Tòa làm khó báo chí, Bộ trưởng Tư pháp lên tiếng

Thời sựThứ Năm, 19/06/2014 02:34:00 +07:00

(VTC News) - Bộ trưởng Tư pháp cho rằng thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đang hạn chế báo chí tác nghiệp tại tòa.

(VTC News) - Bộ trưởng Tư pháp cho rằng thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đang hạn chế báo chí tác nghiệp tại tòa.

Sáng 19/6, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã chia sẻ với báo chí xung quanh Thông tư 01/2014 về nội quy phiên tòa của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Thông tư số 01/2014 về nội quy phiên tòa của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định các phóng viên muốn tham dự đưa tin phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu.


Quy định trên đây đã vấp phải phản ứng của dư luận bởi theo nghị định số 51/2002/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí), nhà báo tham dự phiên tòa chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường
(Ảnh: Phạm Thịnh)
 
- Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về thông tư 01/2014 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định các phóng viên muốn tham dự đưa tin phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu?


Thông tư 01/2014 có quy định nhà báo tham dự, đưa tin phiên tòa phải trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức. Vấn đề này Bộ Tư pháp đã phát hiện ra và cần góp ý cho Tòa án nhân dân tối cao.

Về nguyên tắc, Bộ Tư pháp không có thẩm quyền kiểm tra đối với Thông tư của Tòa án nhân dân tối cao nên chỉ góp ý.

Dự kiến đến ngày 21/6, Bộ Tư pháp sẽ có văn bản góp ý cho Tòa án nhân dân tối cao.

- Thông tư 01/2014 của Chánh án tòa án nhân dân tối cao có thực sự cần thiết không, thưa ông?

Thông tư này là “giấy phép con”, là rào cản đối với hoạt động báo chí và không cần thiết. Quy định phải xuất trình trước 15 phút, nếu chậm hơn thì không được tham dự cũng là vấn đề.

Nguyên tắc xét xử ở Việt Nam là công khai, trừ một số trường hợp bí mật. Quyền báo chí đã được quy định trong Luật báo chí và Nghị định của Chính phủ.

 

Thông tư này là “giấy phép con”, là rào cản đối với hoạt động báo chí và không cần thiết

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường
 
- Ngày 18/6, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết đã xin ý kiến và được Hội nhà báo, Bộ Công an đồng ý. Thông tư này có xin ý kiến từ Bộ Tư pháp không, thưa ông?


Tôi được biết bên Tòa án nhân dân tối cao không xin ý kiến Bộ Tư pháp. Nếu cần tôi sẽ kiểm tra lại.

- Nếu TANDTC không sửa thì cơ quan nào có thẩm quyền “tuýt còi” thông tư này, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng Tòa án nhân dân tối cao sẽ sửa thông tư này. Còn theo quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có quyền kiểm tra thông tư này.
Tại phiên tòa xử vụ chống người thi hành công vụ ở Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức (Hà Nội) ngày 26-4, phóng viên có thẻ nhà báo nhưng không có giấy giới thiệu vẫn không được vào tòa - Ảnh: T.L.
Tại phiên tòa xử vụ chống người thi hành công vụ ở Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức (Hà Nội) ngày 26/4, phóng viên có thẻ nhà báo nhưng không có giấy giới thiệu vẫn không được vào tòa - Ảnh: T.L. 

- Xin Bộ trưởng cho ý kiến về xu hướng gần đây có nhiều văn bản ban hành đã hạn chế, gây khó khăn hoạt động của báo chí?

Thực ra, nghị định của Chính phủ đã quy định rất rõ tạo thuận lợi cho báo chí. Vì vậy, các ngành trong Chính phủ chưa có quy định nào ngược lại.

Hiện nay, Bộ Tư pháp còn nợ nghị định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động báo chí, cung cấp và đăng tải thông tin nhưng mập mờ giữa chủ thể là nhà báo và người dân. Cần phải tách rõ để chỉ những cơ quan có thẩm quyền mới được xử phạt chứ không phải mọi người đều có quyền này.

 - Phải chăng đang có khoảng trống trong kiểm soát thông tư, thưa ông?

Hiện tôi đã nghe lần cuối trước khi xin ý kiến về dự thảo Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng, tinh thần là có đề nghị Chính phủ, Quốc hội về cơ chế kiểm soát thông tư của các bộ, ngành.

Thông tư của Tòa án, Viện kiểm sát thuộc phạm vi kiểm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên phải có cơ chế khác để kiểm soát. Ví dụ, các thông tư của Tòa án, Viện kiểm sát bắt buộc phải xin ý kiến của Bộ Tư pháp chứ không được ban hành tùy tiện.

Xin cảm ơn ông!

Trao đổi với phóng viên bên bên lề kỳ họp Quốc hội xoay quanh quy định phóng viên phải có thẻ nhà báo và giấy giới thiệu mới được tham dự phiên tòa, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết, sở dĩ đưa ra quy định như vậy là để “ngăn ngừa tình trạng thích thì đến, không thích thì không đến”.

Cũng theo ông Sơn, quy định này còn góp phần để “đảm bảo trật tự phiên tòa”. Ông Sơn cũng khẳng định “tinh thần chung là rất mở và rất thoải mái”.

Giải thích lý do đưa ra quy định này, Phó chánh án cho biết: “Khi anh thực hiện công vụ thì cơ quan anh phải có giấy giới thiệu và cử người có thẻ đến để làm.

Báo chí cũng là thực hiện nhiệm vụ, và nhiệm vụ ấy phải được thực hiện trên cơ sở của sự phân công. Khi nhà báo có đủ các điều kiện ấy thì được tham dự phiên tòa”.

Ông Nguyễn Sơn cũng thông tin, khi xây dựng quy định này, các đơn vị khác như Hội Nhà báo, Ban Tuyên giáo, Bộ Công an… đã thống nhất chủ trương đó và cuối cùng mới đi đến thống nhất như vậy.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn