 căn. Trong đó, 175 căn hộ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng (quy mô phổ biến là 5 tầng); 32 căn hộ đang xây dựng bị đình chỉ; 376 căn hộ còn lại chủ đầu tư đã hoàn thiện công tác thi công cọc chưa thi công phần thân.

Bên cạnh đó, ô đất cây xanh E2-CX2 theo quy hoạch là đất cây xanh, không xây dựng công trình. Nhưng trên thực tế, chủ đầu tư đã xây dựng và đưa vào sử dụng 01 Khu dịch vụ 4 tầng, 01 bể bơi, 02 sân tennis và 01 Tòa nhà trụ sở Ban quản lý dự án 01 tầng hầm + 5 tầng nổi.

Ô đất trường THCS F2-TH2, theo quy hoạch là 3 tầng. Thực tế, chủ đầu tư đã xây dựng và đưa vào sử dụng Nhà trẻ 4 tầng.

Về việc xử lý những sai phạm của chủ đầu tư dự án, từ năm 2012 đến nay, đã có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với dự án trên của các Bộ, ngành Trung ương và Thành phố như: Thanh tra Chính phủ; Bộ Xây dựng và đã có dự thảo kết luận báo cáo đã xử phạt hành chính.

Thanh tra Thành phố Hà Nội cũng đã thanh tra toàn diện và có Báo cáo thanh tra vào ngày 30/9/2013.

UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo các Sở, Ngành: Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính kiểm tra, đề xuất xử lý theo thẩm quyền.

Đối với việc quản lý trật tự xây dựng, UBND huyện Thanh Trì cũng đã có 8 cuộc kiểm tra, 4 lần xử phạt vi phạm hành chính.

Theo UBND TP Hà Nội, các cuộc thanh tra, kiểm tra gặp không ít khó khăn do tính chất phức tạp của dự án, việc các đoàn Thanh tra của cơ quan Trung ương đã thực hiện nhưng chưa có kết luận, cũng như do thái độ thiếu hợp tác của các Chủ đầu tư đối với các Đoàn thanh tra, kiểm tra của Thành phố.

Ngày 13/4/2015, UBND Thành phố có văn bản số 49/TB-UBND thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, trong đó giao nhiệm vụ cho các sở, ngành tập trung xử lý vi phạm tại dự án, đồng thời giao Thanh tra Thành phố thanh tra toàn diện đối với Dự án.

Sở Xây dựng đã chỉ đạo Thanh tra Sở tiến hành kiểm tra, thiết lập hồ sơ đối với tất cả các công trình (32 công trình) đang có hoạt động xây dựng tại Dự án trên (Hành vi vi phạm: Xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng, đất chuyên dùng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng).

Hồ sơ các vụ việc vi phạm đã được chuyển UBND xã Tả Thanh Oai ban hành quyết định đình chỉ theo thẩm quyền. Hiện tại, tất cả các công trình vi phạm đang đình chỉ có hiệu lực.

Được biết, để tránh chồng chéo, hiện Thanh tra TP Hà Nội đã tạm dừng việc thanh tra đối với dự án Đại Thanh. Trong khi đó, Thanh tra Chính phủ vẫn đang trong quá trình thanh tra dự án.

UBND TP Hà Nội đã giao Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp toàn bộ kết quả đã thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các Bộ, ngành Trung ương và thành phố tại dự án để việc xử lý vi phạm được thống nhất, tránh chồng chéo.

Đà Long

Bình luận
vtcnews.vn