Tọa đàm 'Cân bằng dinh dưỡng cho Gia đình Việt': Tư vấn hữu ích từ 2 chuyên gia

An toàn thực phẩmThứ Hai, 15/11/2021 10:57:00 +07:00
(VTC News) -

Chương trình Tọa đàm trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành sẽ mang đến những thông tin khoa học và chính xác nhất tới khán giả.

Tọa đàm 'Cân bằng dinh dưỡng cho Gia đình Việt': Tư vấn hữu ích từ 2 chuyên gia  - 1

 

Giải quyết thực trạng mất cân bằng dinh dưỡng trong gia đình Việt

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề dinh dưỡng còn tồn tại. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn ở mức cao; tỷ lệ thừa cân – béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh, nhất là ở khu vực thành thị; tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện đồng đều.

Không những thế, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, ăn mặn, ăn ít rau và trái cây, thiếu vận động thể lực làm gia tăng nguy cơ bệnh tật. Tầm vóc của người Việt Nam chậm cải thiện và thấp hơn so với trung bình của nhiều nước trong khu vực. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh chưa được quan tâm đầy đủ.

Cụ thể, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới và UNICEF đánh giá là quốc gia duy nhất trong khu vực đạt giảm suy dinh dưỡng trẻ em là 1,8% gần mức giảm của mục tiêu thiên niên kỷ là giảm 2%/năm.

Tọa đàm 'Cân bằng dinh dưỡng cho Gia đình Việt': Tư vấn hữu ích từ 2 chuyên gia  - 2

(Ảnh minh họa)

Số liệu thống kê đến năm 2018, tỷ lệ duy dinh dưỡng (SDD) nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 12,8% và suy dinh dưỡng thấp còi là 19,6%.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) còn 14,8% (năm 2010 tỷ lệ này là 23,4%).

Mặc dù vậy, tỷ lệ suy dinh dương thấp còi còn cao và có sự chênh lệch giữa các vùng miền, thậm chí có nơi lên tới 30%.

Không chỉ vậy, trong những năm trở lại đây, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức kép đó là tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì ngày một gia tăng, khi con số thống kê tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM có nơi lên tới hơn 40% trẻ em béo phì.

Cụ thể, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Bên cạnh đó, một chỉ số khiến nhiều người giật mình, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn 13cm so với chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Chiều cao trung bình của nữ thanh niên Việt Nam là 153cm, thấp hơn 10,7cm của WHO. Trong vòng 15 năm qua, chiều cao của người Việt chỉ tăng được 1,5cm.

Theo bản đồ chiều cao người dân các nước trên thế giới, Việt Nam nằm trong số các nước có chiều cao trung bình thấp nhất. Đây là một thực trạng đáng lo ngại bởi nó ảnh hưởng đến thể lực, trí tuệ, hình ảnh của cả một quốc gia.

Tọa đàm 'Cân bằng dinh dưỡng cho Gia đình Việt': Tư vấn hữu ích từ 2 chuyên gia  - 3

(Ảnh minh họa)

Tư vấn thông tin từ các chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành

Một trong những nguyên nhân được cho là chế độ dinh dưỡng trong các bữa ăn của người Việt chưa đồng đều và chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển.

Vậy làm thế nào  để có thể cải thiện, cân bằng được chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn của người Việt, nhất là khi xu hướng đồ ăn nhanh, tiện lợi trong thời đại công nghiệp 4.0 đã ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề này.

Từ những vấn đề cấp thiết nêu trên, Báo điện tử VTC News tổ chức chương trình tọa đàm “Cân bằng dinh dưỡng cho gia đình Việt” với sự tham gia trao đổi và tư vấn thông tin chuyên môn của TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam và PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia.

Chương trình chi tiết sẽ sớm gửi đến quý vị độc giả ở bài viết tiếp theo.

Vân Hồng
Bình luận
vtcnews.vn